Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5: Tạo sức bật cho lao động Việt Nam

Thứ tư, ngày 30/04/2014 12:54 PM (GMT+7)
Cuối năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thành lập Cộng đồng kinh tế chung với thị trường lao động (LĐ) chung.
Bình luận 0
Làm thế nào để tạo động lực cho LĐ Việt Nam vươn lên làm chủ thị trường LĐ trong khu vực, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Quang Điều (ảnh) - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam).

img

Đánh giá của ông về chất lượng nguồn LĐ Việt Nam hiện nay?

- Hiện nay nước ta có khoảng 53 triệu LĐ (chiếm gần 70% tổng dân số). Lực lượng LĐ dồi dào, cộng với cơ cấu lao động trẻ là động lực lớn để chúng ta phát triển kinh tế. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế, tạo việc làm đồng thời hỗ trợ LĐ học tập nâng cao trình độ.

Dù có nhiều nỗ lực nhưng phải thừa nhận rằng chất lượng nguồn LĐ của chúng ta trong thời gian vừa qua cũng chưa thể đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo nói chung còn thấp (chỉ chiếm 40%), số LĐ qua đào tạo nghề còn thấp hơn nữa (chỉ chiếm 30%). Chất lượng kém, ý thức kỷ luật lại chưa cao khiến LĐ Việt Nam đang dần mất đi tính cạnh tranh trên thị trường LĐ.

Vậy thời gian tới, khi ASEAN trở thành một Cộng đồng kinh tế chung, một thị trường LĐ chung thì LĐ Việt Nam có khả năng đáp ứng không, thưa ông?

- Như trên vừa nói, LĐ của ta đông về số lượng nhưng lại yếu về chất lượng, đặc biệt vấn đề kỷ luật LĐ còn rất kém. Chính vì vậy, nếu so sánh với lao động của một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… thì LĐ Việt Nam khá lép vế và khó lòng mà cạnh tranh được nếu ra một thị trường chung ở khu vực.

Chưa cần nói đâu xa, ngay như hoạt động xuất khẩu LĐ của chúng ta thời gian qua cũng có nhiều chật vật vì LĐ ta không ổn, kỷ luật lại kém. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến LĐ Việt Nam thua ngay trên sân nhà, khi không làm chủ được thị trường để LĐ ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore… vào làm việc tại Việt Nam.

Lao động Việt Nam còn yếu về trình độ, cũng như kỷ luật lao động.
Lao động Việt Nam còn yếu về trình độ, cũng như kỷ luật lao động.

Mặc dù thời gian gần đây kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi, số việc làm trong nước và thị trường khu vực, quốc tế có nhiều khởi sắc, nhưng sẽ là rất khó để hội nhập vào thị trường LĐ chung nếu chúng ta không cải thiện được chất lượng LĐ và vấn đề kỷ luật LĐ.

Thực tế có ý kiến lại cho rằng, sở dĩ LĐ chưa tạo được sức bật là bởi môi trường làm việc còn hạn chế chứ không hẳn là do họ yếu kém?

- Tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chính khiến LĐ Việt Nam chưa thể có sức bật cần thiết. Hiện nay chúng ta đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng khi đầu tư họ chủ yếu chỉ đầu tư phát triển các ngành nghề gia công, không cần trình độ tay nghề cao. Thậm chí, ngay như ngành điện tử vốn là ngành đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao thì khi các DN đầu tư vào Việt Nam cũng chỉ đầu tư vào lắp ráp. Khi công việc không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao thì dĩ nhiên LĐ dù muốn cũng không thể nâng cao trình độ.

Tính đến quý I/2014 cả nước có hơn 52 triệu người có việc làm (trên tổng số 53 triệu LĐ), tỷ lệ LĐ ngành nông - lâm - thủy sản chiếm hơn 45% tổng người có việc làm trong cả nước. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp chỉ khoảng gần 1 triệu người (chiếm 1,90% tổng số LĐ) nhưng tính chất công việc không phù hợp, môi trường làm việc hạn chế khiến nhiều LĐ không hài lòng với công việc.
Nguồn: Bản tin cập nhật thị trường LĐ Việt Nam (Quý I/2014 - Bộ LĐTBXH)

Bên cạnh đấy chế độ lương thấp, thời gian làm dài khiến LĐ mệt mỏi, không hào hứng nâng cao nghiệp vụ. Mức lương thấp hơn mức sống tối thiểu thì làm sao họ có thể tái đầu tư cho học tập nâng cao trình độ. Nhiều LĐ cũng không khỏi ái ngại vì học xong chắc gì đã tìm được công việc tốt hơn trước.

Theo ông thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để hỗ trợ, tạo sức bật cần thiết cho LĐ?

- Vấn đề không phải ở “chúng ta”, vấn đề trước hết phải nằm ở người LĐ. Muốn tiến lên, trước hết người LĐ cần phải tự rèn luyện kỷ luật đi đôi với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Song song với đó, chúng ta cũng cần phải hoàn thiện chính sách có liên quan tới LĐ, việc làm. Hoạt động kêu gọi hợp tác đầu tư cũng cần có định hướng tăng kêu gọi dự án đầu tư có chất xám thay vì chỉ là dự án đầu tư lắp ghép, gia công.

Về phía ngành giáo dục, cần chú trọng hơn nữa tới việc phân luồng ngay từ cấp THCS, THPT theo hướng khuyến khích học sinh hăng hái theo học nghề thay vì cứ lao vào học ĐH. Nhà nước cần phải có những điều chỉnh cơ bản về chính sách học nghề, và giáo dục chuyên nghiệp. Ví dụ như: Chính sách hỗ trợ học nghề, tiền lương, hướng nghiệp…. Các chính sách này cần phải có sự thay đổi đồng bộ, mới mong tạo động lực cần thiết hỗ trợ LĐ, tạo sức bật cho LĐ trong giai đoạn mới.

Xin cảm ơn ông!
Minh Nguyệt (thực hiện) (Minh Nguyệt (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem