Kỳ án ở Quảng Ninh: Bị khởi tố vì đánh chết 14 con lợn rừng

Hải Long Thứ sáu, ngày 20/07/2018 09:48 AM (GMT+7)
Hôm qua 19.7, Tòa án nhân dân TX.Đông Triều (Quảng Ninh) đã đưa ra xử sơ thẩm vụ án khá hy hữu đối với bị cáo Nguyễn Văn Dục - người bị truy tố với tội danh hủy hoại tài sản, do có hành vi giết đàn lợn rừng... thường xuyên phá hoại hoa màu của gia đình và hàng xóm.
Bình luận 0

Theo đúng thời gian trong quyết định của Tòa, ông Nguyễn Văn Dục cùng nhiều người dân trong xóm đã có mặt tại Tòa án nhân dân TX. Đông Triều. Tuy nhiên thư ký phiên tòa là ông Nguyễn Mạnh Cường đã thông báo phiên tòa tạm hoãn do có đơn xin hoãn của ông Diệp Văn Trọng - bị hại trong vụ án.

Theo ông Cường, phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ được mở lại vào ngày 16.8.2018. Hiện ông Nguyễn Văn Dục vẫn chưa nhận được văn bản chính thức.

Tin lời hàng xóm...

Mặc dù vụ việc anh Nguyễn Văn Dục bị bắt khẩn cấp vì tội đánh chết đàn lợn rừng hoang đã diễn ra hơn nửa năm, nhưng những người dân ở thôn 4, xã Tràng Lương vẫn còn chưa hết bàn tán, xôn xao.

img

Trò chuyện với PV, nhiều người dân bức xúc vì việc ông Nguyễn Văn Dục có thể bị đi tù vì đánh chết đàn lợn hoang. (Ảnh: H.L)

Còn ông Nguyễn Văn Chuyên cũng bức xúc nói: “Đàn lợn lang thang như lợn hoang, xuống phá hoa màu của bà con. Chúng tôi chỉ biết đuổi đi thôi chứ cũng không dám làm gì, vì không biết lợn của ai”.

Bà Trương Thị Huyền, hàng xóm ông Dục cho biết: "Đàn lợn rừng hoang này ra phá hoa màu của bà con cũng khoảng 3 năm nay rồi. Nhà tôi xây tường bao thì nó không vào được, chứ nhà anh chị Dục chưa xây được nên nó vào phá suốt. Hồi cuối năm 2017, tôi thấy đàn lợn quây đàn gà của anh chị ấy, tôi có giúp đuổi hộ, sau đó anh chị Dục về tôi có nói lại. Hôm đấy, khoảng 40-50 con gà bị lợn cắn chết, anh chị phải chia cho bà con trong xóm”.

Ông Nguyễn Văn Dục cho biết không phải vì vậy mà anh tự ý đánh chết lợn khi chưa được phép của chủ. Mọi người cũng không biết đàn lợn là của ai, khi anh đi tìm hiểu thì biết được có nhà ông Diệp Văn Trọng ở bên kia đồi nuôi lợn rừng.

Bà Trần Thị Mỳ - Đội trưởng đội sản xuất số 7, thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương xác nhận: “Đàn lợn dũi hết bờ bụi, ủi mương máng vỡ cả, ở đâu người ta cũng kêu. Sau khi tìm hiểu, biết nhà ông Trọng có nuôi lợn rừng, tôi cũng tới nhà ông Trọng nhắc nhở. Nhưng ông Trọng thường xuyên đi làm vắng nhà, chỉ có mẹ ông ấy ở nhà. Bà ấy bảo giờ già rồi không nhốt được. Tôi cũng có báo lại cho thôn trưởng”.

Đàn lợn thường xuyên phá hoại hoa màu, tài sản của các hộ gia đình trong thôn, trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Dục là bị phá hoại nhiều nhất vì nhà chưa xây tường bao.

Ông Nguyễn Văn Dục cho biết không phải vì vậy mà ông tự ý đánh chết lợn. Mọi người cũng không biết đàn lợn là của ai, khi tìm hiểu thì biết được có nhà ông Diệp Văn Trọng ở bên kia đồi nuôi lợn rừng.

Cho rằng lợn của ông Trọng bị xổng hoặc thả rông nên ông Dục nhiều lần trực tiếp nhắc nhở về việc nuôi nhốt đàn lợn rừng. Ban đầu ông Trọng không nhận, nhưng sau đó, ông Trọng nói nếu đàn lợn vẫn sang thì cứ đánh chết.

“Chính vì tin lời anh Trọng nên ngày 3.1.2018, khi đàn lợn 14 con vào ăn cám gà, tôi đã quây lại, đập chết, trong số đó có khoảng 4-5 con lợn to, còn lại là lợn con. Tôi gọi điện báo cho anh Trọng sang mang lợn về. Anh Trọng đã đến chở lợn trên xe mang về, nhưng sau đó lại mang lợn trở lại nhà tôi, rồi báo công an để bắt tôi” - ông Dục nói.

Bị khởi tố vì tội “Hủy hoại tài sản”

Theo kết luận của Công an TX.Đông Triều (Quảng Ninh), ngày 3.1.2018 nhận được tin của ông Diệp Văn Trọng trình báo sự việc ông Nguyễn Văn Dục có hành vi dùng tuýp sắt đánh chết 14 con lợn rừng, Công an TX.Đông Triều đã khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai các bên liên quan.

img

Chuồng lợn nhà ông Diệp Văn Trọng có hàng chục con lợn rừng và được xây dựng kiên cố. Ảnh: H.L

Ngay sau đó, Công an TX.Đông Triều đã ra quyết định tạm giữ khẩn cấp đối với ông Dục. Ngày 8.1.2018, Công an TX.Đông Triều đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Nguyễn Văn Dục vì tội “Hủy hoại tài sản”.

Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương xác nhận gia đình ông Diệp Văn Trọng chưa bao giờ khai báo việc nuôi lợn rừng cho UBND xã. Chỉ sau khi sự việc xảy ra, xã mới biết nhà ông Trọng có nuôi khoảng 40 con lợn rừng. Ông Trọng thường xuyên vắng nhà nên xã muốn liên lạc để thống kê số lợn rừng này cũng không được.

Trong quá trình ông Dục bị tạm giữ, bà Hoàng Thị Trúc (vợ ông Dục) đã bồi thường cho ông Trọng tổng số tiền 60 triệu đồng, tuy nhiên trong biên bản giao nhận lại chỉ ghi 30 triệu đồng. Quá trình xác minh của cơ quan điều tra, ông Trọng đã thừa nhận việc nhận của gia đình ông Dục tổng số tiền 60 triệu đồng.

Ngày 3.3.2018, tiếp tục có đàn lợn khác vào chuồng gà nhà ông Dục ăn cám, ông Dục quây giữ được và mời chính quyền địa phương và ông Trọng xuống làm việc. Tại đây, ông Trọng mới cam kết không để đàn lợn thả rông gây thiệt hại cho hộ dân lân cận.

Nhiều người dân trong thôn cho biết, thấy đàn lợn rừng thì ai cũng nghĩ là lợn nhà ông Trọng vì hộ này cũng nuôi mấy chục con lợn rừng. Nhưng chuồng trại của nhà ông Trọng xây dựng khá kiên cố, nên việc lợn chạy ra ngoài là rất khó. Chính ông Trọng cũng không thể khẳng định đó là lợn nhà mình (?). 

Nhiều người đặt dấu hỏi, liệu đàn lợn rừng này có khả năng sinh sôi từ những đàn lợn của người khác thả rông hoặc để xổng hay không?

Theo nguồn tin của PV, thời điểm cuối năm 2017 trở về trước, tại địa phương này còn có hộ ông Trần Văn Hiệp và ông Ngô Văn Lực làm việc tại Trạm cầu số 2, Công ty TNHH MTV 618 (Tổng Công ty Đông Bắc) cũng nuôi lợn rừng. Giữa năm 2015, đàn lợn của ông Lực bị xổng mất 6 con. Ông Lực cũng đã xác nhận: “Đàn lợn ra ngoài ăn màu của dân, bị bà con đuổi đánh suốt, ai cũng biết".

Theo quy định của Điều 9 Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25.9.2012 của Bộ NNPTNT, nuôi heo rừng dưới dạng là 1 hộ gia đình, cá nhân phải thông báo cơ sở nuôi động vật rừng thông thường. Hộ gia đình, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường gửi giấy thông báo cơ sở nuôi thể hiện rõ các nội dung: Tên, địa chỉ của chủ cơ sở nuôi; tên, số lượng, nguồn gốc loài đề nghị nuôi; địa điểm cơ sở nuôi theo mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này tới UBND cấp xã trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

UBND cấp xã đã tiếp nhận giấy thông báo phải lập sổ theo dõi theo mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này. Sau khi thông báo, hộ gia đình, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải lập sổ theo dõi theo mẫu số 10 kèm theo Thông tư này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem