Gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hoá chất ở Đắk Lắk tuồn ra thị trường, cơ quan của Bộ NNPTNT yêu cầu báo cáo
Gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hoá chất ở Đắk Lắk tuồn ra thị trường, cơ quan của Bộ NNPTNT yêu cầu báo cáo
Minh Ngọc
Thứ bảy, ngày 28/12/2024 12:15 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc một số cơ sở sản xuất giá đỗ mới bị Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và khởi tố do đã sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) yêu cầu Sở NNPTNT Đắk Lắk báo cáo vụ việc.
Liên quan đến việc một số cơ sở sản xuất giá đỗ mới bị Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và khởi tố do đã sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) mới có Công văn gửi Sở NNPTNT Đắk Lắk đề nghị báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc, trước 30/12.
Báo cáo cung cấp thông tin bao gồm: Thông tin về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm do địa phương thực hiện đối với các cơ sở vi phạm cùng các biện pháp xử lý. Yêu cầu truy xuất triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đề nghị Sở NNPTNT Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra truy xuất, xử lý vi phạm khi có đề nghị phối hợp trong phạm vi, chức năng quản lý.
Đồng thời, Sở NNPTNT Đắk Lắk cần lưu ý tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn các quy định và biện pháp kiểm soát, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi các nhiệm vụ đã được phân cấp cho cơ quan quản lý huyện, xã trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm theo phân cấp.
Gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hoá chất được tuồn ra thị trường trong năm 2024. Ảnh: CA
Trước đó, qua theo dõi trên không gian mạng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhóm đối tượng trong nhóm "Hội giá đỗ Miền Nam” và “Hội làm giá đỗ” có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên. Bao gồm: 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo, sinh năm 1990, trú ở Buôn Kô Tam, xã Ea Tu; 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư, sinh năm 1991, trú tại Tổ dân phố 8, phường Tân Hoà; 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh, sinh năm 1973, trú tại Tổ dân phố 6, P. Tân Hòa; 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo, sinh năm 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hoà.
Lực lượng công an phát hiện các cơ sở sử dụng một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này gọi là "nước kẹo”. Sau khi giám định, "nước kẹo" mà chủ các cơ sở dùng để làm "phụ gia" trong sản xuất giá đỗ là hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Đây là hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn thường xuyên dùng chất cấm này để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine.
Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine.
Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, sau đó được vận chuyển về các huyện, thị xã, thành phố để tiêu thụ.
Đáng nói, một cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại khai rằng, có ký hợp đồng cung cấp cho Bách Hóa Xanh từ 350kg – 400kg giá đỗ/ngày. Và trên bao bì gói thứ giá đỗ này, lại được dán lên những nhãn mác ghi rất kêu như “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.