Kỳ lạ nghĩa trang không bia mộ và nghĩa địa chỉ có thơ ở Việt Nam

Thứ sáu, ngày 03/12/2010 12:00 PM (GMT+7)
Tại một số tỉnh, thành có những lăng mộ được xây trong nghĩa trang hoành tráng như những tòa lâu đài, riêng tại hai tỉnh của miền Đông Nam bộ lại có những nghĩa trang kỳ lạ, không nơi nào có được.
Bình luận 0

Nghĩa Trang không bia mộ

Ở xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, nơi có di tích nổi tiếng quốc gia là Nhà Lớn, khi bước vào nghĩa trang ai cũng ngạc nhiên vì tất cả các ngôi mộ đều không có bia ghi họ tên, quê quán người quá cố.

Làm sao để con cháu tìm ra được nấm mồ của người thân và vì sao lại có chuyện lạ đời như vậy?

img
Không mộ nào có bia

Bà Lê Thị Đến, thường gọi là Tám Đến, nhà gần nghĩa trang, nguyên là thành viên điều hành Nhà Lớn giải thích, người dân trong xã đều theo đạo Trần. Đạo Trần khi chết không phân biệt đẳng cấp nên lúc trở về cát bụi họ đều bình đẳng như nhau. Theo triết lý của người sáng lập, “sống thì đồng quang, chết thì đồng quách”.

Trưởng ban điều hành di tích được phong hạng quốc gia Lê Thị Kiềm - nhấn mạnh, đạo Trần chỉ dạy đạo làm người, lớn thì cô bác, nhỏ thì anh chị, ăn hiền ở lành, ăn ngay nói thật, việc phải thì làm, quấy thì chừa nhưng phải tuân theo phép nước, trai trung hiếu, gái tiết hạnh.

Sau khi người thân qua đời, gia đình không được lập bia mộ, con cháu muốn vào nhang khói thì phải ghi nhớ trong đầu vị trí ngôi mộ, hoặc có dấu hiệu riêng để nhận ra.

Làm thơ tặng người đã xa

Không giống như dân vùng biển ở Long Sơn theo tín ngưỡng đạo Trần, người dân tỉnh Tây Ninh chủ yếu theo đạo Cao Đài. Giữa huyện Dương Minh Châu, là miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc, dưới chân núi Bà Đen - đệ nhất thiên sơn Đông Nam bộ, những ngôi mộ chỉ khắc lên đó toàn... thơ.

Thật là lãng mạn giữa vùng đất cằn sỏi đá.

img
Thơ con khóc mẹ

Như bài thơ Hoài niệm được khắc trên một ngôi mộ có những câu rất ý nghĩa: “Những tưởng kết thân đến bạc đầu. Nào ngờ thương hải hóa cồn dâu. Ân cần chăm sóc khi đau yếu. Công quả dắt dìu vẫn có nhau”, cuối bài thơ ghi là Mụi Hanh kính bút.

Hay bài Ngẫm thi có đoạn viết: “Tứ thập cửu niên nặng bến đời. Lơ nhìn thuyền đạo vượt xa khơi...”.

Một ngôi mộ có khắc bài thơ Hoài niệm mẫu thân để tiễn đưa người mẹ về cõi cực lạc với những dòng: “Trời chiều lặng ngắm mấy vầng trăng. Quặn thắt lòng đau lệ ứa đầy...”.

Đa số các bài thơ đều được làm theo thể Đường luật, dễ hiểu dễ nhớ.

Trời về chiều, nghĩa trang thơ vắng lặng, u buồn, cổng vào khép kín. Để biết gốc tích về những bài thơ đặc biệt kia, chúng tôi đã tìm gặp những người dân quanh vùng.

Anh Thắng, thợ chuyên xây mộ kể: “Cách đây hơn 10 năm, có một ông già giỏi thi ca, vợ chết nên chiều nào cũng ra đây khóc và đọc thơ cho vợ nghe. Rồi ông lấy sơn viết lên mộ những vần thơ nặng nghĩa tình phu thê. Nhiều người học theo từ đó”.

Cũng theo anh Thắng, không phải ai cũng làm được thơ. Những người thợ như anh phải sưu tầm những bài thơ chồng khóc vợ, các con khóc cha mẹ rồi đưa cho thân nhân người quá cố chọn. Sau đó, việc khắc thơ là chuyện của thợ xây dựng. Giá mỗi bài tính luôn cả chi phí thi công hơn 100.000 đồng, hợp túi tiền với bà con nghèo quanh vùng.

Theo CA TP.HCM

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem