Kỳ 3: Lo nhất chất lượng thép đóng tàu

Hà Anh - Ngọc Thọ Thứ tư, ngày 06/01/2016 13:20 PM (GMT+7)
Ngoài việc phải tìm cơ sở đóng tàu có uy tín, đảm bảo chất lượng, sau khi được phê duyệt hồ sơ và khởi công đóng tàu, ngư dân lại lo đến mất ăn mất ngủ về việc giám sát chất lượng thép, các cấu kiện liên quan, nên sử dụng máy cũ hay máy mới... Và để trả lời những câu hỏi này, với ngư dân không phải dễ.
Bình luận 0

Băn khoăn độ tin cậy

Trong quá trình thu thập thông tin để viết loạt bài này, chúng tôi được nhiều ngư dân tại Quảng Nam sẵn sàng cho  xem dự toán đóng các tàu lưới rê. Chúng tôi khá bất ngờ vì thấy nhiều nguyên vật liệu xuất xứ Trung Quốc dùng đóng những cấu kiện quan trọng trong con tàu: Tôn 6, 8, 10, 12, 14, 18, 20, 24mm; ống thép phi 139 x 10, 76 x 5, 24 x 4, ống thép đặc phi 16; hộp số D 60 A, bơm điện, bơm hút khô…

img

Chuẩn bị thép tấm để đóng tàu cá tại Công ty Đóng tàu Nha Trang. Ảnh: Hà Anh

Ngư dân Trần Liên (huyện Thăng Bình) tâm sự rất thật: “Tàu vỏ gỗ thì chúng tôi còn có kinh nghiệm đóng và lắp đặt, chứ về tàu vỏ thép thì chúng tôi mù tịt. Nếu chúng tôi yêu cầu đóng thép Nhật, thép Hàn nhưng nhà thầu đóng thép Trung Quốc thì cũng không biết được nên để đỡ “nhức đầu”, nhiều ngư dân chọn luôn thép Trung Quốc theo như gợi ý của các công ty đóng tàu để giảm chi phí mà lại đỡ lo lắng.”

Ông Đỗ Hồng Phước - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ và khai thác xa bờ thủy sản Nghĩa An (Quảng Ngãi) thừa nhận: “Muốn kiểm tra xuất xứ, chất lượng thép đóng tàu thì phải nắm được phiếu xuất kho, hóa đơn, lô hàng với dấu hải quan, có dấu kiểm định… Điều này ngoài khả năng của ngư dân”.

“Kinh nghiệm của cá nhân tôi là trước khi quyết định chọn đơn vị đóng tàu, tôi tìm hiểu kỹ công ty có bao nhiêu kỹ sư, dây chuyền và thiết bị chuyên dụng mà công ty sở hữu ở mức độ như thế nào. Tôi còn nhờ ngân hàng, cơ quan thuế thẩm định vốn của công ty; công ty mới thành lập hay hoạt động lâu rồi, công ty đã làm được bao dự án, đóng bao con tàu, hiệu quả ra sao… Có như thế mới yên tâm phần nào được” - ông Phước mách nước.

Trao đổi với phóng viên NTNN, kỹ sư Hồ Anh Tuấn - Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang khẳng định: “Công ty chúng tôi đóng tàu vận tải thì dùng thép Nhật Bản, đóng tàu cá thì dùng thép Hàn Quốc. Chúng tôi không sử dụng thép Trung Quốc để đóng tàu vỏ thép. Còn với các công ty khác thì chúng tôi không rõ”.

Kỹ sư này cũng cho hay: Nếu băn khoăn về chất lượng thép đóng tàu cũng như xuất xứ, ngư dân có thể yêu cầu đơn vị giám định độc lập (thuê trong quá trình đóng tàu – PV) lấy mẫu thép đi kiểm nghiệm chất lượng. Cụ thể, các bước kiểm nghiệm là tiến hành thử kéo (kích thước tiết diện, giới hạn chảy, giới hạn bền kéo, độ giãn dài...); thử uốn (đường kính gối uốn, góc uốn...); thành phần hóa học... Từ đó, cơ quan chuyên môn sẽ có kết luận cụ thể.

Sử dụng máy mới lợi hơn

"Loại thép thường dùng để đóng tàu là CT3 của Nga. Xuất xứ của thép không quyết định mà vấn đề là nhà sản xuất của quốc gia đó có chịu tuân thủ chặt các quy chuẩn cho thép đóng tàu hay không. Do vậy, ngư dân cần dựa vào cơ quan đăng kiểm. Nhà thầu làm dối, đăng kiểm sẽ không cấp phép cho con tàu đó”.

PGS - TS Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Một vấn đề làm không ít ngư dân băn khoăn là sử dụng máy mới hay máy cũ cho tàu vỏ thép. Sử dụng máy mới thì chi phí cao, kéo giá thành con tàu tăng theo. Nhưng nếu sử dụng máy cũ, theo quy định tại Nghị định 67/2014 và quy định của Ngân hàng Nhà nước thì vướng bởi thủ tục vay vốn, giải ngân (không chấp nhận máy cũ – PV).

Đem câu hỏi này gặp ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, ông Huế nói ngay: Đừng nghĩ tiết kiệm được một số chi phí ban đầu mà dùng máy cũ. Tiền vá sẽ quá tiền may.

Ngư dân dám vay tiền đóng tàu vỏ thép cả chục tỷ đồng thì sao phải dùng máy cũ. Máy cũ đã qua sử dụng, công suất đã giảm đi, mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn nhiều so với máy mới. Về lâu dài, máy mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”.

“Bình quân một phiên biển 20 ngày, máy mới trên tàu vỏ thép tiết kiệm cả nghìn lít dầu so với tàu vỏ gỗ cùng công suất sử dụng máy cũ. Dùng máy mới một thời gian, nhiều ngư dân mới cho rằng đó là sự lựa chọn sáng suốt” - ông Huế nói.

Trao đổi với Dân Việt, ngư dân Huỳnh Luận (Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) là thuyền trưởng của tàu vỏ thép QNg 94359 TS chia sẻ: Lúc đầu tôi cũng định dùng máy cũ vì giá máy cũ cùng loại chỉ bằng 1/3 máy mới. Tuy nhiên, sau đó, nhờ được tư vấn, tôi quyết định lắp máy mới.

Sau mấy chuyến đi biển, dòng máy Mitsubishi 811 HP của Nhật được lắp trên tàu vỏ thép của tôi đã cho thấy sự ưu việt hơn hẳn so với những dòng máy cũ mà tôi từng sử dụng trên các tàu vỏ gỗ trước đây. Lo nhất khi sử dụng máy cũ là chẳng thể biết khi nào máy lại trở chứng. Tôi nhớ có lần, nghe tin bão, chúng tôi tăng tốc để vào đảo trú nhưng máy lại trở chứng. Lần ấy xém chết.

“Động cơ rất khỏe, vận hành ổn định, an toàn, tiết kiệm nhiên liệu. Gió cấp 7, cấp 8, sử dụng máy mới, tàu vẫn hoạt động bình thường, không hề bị chao lắc. Ngồi trên tàu, cảm giác của người lái tự tin, yên tâm hẳn. Đóng tàu mới, dùng máy mới là điều tất yếu. Đừng vì cái lợi trước mắt mà dùng máy cũ” - thuyền trưởng Luận khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem