Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần XI năm 2020: Chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 09/10/2020 06:02 AM (GMT+7)
Gần 500 thí sinh trong cả nước vừa bước vào kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ XI. Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, dù có nhiều khó khăn trong khâu tổ chức nhưng kỳ thi vẫn đang diễn ra thuận lợi. Tất cả các thí sinh, hội đồng đều cố gắng làm bài thi, hướng tới kỳ thi chất lượng, công bằng.
Bình luận 0

Thí sinh tự tin

Thí sinh Trần Thị Thu Hiền (đoàn TP.HCM) tham gia nội dung thi Chăm sóc sắc đẹp cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi, đoàn của Hiền ra Hà Nội từ rất sớm. "Qua 3 ngày thi, tôi thấy kết quả làm bài của mình khá tốt, trong đó tốt nhất là phần thi chăm sóc da mặt và trang điểm. Tôi hy vọng sẽ có kết quả khả quan" - Hiền chia sẻ.

Năm nay, nghề Chăm sóc sắc đẹp được tổ chức tại Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội. Ngoài đề thi khá khó còn đòi hỏi các thí sinh phải giỏi 5 chuyên ngành: Chăm sóc da mặt, nối mi, massage body (mát xa cơ thể), trang điểm và nail (làm móng), với thời lượng thi lên đến 13 tiếng 75 phút, kéo dài trong 3 ngày (từ 5 - 7/10) nhằm tiệm cận với các kỳ thi ASEAN và thế giới.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần XI năm 2020: Chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp  - Ảnh 1.

Thí sinh thi nghề nấu ăn tại Hội đồng thi số 2 (Trường CĐ Du lịch Hà Nội). Ảnh: T.A

"Kỳ thi năm nay đã có sự nâng tầm, thể hiện các đề thi tiệm cận được với đề thi trong khu vực và thế giới. Tinh thần thi là thi thật. Ban giám khảo, thí sinh, quan sát viên... đặc biệt là ban giám khảo làm việc rất chuyên nghiệp, công tâm và khách quan…".

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng

Giảng viên Trần Thị Lan - chuyên gia trưởng nghề Chăm sóc sắc đẹp đánh giá: "Qua 3 ngày thi, chúng tôi thấy các em làm bài thi với tinh thần tập trung cao độ và vô cùng nghiêm túc. Nhìn chung, tất cả các em đều làm bài rất tốt. Một số em có những kỹ năng thuần thục, đạt tới trình độ cao của khu vực và quốc tế".

Cũng theo bà Trần Thị Lan, hiện nay nghề Chăm sóc sắc đẹp đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam, thế nhưng tỷ lệ lao động làm ngành này qua đào tạo chuyên nghiệp (qua trường, lớp) còn chưa lớn, chỉ chiếm một phần khiêm tốn khoảng 20%. Việc đưa ngành này vào kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia là cơ hội để tôn vinh nghề, đồng thời quảng bá thương hiệu để nhiều học sinh biết đến nghề này hơn.

Huy động tối đa nguồn lực

Tại Hội đồng thi số 2 - Trường CĐ Du lịch Hà Nội, công tác tổ chức cũng được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Trịnh Cao Khải - Phó Chủ tịch Hội đồng thi số 2, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội cho biết, năm nay hội đồng đăng cai thi 3 nghề gồm: Dịch vụ nhà hàng, Nấu ăn, Lễ tân, với 43 thi sinh dự thi, song có 1 thí sinh ốm phải nghỉ. Mặc dù chỉ có 42 thí sinh, nhưng nhà trường đã huy động trên 400 người (giáo viên, học sinh, nhân viên y tế, an ninh...) để hỗ trợ công tác tổ chức thi.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần XI năm 2020: Chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp  - Ảnh 3.

"Dù gặp nhiều khó khăn do lịch thi hoãn lên hoãn xuống vì tình hình dịch Covid-19, kinh phí tổ chức còn eo hẹp, phải đi mượn thiết bị tại một số khách sạn trên địa bàn TP.Hà Nội, nhưng nhà trường quyết tâm dành tổng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao" - ông Khải nói.

Tương tự, tại Hội đồng thi số 5 (Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội), công tác chuẩn bị cũng được làm khá chặt chẽ, cẩn trọng để bảo đảm cuộc thi diễn ra thuận lợi, công bằng. Ông Phạm Xuân Khánh - Phó Chủ tich Hội đồng thi số 5 cho biết, Hội đồng thi số 5 đăng cai 10 nghề (Tự động hóa công nghiệp, Thiết kế các kiểu tóc, Chăm sóc sắc đẹp, Lắp cáp mạng thông tin, Bảo trì máy CNC, Điều khiển công nghiệp, Kết nối vạn vật - IOT, Quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, Điện tử Công nghiệp, Chăm sóc sức khoẻ và Công tác xã hội) với 122 thí sinh dự thi. Trong số các nghề đăng cai thì nghề điện tử có số lượng thí sinh đông nhất là 25 thí sinh. Nghề có số lượng thí sinh ít nhất là nghề Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn) với 3 thí sinh.

Cũng theo ông Phạm Xuân Khánh, kế hoạch tổ chức thi hoãn đến 4 lần, nhà trường là địa điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19, kinh phí để tổ chức đăng cai còn hạn chế, đăng cai một số nghề nhà trường không đào tạo, đăng cai nghề lần đầu tiên tổ chức thi: Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội... Tuy vậy, nhà trường cũng dành toàn lực để lo tổ chức kỳ thi và tổ chức đón tiếp các đoàn tới tham dự.

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho biết, ngoài thành phần trông thi, ban giám khảo, kỳ thi năm nay còn có bộ phận giám sát độc lập. Về phía giám sát, kỳ thi năm nay có thay đổi gồm 3 vòng: Ngoài đội ngũ chuyên gia, còn có thêm đội ngũ giám sát đến từ các đoàn để giám sát trong suốt quá trình các thí sinh thi cũng như việc chấm điểm của chuyên gia. Ngoài ra, còn có cán bộ của Bộ Công an giám sát chung, đảm bảo việc thi và chấm điểm công bằng, không xảy ra bất cứ vấn đề gì.

Vừa qua, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại một số hội đồng. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, năm nay dù tổ chức kỳ thi trong bối cảnh hết sức khó khăn, bị lùi lại nhiều lần, tuy nhiên các hội đồng thi có những nổ lực rất lớn trong việc tổ chức thi, công tác tổ chức chu đáo. Đặc biệt Hội đồng thi số 5 là hội đồng được giao nhiều nghề nhưng đã tổ chức rất tốt kỳ thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem