Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Thí sinh vui vẻ, không áp lực

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 28/03/2021 09:18 AM (GMT+7)
Sáng nay (28/3), hàng ngàn thí sinh bước vào kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Thí sinh tại các điểm thi vui vẻ, không quá áp lực và phần đông tham gia kỳ thi để thử sức, trải nghiệm.
Bình luận 0

Tham gia thi đánh giá năng lực để cọ xát, trải nghiệm

Theo số liệu thống kê của Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực lần này có 69.794 thí sinh đăng ký tham dự, trong đó TP.HCM là 50.682 thí sinh, các tỉnh còn lại 19.112 thí sinh. Tại TP.HCM, kỳ thi đánh giá chất lượng được tổ chức ở 14 cụm thi với gần 1.500 phòng thi và hơn 3.800 cán bộ coi thi.

6h sáng, hàng ngàn thí sinh đã có mặt tại cụm thi để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.

Mặc dù 7h30 thí sinh mới bước vào phòng thi, nhưng từ 6h, hàng ngàn thí sinh đã tới cụm thi. Các cụm tổ chức thi tại TP.HCM cũng nghiêm túc thực hiện quy trình phòng chống dịch bệnh, bố trí đo thân nhiệt, xịt kháng khuẩn. Ngoài ra, tất cả thí sinh phải đeo khẩu trang và thực hiện khai báo y tế trong vòng 48 tiếng trước giờ thi theo hướng dẫn. 

Thí sinh bắt buộc phải in hình khai báo y tế trực tuyến để mang theo khi đi thi (bản in thể hiện rõ mã QR code, mã tờ khai và họ tên thí sinh). Các trường hợp thí sinh chưa thực hiện khai báo y tế trực tuyến phải khai báo trực tiếp ngay trước buổi thi.

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM: Thí sinh dự thi để trải nghiệm, không áp lực điểm số - Ảnh 2.

Em Tấn Kiệt, học sinh lớp 12 trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) chuẩn bị sẵn tờ khai y tế để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

Em Tấn Kiệt, học sinh trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) cho biết: "Em dự định thi vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Việc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực lần này của em là để trải nghiệm xem một kỳ thi sẽ diễn ra như thế nào, đồng thời, xem lượng kiến thức mình đã tích luỹ được áp dụng ra sao.

Từ đó, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT em sẽ có kết quả tốt hơn. Em không áp lực gì, chủ yếu vẫn là cọ xát, trải nghiệm. Em đặt mục tiêu và điểm số cao ở kỳ thi THPT".

img
img

Thí sinh đang kiểm tra tên trong danh sách dự thi đánh giá năng lực tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, quận 12.

Tương tự, Mỹ Hạnh đến từ trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn) cũng tham dự kỳ thi đăng giá năng lực cho biết, dự định của em là dùng phương thức xét học bạ để vào Học viện Cán bộ TP.HCM nên cũng không bị áp lực. "Em rất thoải mái khi tham gia kỳ thi này, em thi để biết đề như thế nào, trải nghiệm kiến thức ra sao. Dù sao, điểm càng cao thì càng tốt, biết đâu đây là cơ hội để em vào trường đại học khác", Hạnh nói.

Tối đa 70% chỉ tiêu dành cho kỳ thi đánh giá năng lực

Kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được sử dụng như một trong những phương thức để xét tuyển vào 10 trường thành viên của ĐHQG TP.HCM và hơn 60 trường đại học khác. Năm nay, hầu hết các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM đều tăng chỉ tiêu dành cho kỳ thi đánh giá năng lực. Trong đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM có chỉ tiêu tối đa 50%, Trường Đại học Bách Khoa dành tối đa 70%.

Theo Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP.HCM), bài thi đánh giá năng lực tại ĐHQG TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc của bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ, Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề.

Ngoài TP.HCM, trong sáng nay các tỉnh thành tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm Nha Trang, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Bến Tre, An Giang và Bạc Liêu. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản và quy chế rõ ràng. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), thí sinh phải tuân thủ các quy định được hướng dẫn khi vào phòng thi. 

Trong đó, phải điền chính xác và đầy đủ thông tin vào các mục trống phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm (phần này chỉ được viết bằng một màu mực và không được dùng mực đỏ). Số báo danh phải ghi đủ và tô đủ phần số kể cả các số 0 phía trước. Đồng thời, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài, không được nộp bài trước khi hết giờ làm bài.

Nếu vi phạm quy chế, thí sinh có thể bị trừ điểm, khiển trách hoặc cảnh cáo. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị 0 điểm và không được sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hội đồng thi cũng hủy bỏ kết quả thi với trường hợp thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức, sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp, dùng bài của người khác để nộp.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem