Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga: Nhớ nhà quay phim Nga yêu nước Việt

Nguyễn Thiên Việt Thứ sáu, ngày 07/11/2014 11:19 AM (GMT+7)
Tại Việt Nam năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của Để quốc Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt. Giữa cảnh bom rơi, đạn nổ ấy đã có một người châu Âu đến với miền Nam Việt Nam, ông  đầu đội mũ cối, vừa quay phim vừa khóc.
Bình luận 0
Thế giới biết đến một nước Việt Nam dũng cảm và bất khuất qua những bộ phim của ông như "Phóng sự từ miền Bắc Việt Nam", "Mê Kông trong lửa", "Trong rừng xem phim Sapaep"… Xin nói thêm, chính vào năm 1966, Arseulov Ôlêch Côngxtantinôvich cùng với Comarov (đã mất) là hai nhà quay phim Nga đầu tiên theo các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vào tận ngoại ô Sài Gòn, đến Bến Tre.

img Nhà quay phim Olech Congxtantinovich bên vợ và con gái.

Giờ gặp lại Ôlêch Côngxtantinôvich, ông mở rộng cánh cửa, tươi cười đón khách. Trước mặt chúng tôi là một ông già ngoài 70 tuổi, nhưng ánh mắt vẫn hồn nhiên, nhân hậu và long lanh một ngọn lửa bí ẩn.

Vâng, đã gần 30 năm trôi qua từ ngày ấy, Nghệ sĩ công huân, nhà quay phim nổi tiếng của Liên Xô đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh và bây giờ cùng với vợ cũng là nhà quay - bà Xvetlân Nhicôlaevna, cả hai ông bà về dạy ở trường Đại học Điện ảnh toàn NGa VGIK (trước là Trường Điện ảnh Liên bang Xô Viết). Nhân dân Nga yêu mến hai ông bà và gọi họ là "Người Việt Nam". Bên ấm trà thoang thoảng mùi hương hoa, sau khung cửa là bầu trời Nga xanh biếc trầm lắng, ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm của một thời trai trẻ hào hùng, oanh liệt.

Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ là khi quay phim "Phóng sự từ miền Bắc Việt Nam", kết thúc bằng cảnh lớp học mẫu giáo tại nơi sơ tán. Tôi đưa các cháu giấy bút và bảo các cháu muốn vẽ gì thì vẽ nấy. Các cháu gái vẽ cảnh thanh bình: bố, mẹ, nhà cửa, làng mạc, cây cối… Các cháu trai vẽ máy bay Mỹ cháy, súng bắn, chiến tranh. Riêng có một cháu trai ngồi im không vẽ gì cả. Tôi lại gần, hỏi cô giáo: "Tại sao cháu này không vẽ gì?". Cô giáo đáp: "Bố mẹ cháu vừa bị bom Mỹ giết hại hôm qua". Tôi đã quay nguyên cả tờ giấy trắng đó lên màn ảnh. Nó là loại giấy thô, có dòng kẻ màu tím xiên xiên và mép đã hơi bị quăn.

Ba mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ tên em bé đó. Nó tên là Hải Tùng. Bộ phim được kết thúc bằng trang giấy trắng trẻ thơ với câu thơ của K. Ximônop: "Nỗi đau này không của riêng ai".

Ôlêch Côngxtantinnôvich kể, có lần ông định xin một cháu bé có bố mẹ chết vì bom Mỹ làm con nuôi như bà Blaga Đimitrova (Bungari) nhưng đại sứ không đồng ý. Lại có lần đang quay, ông phải vứt máy quay để xông vào cứu người bị thương do sập hầm, rồi lại tiếp tục công việc. Những người lính Việt Nam lúc đó rất lo cho ông…

Bình rượu quý của Bác Hồ tặng nhà điện ảnh Xô Viết lừng danh - Rôman Cacmen

img
Nhà quay phim Olech Congxtantinovich và nhà quay phim Phạm  Thanh Hà.

Khi bà vợ giáo sư khệ nệ mang ra một mâm với những món ăn nấu theo kiểu Nga thì chúng tôi được Ôlêch Côngxtantinnôvich trịnh trọng mời thăm kho rượu quý của ông. Giữa ngổn ngang những chai Vođka trong suốt, Kônhăc vàng óng là một bình thuỷ tinh tròn khá to, được đậy nút kỹ càng và trong là những con rắn cuộn khoanh tròn. Một bình ngũ xà chính cống! Ôlêch Côngxtantinôvich khẽ e hèm, xoa xoa hai bàn tay, liếc mắt tủm tỉm cười thú vị trước sự ngạc nhiên của các vị khách.

Hôm nay, nhân dịp có các vị khách Việt Nam mà tôi rất quý đến chơi, tôi mời các bạn nếm thử loại rượu đặc biệt này. Đây là bình rượu quý của Bác Hồ. Thỉnh thoảng tôi mới uống vào những dịp đặc biệt.

Tất cả ngồi vào bàn. Vị giáo sư già loay hoay dùng thìa nhỏ ghé vào miệng bình, múc từng thìa nhỏ và rỏ cái chất nước óng ánh, sền sệt ấy vào từng cốc của chúng tôi. Chúng tôi, người thì vội vàng lấy máy ảnh, người thì nhìn chằm chằm vào thứ chất lỏng sóng sánh như bị thôi miên, hít hít mũi, thưởng thức hương vị của rượu quê hương đã được cất kỹ cẩn thận suốt 30 năm trong hầm rượu của ông Ôlêch Côngxtantinôvich.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết đây là bình rượu Bác Hồ tặng cho Rôman Cacmen, nhà điện ảnh Xô Viết lừng danh, người đã từng làm phim: "Điện Biên Phủ", "Ánh sáng trong rừng" và một số phim khác về Việt Nam. Rôman Cacmen coi đây là phần thưởng luân lưu đặc biệt quý nên tặng lại cho bà Pompenxcai, một nhà điện ảnh người Acmenia. Pompenxcai nâng niu, giữ gìn bình rượu quý mãi và trong một dịp sinh nhật Ôlêch Côngxtantinnôvich, bà mang đến tặng lại cho giáo sư và nói: "Chính anh mới là người xứng đáng được nhận món quà quý này của Bác Hồ". Bình rượu quý này đã nằm trong tủ rượu của Ôlêch Côngxtantinnôvich gần 30 năm và chỉ được dùng trong những dịp trọng đại. Buổi gặp mặt, nhâm nhi chén rượu rắn năm ấy - những giọt rượu được gìn giữ từ bình rượu quý của Bác Hồ thật ấn tượng và xúc động.

Chúng tôi nhớ mãi người thầy, người bạn, đồng chí đã ở bên cạnh chúng tôi trong những năm tháng khó khăn, gian lao của đất nước thời chiến tranh. Mong rằng trong tương lai, có dịp được gặp lại ông, được uống với thầy Arseulôv Ôlêch Côngxtantinôvich- "Người Việt Nam" một chén rượu rắn nhỏ, quà tặng của Bác Hồ, cùng ông hồi tưởng lại một thời đã qua- thời con người sống không chỉ cho bản thân mình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem