Cũng thời điểm này, cả vạn người nông dân nghèo thắt ruột, thắt gan, nuốt nước mắt vào lòng khi biết mình đã cả tin, nộp số tiền không nhỏ vào chương trình “Trái tim Việt Nam” do Trung tâm lập ra để kêu gọi. Những hộ nghèo được hỗ trợ tiền bằng “sổ tiết kiệm” cũng chưa thấy đồng nào, mà chỉ được mỗi tờ giấy có dấu đỏ của Trung tâm.
Ông Trần Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, người liên quan đến vụ Chương trình "Trái tim Việt Nam".
Người dân đòi lại tiền, ông Trung trả lời tỉnh bơ trên truyền hình rằng, đã tự nguyện đóng sao lại đòi? Người dân nghèo chỉ biết đến số lãi “nhảy múa” đầy hấp dẫn mà nhân viên Trung tâm đưa ra.
Nộp 1,2 triệu đồng, một năm sau nhận được 5 triệu đồng; 1,9 triệu được những 8 triệu đồng; 7,2 triệu đồng được 50 triệu đồng… Lãi suất cao hơn ngân hàng nhiều lần, lại là của Trung tâm có danh có tính, tin quá đi chứ.
Thế là, người dân nghèo vét được đồng nào nộp đồng ấy, thậm chí có người còn đi vay thêm để nộp. Người nông dân nghèo, một nắng hai sương chỉ biết trông chờ thu nhập từ hạt lúa, củ khoai, con lợn, con gà, nên số tiền lời từ hỗ trợ là cả một gia sản lớn.
Trong thực tế rất nhiều chương trình từ thiện đến với người nghèo, giúp họ gắng gượng vượt lên cái nghèo, từ tổ chức đến cá nhân, mỗi người làm một cách.
Và thường số tiền quyên góp được là tự nguyện đóng góp, không có kiểu như Trung tâm của ông Trung đã làm, huy động tiền theo kiểu đa cấp, người trước ăn tiền của người sau.
Người dân càng bất ngờ khi ông Trần Đức Trung cũng chẳng phải là phó tổng biên tập của một tờ báo như ông đạo mạo tự xưng. Ông đã không còn là nhà báo từ lâu lắm rồi. Muốn làm việc thiện, tạo được lòng tin thì ít nhất cái tâm cũng phải sáng trong, minh bạch, ngay từ chuyện cái thẻ nhà báo.
Điều không bình thường nữa của chương trình “Trái tim Việt Nam” là người của Trung tâm thường tìm đến người nghèo ở các vùng nông thôn để huy động đóng góp.
Lấy tiền người nghèo để giúp người nghèo, điều đó thật lạ và ngược đời, dù rằng, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” đã ăn sâu vào bản tính người Việt.
Có người bảo, “Trái tim Việt Nam” không tìm đến người giàu ở thành phố để kêu gọi sự chung tay, chia sẻ, mà cứ nhằm vào người nghèo ở nông thôn để tìm đến, bởi đối tượng người nghèo ở nông thôn vẫn còn thiếu hiểu biết, dễ để lọt tai những lời ngon ngọt (?). Cái này, chỉ có lãnh đạo Trung tâm mới rõ.
Nhưng có một sự thật hiển nhiên: Cơn bão “đa cấp” dưới nhiều hình thức đang làm mưa làm gió ở khu vực nông thôn. Người dân đã nghèo lại thêm cái eo, nhiều người khuynh gia, bại sản cũng vì chung một chiêu thức: Bỏ một được mười.
Cho dù cơ quan pháp luật đã vào cuộc để làm cho “ra ngô, ra khoai” thì người nông dân đâu có dễ lấy lại được đồng tiền đã đóng vào Trung tâm.
Âu cũng là bài học đắt giá để người dân nghèo biết cách tránh xa những chiêu trò huy động tiền bất minh, bỏ qua những lời dụ dỗ ngọt như đường phèn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.