Kỷ lục nông nghiệp 2024: Xuất khẩu nông sản cán mốc 62,5 tỷ USD, xuất siêu 17,9 tỷ USD, cao chưa từng có (Bài 1)

P.V Thứ năm, ngày 26/12/2024 11:31 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục, 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Bình luận 0

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục mới trong xuất khẩu nông lâm thủy sản được xác lập.  

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn.

Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Kỷ lục xuất siêu, xuất khẩu nông sản lập nhiều kỷ lục mới - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp ở Đắk Lắk chuẩn bị điều kiện xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Để đạt được kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ Logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030"; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 06/02/2024 về tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản; tích cực triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ năm 2023; nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng cấp mã số vùng trồng, cơ sở vùng nuôi, cơ sở đóng gói, bao bì.

Theo đó, đã cấp 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... ) được phép xuất khẩu sang các thị trường (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…); đến hết năm 2024 số cơ sở xuất khẩu thủy sản vào các thị trường không ngừng tăng lên.

Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, gia tăng vai trò của Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật, Nga, Braxin...). 

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Bộ đã quan tâm và tập trung khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Thị trường thực phẩm Halal, Trung Đông, Châu Phi...

Kỷ lục nông nghiệp năm 2024: Kỷ lục xuất siêu, xuất khẩu nông sản lập nhiều kỷ lục mới - Ảnh 2.

Xuất khẩu gỗ năm 2024 tiếp tục lập kỷ lục.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Theo dõi sát diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ, xây dựng báo cáo Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ và Tổ điều hành thị trường trong nước. 

Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.

Về tiêu thụ trong nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng nông sản vào vụ có sản lượng thu hoạch lớn (xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải,...) và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy sản), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản, bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Đôn đốc, tổng hợp thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới; chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác giới thiệu,quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, nông nghiệp hữu cơ...

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử uy tín như: Postmart, Voso, Shopee, Tiki, Ladaza… Các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng quốc tế một cách dễ dàng mà còn tạo ra sự cạnh tranh ngày càng bình đẳng giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.  

Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và cải thiện hạ tầng logistics đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển này, mở ra những triển vọng tươi sáng cho nông sản Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử trong tương lai.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem