Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh (Bài 3)
Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh (Bài 3)
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 27/12/2024 12:27 PM (GMT+7)
Tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản; từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, Bộ NNPTNT đã góp phần làm nên kỳ tích xuất khẩu nông sản năm 2024: 62,5 tỷ USD.
Ngay từ đầu năm 2024, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024, đó là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi, nhất là "4 Biến" (thị trường, xu hướng tiêu dùng, khí hậu, bộ máy biên chế), không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù bị thiệt hại nặng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn Ngành vẫn đạt khoảng 3,3%. Năng suất, sản lượng lúa Đông xuân, lúa Hè thu và một số cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng thủy sản đều tăng; công tác bảo vệ rừng được đặc biệt quan tâm, nhờ đó số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại giảm.
Mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do Elnino), nhưng Bộ đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa; do đó đã hạn chế được tối đa thiệt hại trên các cây trồng chủ lực. Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
"Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản, nổi bật như: Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhucầu của thị trường; nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển... Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Đáng chú ý, việc phê duyệt, triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.
Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2024, thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, công tác PCCCR, ô nhiễm môi trường... có những thách thức lớn, đòi hỏi phải dự báo, ứng phó nhanh, linh hoạt, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Sản xuất nông nghiệp tại các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải Nam trung bộ gặp nhiều khó khăn trong tháng 3 và 4 do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao; sản xuất nông nghiệp và hạ tầng thủy lợi bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ gây ra.
Các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; nhưng Việt Nam chưa gỡ được "Thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm được tăng cường tuyên truyền, phổ biến; nhưng vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội.
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM duy trì không tăng từ đầu năm. Số lượng Hợp tác xã nông nghiệp tăng chậm, hiệu quả chưa cao; nhiều hợp tác xã chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp.
7 bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra 7 bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, đó là:
Nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực.
Quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; đặc biệt trong chỉ đạo phòng, chống bão số 3 và phục hồi, ổn định sản xuất sau bão;chỉ đạo các giải pháp cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu đồng thời coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng; xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu…
Trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3: đã vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về các hiện tượng rủi ro thiên tai của người đứng đầu thôn, bản có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt; huy động sức mạnh tổng hợp, truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam đã góp thêm sức người, sức của hỗ trợ trong bão lũ và khắc phục đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ngành nông nghiệp. Kịp thời nhận được sự hỗ trợ tích cực của các quốc gia, tổ chức quốc tế hỗ trợ khắc phục thảm họa thiên tai.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nông nghiệp, nông thôn, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối cung cầu và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, tham gia các sàn thương mại điện tử.
Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội; Thường xuyên quan tâm đời sống, an sinh của người dân.
Chú trọng công tác truyền thông, tiếp cận chính sách; thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, xác thực cho các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.