Bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIII: Giữ vững chủ quyền, lãnh thổ

Lương Kết Thứ bảy, ngày 29/11/2014 06:23 AM (GMT+7)
Chiều 28.11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau 33 ngày làm việc. Tại kỳ họp này, nhiều nội dung đặc biệt quan trọng đã được Quốc hội thông qua, được cử tri ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm thêm... 
Bình luận 0

Trước đó, chiều 28.11, hơn 81% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết sửa đổi một số điều của Nghị quyết 35/2012 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết quy định lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân. Về các mức thì vẫn giữ nguyên 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp). Nghị quyết bổ sung nội dung kê khai tài sản, thu nhập cá nhân đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp. Đ.D
Quốc hội đã cũng thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Độc lập chủ quyền được giữ vững

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2014: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi; việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các mặt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác tư pháp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng… được tích cực triển khai.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác...

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu một lần nữa phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước ta, cũng như của từng vị được lấy phiếu tín nhiệm. “Việc lấy phiếu tín nhiệm được đồng bào, cử tri cả nước tin tưởng, đồng tình, ủng hộ. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

"Cử tri sẽ hiểu chia sẻ"

Quan điểm
img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 Quốc hội tin tưởng, chúng ta sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. 
Chiều cùng ngày, sau khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN, tại kỳ họp này có 18 luật được thông qua nhưng nhiều luật có phiếu tán thành không cao, như Luật Giáo dục nghề nghiệp hơn 55%, Luật Bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chỉ được hơn 70% tán thành, trong khi các luật khác tỷ lệ tán thành thường từ trên 80 đến hơn 90%. Việc này có phải xuất phát từ chất lượng soạn thảo luật còn thấp, hay có lợi ích nhóm. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Đó cũng là điều bình thường. "Có khi chỉ một điều, một vấn đề trong dự thảo luật nó ảnh hưởng đến toàn bộ cả luật. Nhìn chung các dự án luật được thông qua kỳ này phiếu tán thành đều cao" - ông Phúc cho hay.

 

Trước câu hỏi về nhiều đại biểu Quốc hội vắng mặt ở các phiên họp, ông Phúc cho biết: Quốc hội có 25% đại biểu chuyên trách, 1/3 là kiêm nhiệm, kỳ họp thường kéo dài, đối với người phải kiêm nhiệm thì việc nào cũng quan trọng. Chính vì thế việc đại biểu bố trí thời gian dự họp đầy đủ không phải là chuyện đơn giản. Theo ông Phúc, các đại biểu đã cố gắng, có thể trong một số buổi họp trên hội trường còn vắng đại biểu khiến cử tri chưa hài lòng nhưng cần thông cảm cho đại biểu Quốc hội.

Một vấn đề được báo chí đặt ra là Quốc hội đã thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng nghị quyết này lại không tiếp thu, bổ sung gì nhiều, vẫn để 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) và lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, hơn 81% đại biểu tán thành có phải là nguyện vọng của cử tri không, bởi thực tế khi đại biểu đi tiếp xúc thì cử tri đều đề xuất chỉ giữ 2 mức, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Khi đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi sẽ phân tích cho cử tri hiểu tại sao lại quy định như vậy, tôi tin cử tri sẽ hiểu, thông cảm và chia sẻ".

Cũng vấn đề về lấy phiếu tín nhiệm, báo chí đặt câu hỏi liệu người có phiếu tín nhiệm thấp liên tục cần được điều chuyển công tác không, ông Phúc cho rằng quy trình cán bộ, quy hoạch cán bộ, luân chuyên hay điều chuyển cán bộ đó thuộc về các cơ quan chuyên trách bên Đảng.

Những điểm nổi bật 

Thông qua 18 dự án luật 

Sau hơn 1 tháng làm việc, Quốc hội XIII đã thông qua 18 dự án luật và 11  nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật. Đây là số dự án luật được thông qua nhiều nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp.

Lấy tín nhiệm 50 người

 Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm cao nhất là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tín nhiệm cao thấp nhất là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Tổng Thư  ký Quốc hội

 Với Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đáng nổi bật là Quốc hội sẽ có thêm chức danh Tổng Thư ký - đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Đây là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM): Chất lượng luật chưa tốt

Kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng, và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên có những điều tiếc như nếu phiên chất vấn có thời gian dài để cho Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hơn. Thứ hai là trong chương trình làm luật của kỳ này có rất nhiều luật được thông qua nhưng trong đó có một số luật tỷ lệ thông qua không cao, chứng tỏ chất lượng chuẩn bị chưa tốt. Ví dụ như Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua với 55% số đại biểu Quốc hội tán thành. Như vậy chất lượng công tác làm luật, nhất là ở một số nội dung còn những ý kiến khác nhau không được tranh luận làm rõ vấn đề, đó chính là điều đáng tiếc. 

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):  Công tác giám sát cần thực tế hơn

Việc Quốc hội ban hành luật trong thời gian gần đây có tiến bộ hơn nhiều nhưng cũng chưa phải đã thật sự tốt. Tôi mong muốn các đề án, dự án luật sát thực tế hơn, đòi hỏi lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Chúng ta phải trực tiếp nghe những người đó, xem các đối tượng đó họ muốn gì, họ nghĩ gì? Với công tác giám sát, theo tôi cần sát thực tế hơn, nâng cao chất lượng hơn. Giám sát cần phải nhìn thẳng vào sự thật và dám nói sự thật. Đề xuất kiến nghị sau giám sát phải mạnh dạn, nói rõ những gì được, chưa được. Phải hạn chế giám sát chung chung. 

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Dành nhiều thời gian hơn cho Thủ tướng

Thời lượng để Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn vẫn còn hơi ít. Tuy nhiên trong điều hành nội dung thì Quốc hội dành nhiều cho nội dung tranh luận trên nghị trường, tức là tần suất tranh luận nhiều hơn trước, đồng thời nội dung tranh luận được đưa ra thảo luận kỹ lưỡng, đi đến được những chân lý cuối cùng. Không những thế, những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì Quốc hội đều có lấy phiếu của đại biểu.

Ngọc Lương (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem