Bộ NNPTNT ra Chỉ thị về Tết Trồng cây Xuân Ất Tỵ, đề nghị các địa phương thực hiện 5 nhiệm vụ

P.V Thứ năm, ngày 26/12/2024 15:15 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan vừa ký ban hành Chỉ thị số 9892 /CT-BNN-LN ngày 26/12/2024 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025.
Bình luận 0

Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu rõ: Năm 2024, trước tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, phức tạp như: hạn hán, lũ lụt, mưa đá, sạt lở, xâm nhập mặn,… đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân; bên cạnh đó, tình hình xung đột địa chính trị trên thế giới làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, trong đó có sản phẩm nông, lâm nghiệp. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tháo gỡ khó khăn kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, cả nước đã trồng được 245.000 ha rừng trồng tập trung và 130 triệu cây xanh phân tán; đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng gần 23 triệu mét khối gỗ; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%; công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cháy rừng giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.400 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2023); giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt gần 17,3 tỷ USD, vượt 13% so với kế hoạch năm 2024 và tăng 19% so với năm 2023, đóng góp vai trò ngày càng quan trọng vào thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT ra Chỉ thị về Tết Trồng cây Xuân Ất Tỵ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị tham gia trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Ảnh: VNUF.

Tuy vậy, ngành lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường; nguồn vốn đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế; đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp. 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tổ chức “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, động viên các cấp, các ngành và huy động nguồn lực từ xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. 

Phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh theo kế hoạch của địa phương trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Thời điểm tổ chức phát động“Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19 tháng 5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. 

Quan tâm trồng cây xanh trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. 

Đổi mới, tổ chức lại sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. 

Chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, chất 3 lượng và giá trị rừng trồng. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái; chế biến, xuất khẩu lâm sản đáp ứng theo tiêu yêu cầu, chuẩn quốc tế; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon và phát triển thị trường tín chỉ các bon rừng. 

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với thực tế; bố trí lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng để xử lý tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem