Kỹ nghệ độ gà chiến: Nghề chơi công phu và... tốn tiền

Thứ sáu, ngày 03/02/2012 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi hàng chục trường gà mọc lên bên kia biên giới Campuchia, mỗi ngày có cả ngàn "chiến kê" bỏ mạng dưới cựa sắt của đối thủ. Nghề "độ" gà vì thế mà có đất sống, bởi không tay chơi nào muốn mình cháy túi.
Bình luận 0

Độ gà, hay còn gọi là nuôi gà thuê đã tồn tại rất lâu ở các vùng nông thôn. Ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập, những người làm nghề này còn là để thỏa thú đam mê. Nhiều lò độ lớn, chủ lò thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.

img
Bên trong một lò độ gà.

Lò độ từ thành thị về nông thôn

Mấy tháng qua, nhiều thanh niên ở hẻm 237, đường Trần Văn Đang (phường 11, quận 3, TP.HCM) biến con hẻm nhỏ thành "trung tâm luyện gà nòi". Chỉ cần một khoảnh sân bé tẹo hoặc căn gác nhỏ và vài cái lồng kẽm là một "lò độ" hình thành.

Tay vuốt ve chú gà cưng, Huy "Em Bé" - nhà ở hẻm này, cho hay, nhiều bạn bè cậu mê chơi gà nhưng nhà chật hẹp không nuôi được nên nhờ Huy và đám bạn nuôi giùm. Bình quân mỗi con gà nuôi hộ, người nuôi nhận được tiền công khoảng 50.000 đồng/tuần.

"Con gà nào bại trận, thường chủ gà cho mình xác, coi như có thịt gà ăn dài dài. Còn họ mà thắng độ, ngoài tiền công còn "bo" cho mình thêm vài "xị", có tiền cà phê, thuốc lá...” - Huy nói.

Từ sau tết đến nay, nhiều khoảnh đất trống dọc bờ kênh Nhiêu Lộc (quận 3, quận Phú Nhuận) trở thành bãi tập kết gà nòi. Dọc đường Lê Hồng Phong và bên trong khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ cũng là một trong những tụ điểm nuôi nhốt gà đá. Theo các lò độ, gà đá thường được mua ở dưới quê đem lên, chủ yếu là tỉnh miền Tây như Bến Tre, Long An, An Giang... Nhiều chủ gà không ngại đường sá xa xôi, vào tận các trang trại gà mua cho bằng được những “chiến kê” loại xịn.

Hiện nay, các lò nuôi gà xuất hiện ở đều khắp các tỉnh chứ không riêng gì Cao Lãnh. Nổi lên khá rầm rộ là miệt Gò Công (Tiền Giang), Đức Hòa (Long An), Hóc Môn - Bà Điểm (TP.HCM), Ô Môn (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang)... đều là những nơi nuôi gà nòi có truyền thống từ xưa.

Dân chơi gà truyền thống thường là dân "ghiền", cốt để làm vui, giải trí, có cá độ thì cũng ở mức nhỏ, chừng một vài trăm ngàn đồng trở lại. Gà nuôi rồi bán ra, giá cũng bình dân, thường là 500.000 - 600.000 đồng/con. Gà đẹp, vảy đều, đá có nét, cũng vài ba triệu đồng/con. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây người ta có xu thế chọn gà hay và cáp tiền độ nặng hơn.

Theo giới mê gà, 2 lò độ nổi tiếng nhất miền Nam hiện nay là lò Bảy T ở Chợ Lách (Bến Tre)- chuyên bán gà cho các tay chơi nội địa, và lò Út T ở Bến Lức (Long An) - chuyên bán gà cho các trường gà ở Campuchia. Những ông chủ lò này không ngại tốn kém, đầu tư trang trại với quy mô lớn nên mỗi năm có thể xuất trại cả ngàn con gà chiến với giá vài ba chục triệu đồng/con. Một số “chiến kê” của lò Út T có giá trên 150 triệu đồng/con nhưng người ta vẫn tranh nhau mua bởi "tiền nào của nấy"...

Nghề chơi công phu

Huấn luyện gà cũng như luyện võ sĩ quyền Anh. Ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng và chế độ tập luyện nghiêm ngặt gà mới khỏe, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, sẵn sàng "nạp", hứng chịu mọi đòn thế của địch thủ. Để con gà có da thịt săn chắc, chủ lò phải tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà. Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ... thường xuyên được cắt tỉa cẩn thận.

"Để cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da trâu, chỉ có cựa sắt mới đâm thủng” - Huy cho biết.

Hiện các lò độ lớn như Út T hay Bảy T đều có "dây chuyền" nuôi gà khá hoàn hảo. Khi gà nở, họ đem rải đều cho các tay chuyên nuôi thúc. Cứ mỗi người chừng 20- 30 con. Khi gà lớn họ lại chuyển cho các tay chuyên huấn luyện để tập đấu...

Gà nuôi được 1 năm thì có thể đá được, nhưng chủ gà chưa cho ra trận liền mà phải "xổ" liên tục để gà lỳ đòn. Cứ 2 con gà "đồng trạng" (cân nặng ngang nhau), thì lấy vải bọc cựa (tránh bị xây xát) rồi cho đá thử.

Mỗi trận đấu tập chừng 10-15 phút thì nghỉ một hiệp. Cứ 3- 4 hiệp thì kết thúc. Sau khi đấu tập, các chủ gà thường coi thế đá, phân tích từng cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm... để đánh giá năng lực của "võ sĩ". Từ đó sẽ có cách "cáp độ" thích hợp khi gặp đối thủ.

Trong thời gian "tập nặng" như vậy, các chú gà được tẩm bổ hết sức kỹ lưỡng. Cách chừng 2-3 ngày gà được cho ăn 1 lòng đỏ trứng gà, thịt hoặc cá sống. Tốt nhất là cho ăn lươn tươi chặt khúc nhỏ, không để mất máu tươi. Ngoài ra giặm thêm các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành...

Một số chủ gà còn thuê con nít lấy dây thun bắn thằn lằn, rồi bắt thêm cào cào châu chấu cho gà ăn để tăng lực. Hiện nay, nhiều chủ lò còn áp dụng cả... định luật di truyền Menden vào lai tạo giống để cho ra lò những “chiến kê” dũng mãnh nhất.

"Công nghệ" lai tạo được ưa chuộng nhất hiện nay là cho gà mái Việt lai với gà Mỹ và gà rừng. Con gà Mỹ dàn nạp mạnh, tung đòn như võ sĩ quyền Anh, gà Việt nhanh nhẹn chuyên ra đòn hiểm, gà rừng dai sức khi kết hợp với nhau sẽ cho ra con gà lai bất khả chiến bại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem