Kỹ sư tin học về quê làm phân bón

Thứ bảy, ngày 12/05/2012 06:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là kỹ sư tin học, từng có công việc ổn định và lương cao ở một doanh nghiệp tại TP.HCM, nhưng Bùi Ngọc Châu (30 tuổi) lại quyết định nghỉ việc để về quê nhà làm... phân bón, nuôi heo.
Bình luận 0

“Quê tôi đất cằn, bà con trồng cây gì cũng rất nhọc nhằn mà thu hoạch lại không cao. Điều đó cứ ám ảnh tôi hoài. Tình cờ một lần đọc được một tài liệu của Nhật Bản về phân bón vi sinh dễ làm, lại cung cấp chất dinh dưỡng cao cho cây trồng, tôi thấy sướng quá, bỏ ngay công việc, về quê làm thử xem sao” - Bùi Ngọc Châu (thôn Cẩm Phô, Tiên Cẩm, Tiên Phước, Quảng Nam) tâm sự.

img
Anh Châu (trái) hướng dẫn các làm phân vi sinh cho bà con nông dân trong xã.

Trả nghĩa quê hương

Khi thấy con bỏ công ăn việc làm về quê, ngày ngày đi hái lá cây làm phân bón, cha mẹ Châu phiền lòng. Bạn bè đổ xô vào khuyên can: "Người ta học kiếm cái chữ để thoát ly quê nhà ra phố làm ăn cho bớt khổ, mày lại bỏ phố về quê đi làm phân...". Châu chỉ cười, không nói gì.

Châu cho biết, nguyên liệu chính để tạo ra phân hữu cơ vi sinh rất dễ vì có sẵn ở mỗi gia đình, như rơm tươi, rơm khô, phân gia súc, gia cầm... Việc ủ phân vi sinh cũng khá đơn giản: Đào hoặc xây một cái hố sâu chừng 0,9m, dài 1,2m, rộng 1m rồi bỏ nguyên liệu đã trộn sẵn với dung dịch vào theo thứ tự từng lớp (mỗi lớp dày khoảng 10 - 15cm), rồi rải một lớp men vi sinh, sau đó dùng bạt phủ kín 20-30 ngày là tạo ra được sản phẩm.

Châu dùng những mẻ sản phẩm đầu tiên bón cho lúa, hoa màu nhà mình. Cây xanh tốt trông thấy. Bà con ai cũng phấn khởi khi đi ngang qua cánh đồng lúa trĩu hạt, ruộng cây cà trĩu trái nhờ bón phân hữu cơ vi sinh mà Châu tạo ra. Từ chỗ nghi ngờ, bà con bắt đầu tin tưởng, rồi hồ hởi học hỏi Châu để làm phân vi sinh. Ai đã áp dụng đều đạt được kết quả khả quan. Đến lúc này, bố mẹ Châu mới thấy tự hào về con trai mình.

Nuôi heo trên đệm lót sinh học

Sau khi thành công với phân hữu cơ vi sinh, Châu tiếp tục nghiên cứu nuôi heo, nuôi gà bằng đệm lót sinh học. Cách làm của Châu cũng khá đơn giản: Rưới đều dung dịch men vi sinh và dung dịch vi sinh (độ ẩm 40%) lên đệm lót (làm bằng mạt cưa, trấu, rơm khô), dùng bạt phủ kín và ủ, sau 3 - 5 ngày có thể sử dụng. Chuồng trại làm cũng không tốn kém, chỉ cần làm nơi khô ráo, tránh xây kín để tạo thông thoáng tối đa cho nấm vi sinh phát triển.

Anh Châu cho biết, chi phí làm 1kg phân hữu cơ vi sinh chưa đến 1.000 đồng, thấp hơn từ 2,5- 3 lần so với phân bón cùng loại bán ngoài thị trường, mà chất lượng không hề thua kém với phân vô cơ, lại đảm bảo môi trường.

Theo Châu, nuôi heo trên đệm lót lên men giúp cho heo đi lại và vận động nhiều hơn, không bị trầy xước, đồng thời giúp heo tránh được môi trường dơ bẩn, từ đó tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, trong đệm lót có chứa các vi sinh vật có lợi nên heo, gà có thể phòng tránh một số bệnh thông thường.  Đệm lót còn có tác dụng giữ ấm và làm mát trong môi trường nhiệt độ thay đổi.

Đặc biệt, chăn nuôi bằng đệm lót sinh học không gây ra mùi hôi và ô nhiễm môi trường xung quanh. Sử dụng đệm lót sinh học không chỉ khử được mùi hôi chuồng trại mà còn giảm được từ 50- 60% công lao động vệ sinh cho heo và chuồng trại.

Những ngày này, nhận lời của UBND xã Tiên Cẩm, Châu thường xuyên có những buổi nói chuyện, truyền đạt lại các kỹ thuật sản xuất phân vi sinh và đệm lót sinh học cho nông dân trong xã, cũng như các địa phương lân cận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem