Kỹ sư ra đồng với nông dân: Nhà nông, doanh nghiệp cùng thu lợi

Thứ hai, ngày 14/01/2013 23:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sản xuất lúa trên ruộng đồng thường chỉ được coi là “việc riêng” của người nông dân, thế nhưng từ khi triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), nông dân ở An Giang đã có sự đồng hành của các kỹ sư.
Bình luận 0

Với việc kỹ sư cũng ra đồng, tập quán, kỹ thuật sản xuất của bà con đã có nhiều sự thay đổi...

Làm ruộng ngày càng nhàn...

Những ngày giáp tết này, chúng tôi đi dọc kênh xáng Cây Dương (ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang), ghi nhận bà con nông dân đang tất bật ra đồng sản xuất vụ đông xuân trong niềm vui rộn rã. Cả cánh đồng xanh rờn thẳng tắp do sạ cùng một giống, cùng thời điểm với giống lúa chất lượng cao Jasmine 85 và OM 4218.

img
Cánh đồng mẫu được cơ giới hóa, nông dân thu lợi nhuận khá lớn.

Đặc biệt, trong vụ đông xuân này, ra đồng với bà con nông dân còn có các kỹ sư “FF” (tên Chương trình “Kỹ sư cùng nông dân ra đồng” của Công ty cổ phần Thuốc bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS). Nông dân Nguyễn Văn Tâm (Bảy Tâm) trồng 9ha lúa ở ấp Vĩnh Thọ hào hứng: “Năm 2010, khi cán bộ kỹ thuật của công ty họp kêu gọi liên kết với công ty để bao tiêu sản phẩm, tôi cũng nghi ngờ vì nhiều nơi việc liên kết giữa nông dân và công ty đã bị “gãy” giữa chừng.

Tuy nhiên, nghe nói phía công ty cho mua chịu vật tư, bán lúa tại nhà máy với giá thị trường, được sấy lúa miễn phí, chúng tôi cũng dần yên tâm”. Ông Tâm cũng cho hay: “Vụ hè thu trước đó, tôi thu hoạch ngay thời điểm mưa dầm, phải mướn 5 người liên tục phơi với rất nhiều chi phí, mà lúa cũng bị lên mọng nên thất thu rất lớn. Do vậy, được công ty tổ chức sấy miễn phí là chúng tôi tham gia ngay”.

img
Cán bộ FF cùng ra đồng hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

Sau buổi thăm đồng cùng các kỹ sư FF, cả nhóm gần 10 nông dân đã tụ họp lại nhà ông Tâm để bàn về kỹ thuật trồng lúa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa sao cho hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Văn Cường ở ấp Vĩnh Lộc không giấu được niềm vui khi tham gia mô hình CĐML. Ông cho hay: "Tôi làm 8 công lúa (8.000m2), mà chẳng dư dả gì. Có năm bán 3kg lúa chỉ được 10.000 đồng. Nhưng vụ vừa rồi không ngờ lại bán được lúa với giá cao như vậy”.

Còn ông Nguyễn Văn Rum (trồng 25 công lúa) cũng vui mừng không kém, bày tỏ: “Trước đây, người làm lúa lo ngay ngáy về vốn, phơi sấy, rồi cả giá bán, thì bây giờ không còn phải lo gì nữa. Toàn bộ đều làm theo quy trình, vợ tui cũng không cần ra đồng như trước, vì có việc gì mà làm. Công việc đồng áng đều có máy móc, kỹ sư lo hết. Đến khi thu hoạch chỉ cần ra công ty đếm tiền là xong... Làm nhàn mà mỗi vụ lời vài chục triệu đồng như chơi”.

Đôi bên cùng có lợi

Trước đó, khi chưa tham gia làm CĐML, nhiều nông dân trăn trở về dịch bệnh, giống, vốn, giá cả, thì sau khi tham gia mô hình này, toàn bộ các vấn đề trên đều đã được phía AGPPS lo. Toàn bộ diện tích sản xuất lúa của nông dân ở đây đều được gieo sạ cùng một loại giống lúa chất lượng cao như: Jasmine 85, OM 4218 hoặc OM 6976 do công ty cung cấp. Bên cạnh đó, AGPPS còn hỗ trợ toàn bộ phân, thuốc trừ sâu cho cả vụ mà không tính lãi.

Hàng ngày, có kỹ sư nông nghiệp xuống hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng ngừa dịch bệnh... Tất cả quy trình được ghi chép sổ sách rõ ràng. Đến khi thu hoạch, AGPPS hỗ trợ bao đựng lúa, phương tiện vận chuyển, sấy lúa miễn phí và thu mua theo giá thị trường. Riêng những hộ chưa muốn bán lúa sớm thì công ty cho gửi vào kho trữ chờ giá.

Ông Tô Phước Thủ cho biết: “Trong toàn bộ quy trình sản xuất, nông dân đều có sổ tay ghi chép, có lưu lại nguồn gốc xuất xứ. Do đó, giá gạo xuất khẩu của AGPPS lúc nào cũng cao hơn các công ty khác từ 40- 50 USD/tấn gạo, nhà nhập khẩu cũng rất hài lòng với chất lượng gạo, nên công ty thu lợi khá lớn”.

Ông Tô Phước Thủ - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Bình cho biết: “Toàn bộ diện tích trồng lúa của ấp Vĩnh Thọ và Vĩnh Lộc đều được ký hợp đồng bao tiêu với công ty. Trong đó, công ty sẽ bán chịu tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống xác nhận bằng giá ở đại lý cấp 1, đến cuối vụ, nông dân mới phải trả”. Cũng theo ông Thủ, sau khi thu hoạch, nông dân bán lúa cho nhà máy bằng giá với giá thị trường và được sấy miễn phí.

Theo tính toán, ngay trong vụ đầu tiên (đông xuân 2011- 2012), với năng suất lúa đạt 8- 8,2 tấn/ha, bán giá 6.336 đồng/kg, nông dân thu được 51,3 triệu đồng/ha; trừ chi phí, còn lời tới 33,2 triệu đồng/ha (tức lãi tới gần 65%). Còn vụ hè thu, người dân có thể đạt lợi nhuận 20,6 triệu đồng/ha, vụ thu đông lời 25,5 triệu đồng/ha; tính cả 3 vụ trong năm, người dân được lời tới 79 triệu đồng/ha. Ông Thủ cho biết thêm: “Trong vụ đông xuân 2011-2012, diện tích bao tiêu đã được AGPPS nâng lên 3.500ha và đến vụ đông xuân 2012- 2013 này, vùng lúa nguyên liệu ở Vĩnh Bình phát triển tới 5.000ha, với hơn 1.870 hộ tham gia”.

Ngày 13.1, bà Phan Thị Yến Nhi - Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, sau khi AGPPS triển khai mô hình đầu tiên, cánh đồng mẫu lớn ngày càng phát huy hiệu quả. Mô hình này được Bộ NNPTNT đánh giá cao và đã trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng cho AGPPS. Năm 2012, có 5 công ty hợp đồng với nông dân trong tỉnh triển khai cánh đồng mẫu lớn được hơn 22.000ha. Trong số này, các cánh đồng mẫu lớn do AGPPS triển khai chiếm diện tích lớn nhất.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem