Kỳ thi THPT năm 2020: Ngữ văn nhiều điểm cao, đỉnh phổ điểm từ 6-7

Hà My Thứ tư, ngày 19/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo quy định của Bộ GDĐT, các địa phương phải hoàn hoàn thành công tác chấm thi tốt nghiệp THPT chậm nhất vào ngày 26/8 và công bố kết quả thi vào ngày 27/8. Vì vậy, hiện nay, hội đồng thi các tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp THPT.
Bình luận 0

Đẩy nhanh công tác chấm thi

Với mục tiêu hoàn thành chấm thi trước ngày 20/8, nhiều địa phương trên cả nước đang rốt ráo thúc đẩy công tác chấm thi; thậm chí, có địa phương giám khảo phải chấm thi cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, công tác chấm thi được các Sở GDĐT địa phương đẩy nhanh tiến độ để tránh các ảnh hưởng ngoài dự kiến.

Tại Hà Nội, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đông nhất cả nước. Các giám khảo phải chấm bài thi của 79.263 thí sinh, dự kiến với tiến độ hiện tại, đảm bảo ngày 24/8 tới đây Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chấm thi.

Kỳ thi THPT năm 2020: Ngữ văn nhiều điểm cao, đỉnh phổ điểm từ 6-7 - Ảnh 1.

Cán bộ chấm thi tại TP. HCM. I.T

Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, khẳng định, Hà Nội sẽ thực hiện chấm thi nghiêm túc, không chủ quan. Trong quá trình chấm, nếu giám khảo nào không đủ điều kiện, làm ảnh hưởng tới tiến độ chấm thi của tập thể có thể tự xin rút hoặc được thay thế.

Được biết, năm nay Hà Nội huy động 516 giáo viên tham gia chấm tự luận. Tính cả hai vòng chấm tự luận, mỗi giám khảo phải chấm tới hơn 300 bài thi.

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT, cho biết đến hết ngày 17/8, thành phố hoàn thành quét hình ảnh bài thi trắc nghiệm và gửi dữ liệu về cho Bộ GDĐT.

Hiện Sở GDĐT TP.HCM đang đợi Bộ GDĐT gửi lại dữ liệu kèm đáp án thì Sở sẽ thực hiện chấm bài thi trắc nghiệm. Năm nay Sở GDĐT TP.HCM huy động 520 giáo viên tham gia chấm tự luận. Tổng số cán bộ tham gia công tác chấm bài thi của gần 75.000 thí sinh lên tới hơn 4.000 người.

Tiến độ chấm thi tự luận diễn ra thuận lợi, đến nay đã hoàn thành 80% bài thi. Các giám khảo tại TP.HCM làm việc cả ngày thứ 7 và Chủ nhật để đảm bảo tiến độ. Ông Hiếu cho biết thêm, dù dịch bệnh diễn ra khá phức tạp nhưng không ảnh hưởng tới công tác chấm thi. TP.HCM dự kiến hoàn thành công việc này vào ngày 19/8.

Tại Quảng Ninh, theo ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GDĐT, Trưởng ban chấm thi tỉnh cho hay, vì khó khăn do địa bàn huyện, đảo chia cắt nên việc chấm thi ở những huyện, đảo này sẽ có thể kéo dài đến ngày 27/8. Còn các nơi khác trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo tiến độ chấm thi xong vào ngày 20 - 21/8.

Theo tiến độ hiện tại, mỗi giám khảo chấm môn ngữ văn sẽ chấm khoảng 50-60 bài/ngày. Tính tới ngày 16/8 đã hoàn thành khoảng 50% bài thi tự luận.

Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GDĐT, sau khi công bố điểm thi, thí sinh có nguyện vọng phúc khảo nộp đơn tại nơi đăng ký xét tuyển, từ ngày 27/8.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ sẽ được các sở GDĐT thực hiện và hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/8. Chậm nhất ngày 4/9, thí sinh được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, học bạ và các loại giấy chứng nhận khác.

Đỉnh phổ điểm rơi vào 6, 7 điểm

Năm 2019, phổ điểm các môn của kỳ thi THPT quốc gia có đỉnh nghiêng nhẹ về bên phải, điểm 5, 6 chiếm phần nhiều, chỉ trừ hai môn lịch sử và ngoại ngữ. Đề thi cũng đạt được mục tiêu phân hóa khi phổ điểm các khối ở từ 24 điểm trở lên có độ dốc lớn, các trường ĐH dễ dàng phân loại và tuyển sinh.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được đánh giá là tinh giản, nhẹ nhàng nên theo dự đoán của nhiều giáo viên, chuyên gia ôn thi, đỉnh của phổ điểm năm nay sẽ nằm thiên về phía bên phải.

Cô M.T - giáo viên ngữ văn tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hà Nội cho biết, công tác chấm thi được Sở GDĐT quán triệt rất nghiêm túc. Quan điểm là giám khảo phải chấm đúng, chấm đều tay. Cô T chia sẻ, điểm thi môn ngữ văn năm nay có xu hướng tăng so với các năm vừa qua. "Nếu các năm vừa qua điểm 8, 9 môn ngữ văn là "của hiếm" thì năm nay lại xuất hiện ở mức độ tương đối. Có lẽ do đề thi năm nay khá rõ ràng, không đánh đố cũng như gây khó hiểu cho thí sinh nên việc làm bài của các em diễn ra khá trơn tru. Ít gặp các bài thi làm sai đề, hoặc trình bày dài dòng, tràn lan không đi vào cối lõi".

Cô T cho biết điểm thường gặp ở bài thi môn ngữ văn là điểm 6, 7 nếu học sinh chỉ viết ở mức đạt, trình bày chưa thoát ý, chưa tạo được cảm xúc cho người đọc. Tuy nhiên các giám khảo tại Hà Nội cũng xác định rằng đây là một kỳ thi đại trà, nên việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh là quan trọng.

Tương tự với nhận định trên, nhiều giáo viên chấm thi tại các địa phương khác nhau cũng nhận định đề thi năm nay có phần "dễ thở" nên xuất hiện nhiều điểm cao hơn các năm trước. Tại TP.HCM, một giáo viên chấm thi môn ngữ văn cho biết điểm 8, 9 môn ngữ văn có nhưng không nhiều. Tại Thừa Thiên - Huế, theo chia sẻ của lãnh đạo Sở GDĐT, môn ngữ văn đã xuất hiện một bài thi đạt điểm 9,75. 

Xuất hiện tình huống chưa có tiền lệ trong bài làm của học sinh

Tại Hà Nội, xuất hiện một trường hợp đặc biệt: Đó là thí sinh sau khi làm hết môn lịch sử vào phiếu trả lời trắc nghiệm, đến môn địa lý, thí sinh này quên không khoanh lại các đáp án đã làm ở đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi phát hiện ra thì đã hết giờ làm bài.

Giám thị đã thu cả phiếu trắc nghiệm và đề thi của thí sinh này, niêm phong riêng bài thi và tiến hành lập biên bản. Phiếu trả lời trắc nghiệm này vẫn được tiến hành quét vì có bài làm môn lịch sử của thí sinh.

Tại Quảng Ninh, Hội đồng chấm thi phát hiện 3 bài thi trắc nghiệm đặc biệt với lỗi tương tự. Trong đó, có 2 bài môn địa lý và 1 bài môn giáo dục công dân đều xảy ra tình trạng khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi.

Sở GDĐT Quảng Ninh đã xin ý kiến của Bộ GDĐT để có hướng dẫn xử lý cụ thể vì đây là tình huống chưa có tiền lệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem