Kinh tế thế giới gặp "khủng hoảng chồng lấn": Lộ diện cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam
Kinh tế thế giới gặp "khủng hoảng chồng lấn": Thách thức và cơ hội nào cho Việt Nam?
An Linh
Thứ sáu, ngày 12/01/2024 06:04 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế thế giới đang đối mặt với cuộc "khủng hoảng chồng lấn", điều này đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội cho các nền kinh tế thay đổi và chuyển dịch, trong đó có Việt Nam.
Tại Diễn đàn thường niên lần thứ 16 Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam, phối hợp với Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia quốc tế, trong nước đã bày tỏ quan điểm, dự báo về bức tranh kinh tế thế giới, Việt Nam và tìm nhiều lời giải, cách ứng phó.
Dự báo kinh tế thế giới có những biến động trái chiều
Giới nghiên cứu và chuyên gia kinh tế đều nhận định, kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối diện với bức tranh có nhiều dự báo biến động trong năm 2024. Nhiều giả thiết về nền kinh tế như tăng trưởng thấp, trượt xuống đáy hoặc ở góc độ khác, là "siêu chu kỳ" tăng trưởng mới với những chuỗi sản xuất, động lực mới của công nghệ mới.
Cùng chung dòng xoay ấy, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức, đan xe cùng cơ hội và cần chủ động thích ứng.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, kinh tế thế giới đang đối mặt các cuộc "khủng hoảng chồng lấn" đó là khủng hoảng kinh tế, chiến tranh Nga-Ukraine, lạm phát,... Trong bối cảnh đó, WB dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, như tiêu dùng sụt giảm, các chính phủ tăng tiết kiệm sau nhiều năm sử dụng đáng kể nguồn vốn và ngân sách…
Nhận định về Việt Nam, vị chuyên gia của WB nói: Đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp, xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn,… Việt Nam cần có chính sách tháo gỡ và thúc đẩy cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu và để đi đến tương lai đó. "Các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp", bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý, như kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt.
Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu kinh tế thế giới năm 2024 đã đến "điểm đáy" suy giảm?
Tuy nhiên, dẫn chứng nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ), Thứ trưởng Hằng cho biết, giới chuyên gia quốc tế nhận định sau chuỗi thời gian suy giảm, sẽ là lúc thế giới sắp bước vào một "siêu chu kỳ" tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử carbon. Do đó, Việt Nam cần phân tích xu thế mới tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Đừng chạy theo tháo gỡ khó khăn hãy thay đổi, chủ động
Bàn về chủ đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần chủ động trước khó khăn, "không thể mãi nói một chuyện khó khăn và chạy theo nó".
"Tôi không thích từ tháo gỡ khó khăn, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn, khiến vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều", ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong vài năm trở lại đây nền kinh tế có nhiều khó khăn và xã hội nói nhiều cụm từ khó khăn quá. Cần chuyển từ tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi, kiến tạo phát triển. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.
Đại diện VCCI nhấn mạnh, cần giảm chi phí kinh doanh, ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Ông Tuấn cho rằng, Quốc hội cho phép giảm thuế suất 2% thuế VAT để hỗ trợ nền kinh tế cùng cắt giảm nhiều loại phí,… Tuy nhiên, một số loại phí, khoản nộp ngân sách lại tăng hơn, những thanh tra, kiểm tra không cần thiết nên được loại bỏ để tạo cho doanh nghiệp có không gian phát triển.
Đặc biệt, theo ông này, tư duy chờ đợi, đúng quy trình ở một số địa phương vẫn phổ biến. Chính vì thế, cần sốc lại tinh thần, không khí thực thi hiệu quả, quyết liệt ở các địa phương để chính sách đi vào đời sống nhanh, hiệu quả hơn.
"Nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao", ông Đậu Anh Tuấn nói.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng, dù dự báo những "làn gió ngược" sẽ giảm đi năm 2024 và nền kinh tế có những thuận lợi hơn. Nhưng các dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới, khu vực đều thấp hơn con số của năm 2023.
Bối cảnh ấy, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5%, cao hơn năm 2023 "điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế", GS.TS. Hoàng Văn Cường lập luận.
Ông Cường cho rằng, trong bối cảnh này nếu chỉ trông chờ vào sự khởi sắc kinh tế thế giới, xuất khẩu thì khó thể vượt lên xu thế chung. Việt Nam cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên.
"Cần có hành động cụ thể nhằm "chớp" được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số,… Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế", ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.