Kỷ luật ông Huỳnh Đức Thơ trên nguyên tắc giữ ổn định Đà Nẵng

Đình Thiên Thứ ba, ngày 12/12/2017 13:15 PM (GMT+7)
Cho rằng ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng có nhiều sai phạm nhưng việc xử lý còn nhẹ, một số cử tri đề nghị ông Thơ thôi không làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.
Bình luận 0

Sáng 12.12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà. Buổi tiếp xúc này lần đầu tiên có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, sau khi ông Nghĩa chuyển công tác ĐBQH từ đoàn Sơn La về đoàn Đà Nẵng.

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng đã thông báo với cử tri về kết quả đạt được sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, tại buổi tiếp nhiều ý kiến của cư tri Đà Nẵng về các vấn đề nóng của thành phố thời gian qua cũng được kiến nghị.

Trong đó, có đại biểu đã kiến nghị Trung ương, Chính phủ cần xem xét lại hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vì cho rằng kết luận vi phạm của ông Thơ do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là rất nặng. 

img

Cử tri Lê Chí Bảy kiến nghị không cho ông Huỳnh Đức Thơ làm Chủ tịch Đà Nẵng nữa. Ảnh: Đình Thiên

“Ông Huỳnh Đức Thơ sai phạm rất nặng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo luật thì sai phạm như vậy phải hạ hậc, hạ mức lương... Nhưng vừa qua Chính phủ chỉ kỷ luật mức cảnh cáo. Xử lý ông Thơ nhẹ như vậy thì khi cán bộ công chức cấp dưới vi phạm sẽ xử lý ra sao cho công bằng. Theo tôi, không cho ông Thơ làm Chủ tịch UBND thành phố nữa", cử tri Lê Chí Bảy (quận Sơn Trà) nói.

Liên quan đến kiến nghị này của cư tri Bảy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc xử lý cán bộ phải dựa trên nguyên tắc giữ được sự ổn định của Đà Nẵng.

"Ý kiến này không chỉ một người nói mà rất nhiều người nói. Với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy, tôi sẽ cùng với Ban thường vụ Thành ủy xem xét kỹ lưỡng, sao cho ít ảnh hưởng nhất đến sự ổn định của Đà Nẵng", ông Nghĩa nói.

Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri còn kiến nghị về việc quản lý tài sản, chống lãng phí, đặc biệt là tài sản của cán bộ cấp cao.

Trong đó, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho rằng: "Việc chống lãng phí đề ra nhiều phương pháp nhưng chưa hiệu quả. Có 60.000 tỉ đồng trên các công trình không hiệu quả hoặc chưa phát huy hiệu quả. Điều này, các Bộ ngành phải chịu trách nhiệm. Ai phê duyệt dự án không hiệu quả thì người đó phải chịu trách nhiệm. Đề nghị các Bộ ngành tham mưu Chính phủ có dự báo lâu dài về phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu trong tương lai".

img

Bí thư Đà Nẵng (giữa) trả lời cử tri về đề nghị ông Thơ không làm Chủ tịch UBND Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Còn đại biểu Lê Chí Bảy kiến nghị: "Chống tham nhũng nhưng thu hồi tài sản không hiệu quả như vậy thì chống làm gì. Như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý chỉ xử phạt 507 triệu đồng và cho tồn tại công trình thì không hợp lý. Đề nghị những trường hợp như vậy phải thu hồi tài sản, bán đấu giá”.

Liên quan đến những câu hỏi này của cử tri Truyền, cử tri Bảy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, theo thống kê, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt 10%. Con số này thể hiện sự tinh vi trong tham nhũng.

“Quan trọng nhất là quyết tâm phòng chống tham nhũng. Đây là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố mang tính sống còn của chế độ như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra. Người dân hãy tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, không có chuyện nương tay với bất kỳ cá nhân tham nhũng nào. Tuần qua, việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố phần nào đó cho cử tri thấy được sự quyết tâm của Đảng đối với phòng chống tham nhũng”, ông Trương Quang Nghĩa nhắn nhủ với cử tri.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem