Một mình một quỹ đạo Ngày 26.9, tại TP.Huế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn kinh tế mùa thu với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược”.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau 5 năm bị suy thoái, hiện kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng nước ta lại không nằm trong quỹ đạo đó. “Châu Á có nhiều nước kinh tế đã đi lên, nhưng chúng ta không nằm trong quỹ đạo chung của thế giới, một mình một kiểu và đang lộ trình xuống đáy, “nghẽn mạch” tăng trưởng”- ông Thiên nhấn mạnh.
Nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn gặp khó khăn trong năm 2014.
Theo ông Thiên, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam là dễ dãi, chỉ dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, lao động rẻ, kỹ năng và năng suất thấp, quá dựa vào trụ cột là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong khi đó nền nông nghiệp bị lệ thuộc, đầu vào của nền công nghiệp phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc do nhập siêu từ nước này.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam nhận định, nguyên nhân chính khiến nền kinh tế nước ta tăng trưởng chậm là do khu vực DNNN, khu vực tư nhân trong nước và nông nghiệp bị trục trặc.
Ông Thành phân tích, từ khi các tổng công ty được chuyển ồ ạt sang tập đoàn kinh tế đã bộc lộ yếu kém ngày càng rõ rệt. Kết quả là một số tập đoàn kinh tế sụp đổ, sự kém hiệu quả của DNNN góp phần tạo ra những trục trặc hiện nay của nền kinh tế.
3 lựa chọn tái cấu trúc Theo TS Trần Du Lịch- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, những khó khăn đặt ra trong năm 2013 của kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Do đó, về chương trình ngắn hạn, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp.
“Nhiệm vụ trong 2 năm tới là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung, dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực DNNN là quan trọng nhất, để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường”– TS Trần Du Lịch khẳng định.
"Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam vỡ kế hoạch 5 năm 2011-2015 là không sai, vì 3 năm đã qua, 2 năm còn lại thì vẫn “nghẽn mạch” tăng trưởng”. Ông Nguyễn Đình Thiên
|
Ông Nguyễn Xuân Thành thì cho biết, có 3 lựa chọn tái cấu trúc nền kinh tế. Lựa chọn thứ nhất là không tiến hành thay đổi đáng kể gì về các chính sách kinh tế quan trọng liên quan đến khu vực ngân hàng, DNNN, khu vực tư nhân và nông nghiệp.
Chính phủ sẽ có các gói chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu. Lựa chọn thứ 2 là đặt trọng tâm của nỗ lực tái cơ cấu kinh tế vào ngân hàng. Lựa chọn thứ 3 là cải cách hệ thống ngân hàng và tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN. “Chọn giải pháp này sẽ chấm dứt các chính sách hiện hành và cả nguy cơ khu vực DNNN kéo phần còn lại của nền kinh tế đi xuống, đồng thời giúp giảm thiểu tham nhũng hoặc hành vi trục lợi” – ông Thành nhận định.
An Sơn (An Sơn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.