Kỳ thi THPT quốc gia: Khi môn Sử lại bị xa lánh

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 29/04/2016 06:00 AM (GMT+7)
Chỉ còn ít ngày nữa là thời hạn đăng ký hồ sơ tham dự kỳ thi THPT quốc gia sẽ kết thúc (hạn cuối ngày 30.4). Khảo sát sơ bộ của PV Báo Dân Việt tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều điểm thi rất ít thí sinh (TS).
Bình luận 0

Điểm thi chỉ có 1-2 thí sinh

Thông tin từ Sở GDĐT Hải Dương cho biết, kỳ thi năm nay, tỉnh này có hơn 18.000 TS là học sinh lớp 12 và khoảng 350 TS tự do tham dự kỳ thi. Trong số đó, có khoảng 8.500 TS  đăng ký thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Thống kê ban đầu của Sở này cũng cho thấy, tại cụm thi do Sở chủ trì, có một số môn thi rất ít TS đăng ký dự thi.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Anh

Cụ thể, môn sinh học toàn tỉnh này chỉ có 75 TS chọn thi, môn vật lý có 440 TS, môn hóa học có 388 TS. Nếu tính mỗi huyện 1 điểm thi, sẽ có những điểm thi có môn thi chỉ dưới 10 TS đăng ký dự thi. Như vậy, kỳ thi tới đây sẽ có những phòng thi chỉ 1 – 2 TS dự thi. Ví dụ, huyện Bình Giang có 4 TS thi hóa, huyện Cẩm Giàng có 7 TS thi lý, 8 TS thi hóa; thị xã Chí Linh chỉ có 1 TS thi sinh học, huyện Ninh Giang chỉ có 1 TS thi sinh học và 1 TS thi sử. Đặc biệt, 3 huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Gia Lộc… không có TS nào thi môn sinh học.

Lãnh đạo Sở GDĐT Hải Dương cho biết, mặc dù có những điểm thi rất ít TS nhưng việc tổ chức vẫn được đảm bảo đúng theo quy chế. Hiện Sở vẫn đang nhận và tập hợp hồ sơ của TS, nên sau 30.4 Sở mới công bố danh sách chính thức các địa điểm thi thuộc cụm do Sở chủ trì.

Tại Hà Nội, ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GDĐT) thông tin, phải chờ hết ngày 30.4, Sở mới có thống kê chính xác về số lượng TS đăng ký dự thi từng môn. Tuy nhiên, trước đó, khảo sát sơ bộ của Sở tại các trường cho thấy, đối với TS đăng ký thi tại các cụm do Sở chủ trì chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, môn sinh, hóa, lý và sử đăng ký ít nhất (sinh học 1.550 TS; hóa học 1.564, vật lý 1568 và lịch sử 2.542 TS) trên tổng số hơn 66.000 TS.

Do lượng TS đăng ký các môn chênh lệch lớn nên có những điểm thi có môn thi chỉ một vài TS. Sở này cho biết, đối với những trường hợp này Sở sẽ nghiên cứu để tổ chức thi đảm bảo an toàn, đúng quy chế mà không gây lãng phí.

Môn lịch sử lại vào “danh sách đen”

Môn lịch sử tiếp tục lọt vào “danh sách đen” những môn học ít được TS lựa chọn nhất trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây.

Thống kê của Bộ GDĐT, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chỉ 15,3% học sinh đăng ký dự thi môn lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi. Có rất nhiều trường không có TS nào đăng ký môn sử.

Các trường THPT tại Hà Nội đang hoàn thành nốt khâu cuối trong việc thu nhận hồ sơ của học sinh lớp 12, bà Vũ Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, học sinh chủ yếu chọn môn thi theo khối thi, những em thi khối A chọn môn lý, khối D chọn thêm môn địa, còn môn lịch sử hết học kỳ 1 có một số em chọn nhưng đến khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thì “rơi rớt” hết không còn em nào chọn nữa. Tương tự, Trường THPT Việt Đức cũng chỉ có 18 học sinh chọn môn thi môn này trong tổng số 628 học sinh.

Các trường THPT tại TP.Hồ Chí Minh không khả quan hơn. Trường THPT Hưng Hòa (quận Bình Tân) chỉ có 3/320 học sinh chọn sử; THPT Tân Bình (quận Tân Phú) chỉ có 4 học sinh chọn; THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) có 7/221 học sinh; THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) có 16/338 học sinh chọn môn thi này.

Thống kê từ  Sở GDĐT Nghệ An cho thấy, các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì năm nay có 12.113 TS dự thi tại 26 điểm thi. Điều đặc biệt là trong tổng số 26 điểm thi dự kiến chỉ có 41/12.113 TS chọn thi môn sử. Như vậy, sẽ có tới 16 điểm thi… không có TS nào thi sử.

PGS-TS sử học Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, những con số “thê thảm” về lựa chọn môn thi lịch sử của học sinh phổ thông là hệ quả được báo trước khi ngành giáo dục không có những can thiệp nhằm nâng cao vị trí của môn học này.

Học sinh không chọn lịch sử để thi vì liên quan đến nghề nghiệp sau này của các em. Các ngành thuộc khối khoa học xã hội thường bị đánh giá thấp, cơ hội việc làm ít, thậm chí bị “coi thường” nên ảnh hưởng đến đầu ra của người học. Nếu môn sử được đề cao, lương bổng khá, chắc chắn sẽ có nhiều học sinh lựa chọn.

PGS-TS sử học Nghiêm Đình Vỳ -
nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Sử học là gốc rễ, nhưng đấu tranh mãi môn sử vẫn được Bộ GDĐT “kiên định” để là môn phụ và giờ lại trở thành môn thi tự chọn. Vì vậy, đã khó học, khô khan, lại tự chọn thì chả dại gì thí sinh lại chọn cái khó cho mình.

Nhà giáo Ưu tú  Đào Ngọc Đình
giáo viên sử Trường THPT chuyên Hưng Yên

Cần phải thay đổi cách dạy, chương trình – sách giáo khoa tạo hứng thú cho học sinh đối với môn học này, cũng cần có những đãi ngộ thích hợp đối với giáo viên dạy sử để khích lệ thầy cô tìm tòi giảng dạy.  Ngoài ra, cần đưa môn sử thành môn thi bắt buộc nâng cao ý thức của học sinh.

Thầy Trần Trung Hiếu
giáo viên sử Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem