Về quê lập nghiệp
Nói về quá trình lập nghiệp của mình, anh Vững cho biết, anh tốt nghiệp Đại học Thủy sản, sau gần 10 năm làm việc cho các công ty phân phối thức ăn chăn nuôi, anh quyết định về quê lập nghiệp. Với kinh nghiệm tích lũy được, anh thuê vùng đất cát của UBND xã quy mô hơn 3ha.
Trang trại nuôi lợn công nghệ cao của anh Lê Đình Vững (phải) (thôn An Trạch xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Ảnh: Trần Thúy
Năm 2017, tôi đã xây dựng một trang trại nuôi lợn với quy mô 700 con/lứa, nuôi 2 lứa/năm với hình thức trại lạnh, quạt điều hòa. Đầu năm 2018, tôi đầu tư nuôi thành công một trại gà với quy mô 17.000 con/lứa, mỗi năm nuôi được 4 lứa. Với những thành công ban đầu, giữa năm 2018 tôi tiếp tục đầu tư thêm trại lợn với quy mô 1.800 con/lứa, giá trị đầu tư hơn 2 tỷ đồng…”.
Tính đến nay tổng đầu tư cơ sở hạ tầng tại trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Vững là 7,4 tỷ đồng. Mỗi năm, trang trại cung ứng cho công ty 432 tấn lợn thịt và 140 tấn gà thịt và 3 tấn cá các loại. Sau khi trừ chi phí nhân công và các khoản chi phí khấu hao tài sản, mỗi năm anh Vững thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, chăn nuôi gà công nghệ cao theo hướng liên kết với các công ty uy tín cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, tư vấn kỹ thuật… kết hợp bao tiêu sản phẩm. Anh Vững nuôi theo hình thức gia công, khi lợn đạt trọng lượng trên 55kg/con tính với giá 4.400 đồng/kg, gà đạt trọng lượng 1,8 – 2kg/con tính giá 8.400 đồng/kg.
Ngoài tập trung phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương cũng như đóng góp các nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ tình nghĩa, hỗ trợ phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao ở thôn, xã, tặng quà khuyến học cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn… |
Năm nay, trước cơn bão dịch tả lợn châu Phi, dù nằm giữa vùng dịch nhưng anh Vững luôn có ý thức phải tự “cứu mình, cứu lợn”, anh chủ động áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phun sát trùng tất cả các dụng cụ, khuôn viên trang trại cũng như các phương tiện ra vào trang trại.
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi trong xã gần như bị xóa sổ vì dịch tả lợn châu Phi thì trang trại nuôi heo của anh vẫn an toàn, không bị tổn thất. Vấn đề bảo vệ môi trường cũng được quan tâm, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải của lợn theo quy trình màng bạt HCPE (hầm biogas) tái sử dụng lại phục vụ cho trang trại, số chất thải của gà được thu gom làm phân bón bán cho các hộ trồng rau màu, dưa hấu cũng được 40-50 triệu đồng.
Hình mẫu nông dân mới
Nói về anh Lê Đình Vững, người dân ở Triệu Trạch gắn cho anh danh hiệu là hình mẫu của người nông dân thế hệ mới, dám nghĩ, dám làm. Sau khi thành công trong lĩnh vực chăn nuôi, anh bắt đầu nghĩ đến việc phủ xanh trang trại trên vùng đất cát hoang hóa này.
Anh Vững quy hoạch vùng để đầu tư trồng cây măng tây xanh trên diện tích 0,9ha và xây dựng nhà màng, nhà kính để trồng rau màu trái vụ an toàn trên diện tích 1.000m2. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật trồng măng tây, anh đã lặn lội vào các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để học hỏi kinh nghiệm và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm trên 10.000 cây đinh lăng. Nhưng vì thời tiết khắc nghiệt của nắng gió và đất cát không phù hợp nên việc đầu tư trồng cây đinh lăng, măng tây xanh, rau nhà kính hiệu quả thấp. Thất bại không làm anh nản chí, khắc phục yếu tố về thời tiết, anh chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng nấm trong nhà màng thời gian tới sẽ cho thu hoạch.
Trang trại của anh Lê Đình Vững đã mở ra hướng đi mới khai thác tiềm năng vùng cát, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 18 lao động thời vụ ở địa phương với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con và làm giàu trên mãnh đất quê hương.
Ngoài ra, anh Vững còn tích cực hướng dẫn cho một số hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu địa chỉ cung cấp giống và thức ăn uy tín, bao tiêu sản phẩm giúp bà con phát triển chăn nuôi.
Chứng kiến cảnh nông dân sản xuất hàng hóa bị tư thương ép giá, năm 2019 anh thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, bước đầu có 7 thành viên tham gia nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và sản xuất theo hướng VietGAP và chính anh trực tiếp làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.