Cây cổ thụ đặc sản cho quả ngon "tiến vua", từng là cây làm giàu ở Yên Bái, nay sao có nguy cơ xóa sổ?

Tô Ly Thứ sáu, ngày 27/12/2024 18:55 PM (GMT+7)
Các vườn bưởi cổ thụ tại hai xã Đại Minh và xã Hán Đà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đang dần biến mất để nhường chỗ cho các giống bưởi mới với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bình luận 0

Bưởi Đại Minh từ lâu đã nổi tiếng là loại bưởi đặc sản của huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Một thời, loại bưởi này được mệnh danh là bưởi "tiến vua" vì thường được cung tiến cho Vua vào dịp Tết nguyên Đán. Bưởi có vị ngọt thanh, múi giòn mọng và hương thơm đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.

Người dân chặt bỏ một số vườn bưởi cổ thụ

Bốn năm trở về trước, loại bưởi này là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình tại hai xã Đại Minh và Hán Đà (huyện Yên Bình) với tổng diện tích trồng khoảng 500ha.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, hiện nay một số vườn bưởi Đại Minh đang bị chặt bỏ. Đi qua hai xã Đại Minh và Hán Đà không khó để bắt gặp những vườn bưởi cổ thụ đã bị chặt trụi cành lá, chỉ còn trơ gốc.

Yên Bái: Giống bưởi “tiến vua” từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng đang dần bị “xóa sổ” - Ảnh 1.

Bà con chặt bỏ một số vườn bưởi ở xã Hán Đà. Ảnh: Tô Ly.

Ông Trần Văn Minh, hộ dân trồng bưởi lâu năm ở xã Hán Đà không giấu được nỗi buồn khi đứng trước vườn cây bưởi bị chặt trụi cành lá. Ông cho biết, gia đình ông có hơn trăm gốc bưởi Đại Minh.

Từ năm 2020 trở về trước, trung bình mỗi vụ nhà ông Minh thu về khoảng 150-200.000 đồng. "Tuy nhiên, hai năm gần đây, do giá bưởi giảm sâu, việc thu không đủ chi nên gia đình tôi đành phải rớt nước mắt cắt bỏ từng gốc bưởi cổ thụ trong vườn nhà", ông Minh nói.

Tương tự như gia đình ông Minh, gia đình ông Phạm Tuấn Anh, thôn Đại Thân, xã Đại Minh cũng trồng 50 gốc bưởi có tuổi đời vài chục năm tuổi. Thời điểm từ năm 2011 đến 2018, gia đình ông Tuấn Anh trồng bưởi, đem về thu nhập ổn định khoảng 200 triệu/1 năm, thậm chí có năm vườn bưởi đạt năng suất cao lên tới 220 triệu đồng.

"Nhưng đến năm 2023, giá cả giảm, vườn bưởi của gia đình tôi chỉ thu được khoảng 40 triệu đồng. Năm nay, vườn bưởi chỉ bán được 15 triệu đồng", ông Tuấn Anh nói.

Tại xã Hán Đà, ông Tô Minh Việt ở thôn Hồng Quân cũng không giấu khỏi nỗi trăn trở khi người dân trồng bưởi không có lãi, phải bù lỗ.

Yên Bái: Giống bưởi “tiến vua” từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng đang dần bị “xóa sổ” - Ảnh 2.

Một số gốc bưởi cổ thụ bị chặt bỏ khiến nhiều người nuối tiếc. Ảnh: Tô Ly.

Theo ông Việt, thời điểm năm 2020, bưởi Đại Minh được ưa chuộng, bán ra thị trường được khoảng 25.000 đồng/1 quả. Nhưng đến hiện nay, giá bán chỉ từ 3-5.000 đồng/1 quả.

"Vài năm trở về trước, bưởi Đại Minh rất thơm ngon, mọng nước và ngọt. Nhưng khoảng 1-2 năm gần đây, không rõ do thời tiết hay khí hậu, bưởi khi bứt xuống để một thời gian khó giữ được chất lượng ngon như trước. Gia đình tôi đã cố gắng học hỏi kỹ thuật chăm sóc, rất tỉ mỉ, nhưng chất lượng bưởi chưa được cải thiện", ông Việt bộc bạch.

Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Thành, một người thu mua thân cây bưởi nói: "Chúng tôi sang đây thu mua rất nhiều vườn bưởi cổ của bà con về để làm củi cho lò than. Chúng tôi nghe tin bà con phải chặt bỏ cây bưởi cũng khá buồn, tiếc nuối".

Ghép giống bưởi mới vào gốc cũ với hy vọng đem lại kinh tế tốt

Tại huyện Yên Bình, hình ảnh những cây bưởi già trơ gốc nhường chỗ cho các giống bưởi khác như Xuân Vân, bưởi da xanh... trở nên quen thuộc. Nhiều hộ dân hy vọng rằng việc ghép giống mới vào thân cây bưởi cũ sẽ giúp họ đem về thu nhập kinh tế cao hơn.

Yên Bái: Giống bưởi “tiến vua” từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng đang dần bị “xóa sổ” - Ảnh 3.

Những gốc bưởi Đại Minh đã được chặt bỏ phần thân, chỉ còn lại gốc đang chờ ghép giống mới vào. Ảnh: Tô Ly.

Gia đình ông Phạm Anh Tuấn thôn Đại Thân, xã Đại Minh trước đó đã cắt bỏ hết vườn bưởi 50 cây để chuẩn bị ghép giống mới.

"Gia đình tôi thu hoạch bưởi xong, ngay ngày hôm sau đã cắt bỏ hết thân đi để chờ ghép giống mới vào thân cũ. Có thể giống mới này sẽ không được như giống bưởi Đại Minh, nhưng tôi kỳ vọng nó sẽ được người dân đón nhận, trả giá cao hơn, gia đình có thêm đồng ra đồng vào", ông Tuấn chia sẻ.

Yên Bái: Giống bưởi “tiến vua” từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng đang dần bị “xóa sổ” - Ảnh 4.

Vườn bưởi cổ thụ của gia đình ông Tô Minh Việt ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tô Ly.

Còn với gia đình nhà ông Minh Việt (thôn Hồng Quân, xã Hán Đà) cũng đã bắt đầu cắt bỏ một số cây bưởi Đại Minh để trồng thử nghiệm cắt ghép, trồng giống mới.

Ông Việt vẫn giữ lại một số gốc chờ xem thị trường và động thái từ địa phương. "Đây là giống bưởi đặc sản, nếu chúng tôi cắt hết sợ rằng giống bưởi này sẽ dần mất đi. Chúng tôi mong chính quyền vào cuộc, hỗ trợ bà con cả về kỹ thuật trồng mới, lẫn đầu ra của sản phẩm", ông Việt bày tỏ.

Cũng tại thôn Hồng Quân, xã Hán Đà, gia đình chị Kim Thuyên, xã Hán Đà) đang trăn trở việc tiếp tục để giống bưởi Đại Minh hay chặt bỏ để ghép giống mới.

"Gia đình tôi trồng hơn 50 gốc bưởi cổ thụ, nhiều cây đã hơn 70 năm tuổi. Hiện tại, nhìn bà con quanh vùng ai cũng ghép giống mới tôi khá đắn đo, nếu chặt bỏ đi rất tiếc, còn trồng giống mới không biết có đem lại hiệu quả kinh tế cao hay không", chị Thuyên băn khoăn.

Yên Bái: Giống bưởi “tiến vua” từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng đang dần bị “xóa sổ” - Ảnh 5.

Giống bởi Đại Minh có vị ngọt thanh, múi giòn mọng và hương thơm đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Ảnh: Tô Ly.

Những gốc bưởi cổ thụ ở huyện Yên Bình không chỉ mang về thu nhập cho bà con mà nó còn mang theo giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Việc một số vườn bưởi bị chặt bỏ đã gây tiếc nuối đối với nhiều bà con, đồng thời đẩy đặc sản bưởi Đại Minh đứng trước nguy cơ dần mai một.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem