Năm 2023 kinh tế khó khăn, Hải Phòng vẫn “về đích” ngoạn mục

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 11/01/2024 06:46 AM (GMT+7)
Năm 2023, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Đặc biệt, thành phố đã về đích ngoạn mục một số chỉ tiêu quan trọng, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10,34% gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung cả nước.
Bình luận 0

Bức tranh sáng màu Hải Phòng trước thềm năm mới

Đây là năm thứ 9 liên tiếp Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số, thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng lần thứ hai liên tiếp vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó thu nội địa đạt trên 43.000 tỷ đồng, vượt trên 38% dự toán Trung ương giao và bằng 102,3% kế hoạch năm 2023.

Năm 2023 kinh tế khó khăn, Hải Phòng vẫn “về đích” ngoạn mục- Ảnh 1.

Cảng Hải Phòng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử HP.

GRDP bình quân đầu người đạt 7.960 đô la Mỹ/người, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14%, gấp 2,8 lần bình quân chung cả nước; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 191 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11% so với năm 2022, vượt kế hoạch năm (190.000 tỷ đồng); Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 170 triệu tấn, tăng trên 1% so với năm 2022; Kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ Đô la Mỹ, tăng 7,7% so với năm 2022, đạt kế hoạch năm năm 2023; Thu hút khách du lịch đạt 7,9 triệu lượt khách, tăng trên 12% so với năm 2022, vượt 8% so với kế hoạch năm là (7,3 triệu lượt khách).

Đặc biệt, năm 2023, Hải Phòng tiếp tục bứt phá ngoạn mục trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với con số kỷ lục đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2022.

Trong năm Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 đồ án quy hoạch quan trọng, đó là Quy hoạch thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch cấp tỉnh thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2023 kinh tế khó khăn, Hải Phòng vẫn “về đích” ngoạn mục- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án khu nhà ở xã hội Happy Homes tại Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng. Ảnh: CĐT

Thành phố đã khởi công nhiều dự hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, như: Công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố và công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Cầu Lại Xuân và Nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước với Quốc lộ 5; Đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP; Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu tại huyện Cát Hải; Tập trung triển khai xây dựng 4 khu vực nhà ở xã hội tại Quận Ngô Quyền, khu vực tràng duệ huyện An Dương; đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Khu Tràng cát và khu Đình vũ tại quận Hải An; Giải ngân vốn đầu tư công Đến ngày 20/11/2023, đạt gần 12.800 tỷ đồng, bằng trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng trên 58% kế hoạch của TP năm 2023.

Năm 2023 kinh tế khó khăn, Hải Phòng vẫn “về đích” ngoạn mục- Ảnh 3.

Một góc Hải Phòng. Ảnh: VTH

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay Hải Phòng đã có 7/8 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đang tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới đối với Bạch Long Vĩ; Đã có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Cơ bản hoàn thành các công trình xây dựng tại 35 xã thực hiện từ năm 2022; đang tiếp tục triển khai các công trình của 35 xã tiếp theo từ năm 2024.

Giải pháp đột phá, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Trao đổi với PV Dân Việt, để có được bức tranh sáng màu với những con số ấn tượng này, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thời gian qua, đặc biệt trong năm 2023, Hải Phòng đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều hành chủ động, có quyết sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội thành phố, xác định rõ lĩnh vực cần ưu tiên, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện.

Ví dụ như để thu hút đầu tư, lãnh đạo thành phố tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí xếp hạng chỉ số PCI trong nhóm 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Các hoạt động đối ngoại của thành phố đã được triển khai đa dạng, phong phú. Thành phố đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, do lãnh đạo thành phố trực tiếp tham gia và thực hiện các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư của Hải Phòng tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... qua đó tiếp tục củng cố, mở ra mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa thành phố với các đối tác chiến lược trong bối cảnh mới và đã đạt được nhiều Biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư giữa lãnh đạo thành phố và các Tập đoàn lớn.

Năm 2023 kinh tế khó khăn, Hải Phòng vẫn “về đích” ngoạn mục- Ảnh 4.

Tác phẩm “Phố đi bộ Hải Phòng” của tác giả Vũ Văn Lâm đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh đẹp du lịch Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo thành phố quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, liên tục trực tiếp chủ trì các cuộc họp rà soát, giải quyết vướng mắc; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết thấu đáo đối với những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm cải cách hành chính, chuyển đổi số; chú trọng tạo lập môi trường đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư thông qua các chính sách về đào tạo lao động, phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư các dự án phát triển du lịch (sân golf, khách sạn...).

"Chúng tôi đã chủ động, linh hoạt điều hành kế hoạch đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Nhờ vậy, nhiều dự án lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của thành phố được tập trung triển khai"- vị lãnh đạo này nói.

Các dự án được triển khai trong năm là Trung tâm Chính trị- Hành chính, Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn, nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng- Máng nước- quốc lộ 5, đường Đỗ Mười kéo dài, cầu Lại Xuân, cầu Rào, cầu Rừng, cầu Máy Chai, tuyến đê biển Nam Đình Vũ, dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2, tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường kết nối từ Vĩnh Bảo, An Lão, Đồ Sơn ra đường ven biển và một loạt dự án giao thông khác…

Cũng theo lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, để tập trung cho nông thôn, địa phương này đã dành nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, đến nay đã có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến sẽ có thêm 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu được hoàn thành trong năm 2024.

Thành phố cũng tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Cùng với đó là việc lập lại trật tự kỷ cương trên nhiều lĩnh vực, chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất công, đất nông nghiệp, đất hành lang giao thông.

Trao đổi với phóng viên về bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vị lãnh đạo thành phố cho biết, có 6 nội dung đã được tổng kết như sau:

Một là, để thích ứng linh hoạt, vượt khó và phát triển đòi hỏi công tác điều hành phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Công tác dự báo phải đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng, đầy đủ để thành phố có những quyết sách kịp thời, chủ động thích ứng với biến động. Công tác điều hành cần chủ động, có quyết sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội thành phố, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2023 kinh tế khó khăn, Hải Phòng vẫn “về đích” ngoạn mục- Ảnh 5.

Phối cảnh Trung tâm hội nghị và biểu diễn thành phố đang được xây dựng tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.

Hai là, việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách sẽ góp phần tạo sự chủ động trong điều hành, đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị thành phố. Việc triển khai các thủ tục liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cần được triển khai sớm ngay từ đầu năm để không ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách nhà nước nói chung và giải ngân đầu tư công, thực hiện các dự án nói riêng.

Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách. Tăng cường khai thác nguồn thu, tạo lập nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn có tính chất bền vững; rà soát, quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Ba là, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của thành phố. Tổng vốn thu hút đầu tư của thành phố trong năm 2023 tăng cao và thu hút được các tập đoàn lớn là kết quả của quá trình đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Bốn là, công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư là nhân tố quan trọng đầu tiên để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các khu tái định cư đi trước rất quan trọng. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư, ban quản lý các dự án cần phối hợp chặt chẽ trong thẩm định các công trình, dự án, dự kiến những tình huống phát sinh, nắm bắt tiến độ, thời gian thực hiện và kiểm tra thực tế nhằm bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cần thẩm định sớm, phê duyệt kịp thời giá đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.

Năm là, trong bối cảnh càng có nhiều khó khăn, thách thức, càng phải đề cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các cấp, ngành, địa phương để thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tránh độ trễ trong khâu triển khai nhằm gia tăng hiệu quả tác động của chính sách. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và người có thẩm quyền, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Sáu là, chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời, giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội.

Một trong những bài học kinh nghiệm mà lãnh đạo thành phố Hải Phòng tâm đắc đó là việc thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách nhằm góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem