Kỷ niệm sâu sắc khi dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài

Đại sứ Lương Thanh Nghị Thứ tư, ngày 25/08/2021 06:32 AM (GMT+7)
Ông Lương Thanh Nghị- nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Australia, nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi làm phiên dịch cho Đại tướng trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài.
Bình luận 0
Kỷ niệm sâu sắc khi dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Đức. (Ông Lương Thanh Nghị ngồi bên phải Đại tướng).

Sau đây là những kỷ niệm được ông Lương Thanh Nghị chia sẻ: 

Hôm nay kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nhớ lại một vài kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng:

Đầu năm 1989, nhân dịp Tết Nguyên đán, mặc dù vừa tốt nghiệp ra trường được vào làm việc tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao, tôi được phân công cùng một số anh chị em khác mang quà Tết của phóng viên Tiana Thanh Nga, một Việt Kiều Mỹ đang thực hiện phim tài liệu với tựa đề “Journey Home”, trong đó có nhiều cảnh quay và phỏng vấn Đại tướng. 

Lần đầu tiên bước vào ngôi nhà 36 Hoàng Diệu nên cảm thấy rất căng thẳng và hồi hộp. Khi Đại tướng bước ra với nụ cười trên môi, hỏi thăm ân cần tự nhiên sự căng thẳng, nỗi lo âu như biến mất. Đấy là lần đầu tiên được gặp Đại tướng.

Kỷ niệm sâu sắc khi dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn giáo sư sử học, Đại học Nam California (Hoa Kỳ)

Sau này tôi có nhiều dịp thu xếp, và dịch cho Đại tướng trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài. Mỗi lần như vậy, tôi được nghe giọng đầy chất Quảng Bình sang sảng, trầm ấm của Đại tướng với những câu chuyện về Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không, nào là Khe Sanh, Quảng Trị, Mậu Thân...Mỗi lần gặp, Đại tướng luôn ân cần hỏi thăm chuyện gia đình, vợ con, công việc...

Điều đặc biệt, Đại tướng luôn đến trước cuộc phỏng vấn 15-20 phút để nghe báo cáo về hoạt động, tâm tư tình cảm của phóng viên và nhắc phiên dịch chú ý những từ chuyên môn thuộc lĩnh vực quân sự.

 Có lần Bác căn dặn tham khảo anh Huân ( Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Thư ký của Đại tướng ) để tìm hiểu thêm về lĩnh vực quân sự, nhất là học thêm những từ chuyên môn như cấp bậc, các loại vũ khí...Dịch cho Đại tướng cảm thấy rất thoải mái vì bác thường dùng câu chữ rất giản dị, dễ hiểu. 

Mỗi lần trả lời phỏng vấn, Đại tướng đều nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người. Bác thường kể câu chuyện lần đầu tiên gặp Bác Hồ vào tháng 6/1940 tại Thúy Hồ, Côn Minh – Trung Quốc. Lần đầu tiên nghe địa danh Thúy Hồ không biết dịch thế nào, toát mồ hôi hột. May mà Bác nhận ra và nói: tiếng Hán là Cuihu (nghe cứ như Quy Hồ), tiếng Anh là Green Lake. Phóng viên nước ngoài luôn đặc biệt ấn tượng với Đại tướng bởi phong cách lịch lãm, thân thiện, đôi lúc hóm hỉnh của một chính khách lớn. 

Trong những năm 90s, Đại tướng mặc dù tuổi đã cao nhưng luôn sẵn sàng tiếp phóng viên nước ngoài mong muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà. Có những lần trả lời phỏng vấn dài cho truyền hình, Đại tướng yêu cầu nghỉ khoảng 15 phút. Lúc đó chúng tôi thường chuẩn bị nửa quả chuối tiêu, một miếng pho mát và cốc nước ấm có chút muối và lát chanh mỏng theo đề nghị của bác sĩ. Sang đầu những năm 2000, Đại tướng ít tiếp phóng viên do sức khỏe yếu, trừ dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm sâu sắc khi dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài - Ảnh 3.

Các bức ảnh chân dung Đại tướng do Nhiếp ảnh gia Trần Hồng chụp được triển lãm tại Ba Lan tháng 6/2019.

Chiều muộn ngày 04/10/2013, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi của phóng viên nước ngoài, đề nghị xác nhận tin Đại tướng đã qua đời tại Bệnh viện 108. Khoảng 6g30 chiều hôm đó (Đại tướng trút hơi thở cuối cùng lúc 18g09 phút), anh Huân gọi điện trao đổi về cách thức thông tin cho báo chí sao cho phù hợp. 

Sau nhiều trao qua đổi lại với một vài cơ quan liên, tối hôm đó báo chí nước ngoài và báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, dẫn nguồn “quan chức Chính phủ và quân sự “ hoặc “gia đình cho biết”…Cần nói thêm là báo chí nước ngoài cũng như báo chí ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tư liệu về cuộc đời Đại tướng. Nhiều bài viết, phóng sự gây xúc động mạnh với công chúng.

Ngay sau đó, chúng tôi đã khẩn trương thu xếp cho phóng viên nước ngoài đưa tin tang lễ của Đại tướng, kể cả về quê Quảng Bình và Vũng Chùa - Đảo Yến nơi an nghỉ của Ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem