Hôm nay (21.3), kỳ họp thứ 11 - kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc. Ngoài việc thông qua các dự án luật, tổng kết công tác nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ dành hơn nửa thời gian kỳ họp (10,5 ngày) để quyết định về nhân sự nhà nước.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-03-20/1458474139-dv--khaimac.jpg)
Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VPQH
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), sau Đại hội XII của Đảng nhiều vị trí chủ chốt của Nhà nước không tái cử vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng và không được phân công các nhiệm vụ bên chính quyền trong thời gian tới nên Quốc hội sẽ bầu ngay các chức danh để thay thế thực hiện nhiệm vụ của từ nay đến tháng 7.2016. "Việc bầu các chức danh chủ chốt đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành bộ máy nhà nước một cách liên tục, nhất là trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng" - đại biểu Kiêm phân tích.
"Việc bầu các chức danh chủ chốt ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sẽ vừa kiện toàn được bộ máy nhà nước ngay, vừa tạo cơ sở thuận lợi cho Quốc hội khóa XIV chọn lựa cán bộ, bố trí nhân sự nhà nước để bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền" - đại biểu Kiêm đánh giá.
Theo TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, đợt chuyển giao quyền lực lần này có đặc thù, chỉ tính trong Chính phủ có đến 2/3 số Bộ trưởng sẽ thay người mới, chính vì thế Quốc hội kiện toàn được các chức danh chủ chốt càng sớm càng tốt. Những chức danh được Quốc hội khóa XIII bầu hoặc phê chuẩn sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV họ được lựa chọn tái cử, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu hoặc phê chuẩn.
"Điều đó cho thấy Quốc hội khóa XIII không làm thay hay làm mất quyền của Quốc hội khóa XIV trong vấn đề quyết định nhân sự nhà nước. Việc kiện toàn các chức danh vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội vừa đảm bảo ổn định bộ máy nhà nước, vừa tạo cơ sở thuận lợi cho Quốc hội khóa sau" - TS Thảo cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.