Kỳ thú theo chân các cần thủ câu cá đục cực ngon ở biển Minh Châu
Kỳ thú theo chân các cần thủ câu cá đục cực ngon ở biển Minh Châu
Thứ tư, ngày 01/07/2020 13:11 PM (GMT+7)
Từ lâu cá đục Minh Châu (Quảng Ninh) đã nổi tiếng là đặc sản, nức tiếng thơm ngon. Nghề câu đục là nghề đầy thú vị, hấp dẫn, đặc biệt với người mới câu nhưng cũng rất hao tốn sức khỏe. Chúng tôi có chuyến trải nghiệm biển để hiểu thêm về nghề câu cá đục và sự vất vả của người dân biển.
Chiều xuống, tôi và bạn đồng nghiệp mới đặt chân tới xã đảo Minh Châu (Vân Đồn). Mặt trời "rơi" trên biển Minh Châu đẹp lạ thường.
Có người nói rằng, đến Minh Châu đầu hè mà không theo chân ngư dân ra khơi câu đục, thứ cá đặc sản tuyệt ngon có tiếng thì coi như chuyến đi không trọn vẹn.
Vì là người “ngoại đạo”, chưa quen cách câu, cảnh sóng nước nên chúng tôi phải nhờ tay câu thiện nghệ dẫn đi.
Qua sự giới thiệu của anh Bùi Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được dẫn tới nhà anh Nguyễn Thanh Đình ở thôn Ninh Hải, xã Minh Châu, một tay câu cá đục cừ khôi.
Đình là dân gốc đảo, hiền lành, chân chất và rất nhiệt tình như tính cách đặc trưng vốn có của người Minh Châu. Đình chừng hơn 30 tuổi, nước da, đôi tay rắn chắc, đen nhẫy vì cháy nắng, bàn tay thô ráp đầy vết sẹo, vết cắt do cước...
Sau bữa tối, chừng 21h, Đình đã giục chúng tôi đi ngủ lấy sức cho chuyến câu sớm.
Chưa 5h sáng, còn ngái ngủ, Đình gọi chúng tôi dậy. Mắt nhắm mắt mở, đã thấy Đình chuẩn bị mồi, đồ câu chỉnh tề.
Ăn nhanh bát mỳ cùng 2 quả trứng, Đình dặn: Các anh ăn hết nhé, đi câu cần chuẩn bị sức khỏe tốt bởi sẽ lênh đênh giữa biển cả ngày với sóng gió và nắng. Đói chắc chỉ uống nước... cầm hơi thôi!” Đình nửa đùa nửa thật, khiến chúng tôi cố ăn hết bát mỳ.
Sáng sớm đầu hè, mới hơn 5h sáng, trời đã sáng trắng, không khí trong lành, mát mẻ, đâu đó tiếng chim sáo hót vọng lại từ rừng trâm. Biển Minh Châu yên bình, từng con sóng lăn tăn vỗ bờ, xa xa là những bãi cát trắng, gió biển thổi mát rượi.
Cuối tháng 4 biển lặng, không khí chộn rộn bắt đầu một mùa câu đục mới. Trên bến, ngư dân đã lên tàu đi biển từ sớm. Nhìn trời, sóng nước, đưa tay “bắt” gió Đình bảo: Hôm nay trời đẹp, gió mát, nước đang đà lên, cá sẽ cắn "rộ" lắm!
Chúng tôi ra khơi trên chiếc mảng nhỏ dài chừng dăm mét, có mui nhỏ, gắn động cơ, có một văng nhỏ bằng cao su có lỗ phía đáy thông với biển để giữ cho cá tươi. Mảng nổ tành tạch thẳng hướng vụng qua bãi Minh Châu cách Cửa Đối và vụng Đầu Cào chừng 3-4km.
Từ vụng nhìn vào, xã đảo Minh Châu xanh rì rừng trâm, điểm xuyết bởi những ghềnh đá và bãi cát trắng vòng cung tuyệt đẹp. "Dân câu Minh Châu chọn khu vực vụng kín gió kẹp giữa bãi Minh Châu và Cửa Đối bởi nơi đây có nhiều rạn đá, cồn cát trắng, nước trong vắt hàng mét tận đáy. Không chỉ sạch, đây là thiên đường ưa thích của cá đục, nơi cá vào kiếm ăn, đẻ trứng.
Thiên nhiên ưu đãi Minh Châu, vì thế cá đục Minh Châu trắng, nạc và ngọt thịt có tiếng. Từ lâu, câu đục trở thành nghề truyền thống ở xã đảo này" - Đình chia sẻ.
Mất chừng 30 phút thì tới điểm câu. Đình tắt máy dừng mảng giữa biển, ngang bãi cát trắng, ngó ngang dọc chừng như định vị bãi đục. Trời nhiều mây, râm mát như chiều lòng người. Để thuyền trôi tự do, chúng tôi quyết định thả câu.
Vừa thoăn thoắt buộc câu, Đình vừa kể: Không phải thức khuya, sớm như câu mực, nhưng câu đục cũng lắm công phu tìm bãi, chờ con nước, mát nước mới dễ câu. Công phu nhất có lẽ là chuẩn bị mồi câu.
Mồi câu đục là trùng sống dưới cát, được dân đảo gọi là rươi biển, hệt con rươi nước ngọt nhưng đỏ tươi, to gấp đôi rươi thường và rất khó đào. Để chuẩn bị cho chuyến câu sáng, em phải đi đào mồi từ chiều tối qua khi mặt trời ngả bóng.
Câu đục có thể dùng nhiều loại mồi nhưng đây là loại mồi chúng ưa thích nhất. Để đào được rươi biển cũng khó ngang... đào mồi. Phải lựa trời râm mát vào sáng sớm hoặc chiều muộn, hết nắng, chọn vùng cát sùi lên hình hoa để đào.
Rươi sau đó được để mát, thay nước liên tục để giữ sống. Rươi biển hiện nhiều nơi thu mua với giá 500 nghìn đồng/kg. Chọn mồi cần lựa 2 loại rươi: Rươi đỏ, bở và rươi phớt hồng, rai mồi.
Đồ nghề câu cá đục không quá phức tạp, câu lưỡi chùm từ 2-3 lưỡi, gắn chì. Khác với cần câu thường có, câu đục không cần phao hay cần. Với dân biển “sành” câu, Đình chỉ cần một cuộn cước dài gắn chì, lưỡi câu, để tiện quăng bao xa tùy thích. “Phao” báo hiệu cá cắn là sợi cước vòng qua đầu ngón tay trỏ để cảm nhận động do cá cắn.
Đội nắng, mỏi lưng... săn đặc sản
Đình thả cùng lúc 2 tay câu. Chúng tôi cũng háo hức mắc mồi nhưng liên tục câu trượt. “Mồi câu đục cần cắt tầm dài hơn lưỡi câu chút, không xiên suốt chiều dài lưỡi mà cuốn thành 2 - 3 vòng quanh lưỡi để chắc và bền mồi.
Anh mắc mồi như vậy, ra đây chỉ cho... cá ăn thôi”, Đình cười bảo: "Câu đục cũng cần bí quyết nghề riêng. Thường trong lưỡi chùm cần mắc một mồi rươi đỏ đục ưa thích, lưỡi còn lại mắc rươi hồng, bền mồi... Đục ham ăn, cắn mạnh, để cho chúng cắn lôi mồi rồi giật là được!”.
Chừng 30 phút sau quen cách câu, chúng tôi bắt đầu giật được những chú cá đục đầu tiên. Thuyền trôi nhẹ, gió biển dịu, trời mát khiến chúng tôi càng say câu. Cá đục vốn ham ăn, lao vào cướp mồi, lôi mạnh...
Quả thật cảm giác kéo được con đục to, nặng lên bờ thật vui, "đã tay". Có những cần câu, đục ham ăn "đóng" 2 - 3 lưỡi liền lúc khiến chúng tôi thật phấn khích, giật liên tục.
9h mặt trời ló mây, lên cao, chúng tôi đã câu được lưng văng. Nắng bắt đầu to, gió mạnh. Nhìn quanh vụng biển chỉ có 10 thuyền câu to nhỏ, Đình giải thích: "Đã thành quy củ, thời điểm này là mùa câu đục, người địa phương không ai được thả lưới ở đây.
Ở đây chỉ có thuyền câu. Vụng này nhiều cá, thoáng, trở thành điểm tập trung nhiều thuyền câu ở địa phương và cả nơi khác tới".
Lúc này, gió mạnh nước lên, cá vào vụng nhiều và to hơn. Câu đục không quá khó, nhưng quả thật khá tốn sức. Mải mê câu lúc này chúng tôi mới cảm thấy mỏi nhừ toàn thân do ngồi bất động lâu. Lưng mỏi, tay dính đầy nhớt, tanh nồng mùi cá, mồi câu thậm chí còn dớm máu. Số là ngoài đục chúng tôi câu được cá ót và cá ngạnh dớt, một loài cá nhỏ họ trai.
"Các anh phải để ý, không được gỡ cá ngạnh như đục được. Phải dùng chân dẫm lên, tránh gai rồi mới gỡ". Lời cảnh báo của Đình chưa dứt thì tôi đã bị chích vào tay đau điếng, rớm máu. Ngạnh dớt vốn có 2 chiếc gai rất nhọn sắc ở phần đầu thường dựng lên tự vệ khi bị bắt...
Mặt trời lên cao, nóng rát. Chiếc mảng nhỏ giữa biển rộng dường như bị bao vây bởi cái nắng rát đầu hè. Nắng nóng trên biển kèm hơi muối như nóng, khó chịu hơn.
Dù "vũ trang" kín mít bằng áo chống nắng, mũ nón nhưng tôi và anh bạn đồng nghiệp vẫn thấy rát, cháy nắng đen cả mặt, tay chân... Thấy chúng tôi không quen, thấm mệt, Đình quyết định thu câu, nổ máy vào bờ.
Khẽ cựa mình tôi mới thấy lưng mỏi nhừ, như muốn gẫy, không thể đứng thẳng sau vài phút khởi động. Có lẽ do quá say câu.
"Cần phải sắm cho anh chiếc ghế tựa thôi", Đình đùa và giải thích thêm: "Thời gian đầu mới câu em cũng đau, mỏi nhừ lưng có khi mấy hôm còn đau, không đứng thẳng được. Nhưng dần dà cũng quen, say cá cắn rộ cũng quên luôn. Mỏi lưng là bệnh quen thuộc của nhiều tay câu nói chung và người câu đục nói riêng mà".
Thành quả của chuyến câu nửa buổi của chúng tôi là khoảng hơn 5kg cá đục tươi rói, nhiều con to còn bơi sống trong văng.
Chúng tôi thu đồ đạc trên mảng, Đình nổ máy cầm lái quay về bờ, vừa lái vừa kể: Thường chúng em đi câu từ sáng sớm tới chiều mới kết thúc một chuyến câu. Bởi về chiều con nước lên, cá vào kiếm ăn, nhiều đục rất to. Đói thì nấu mì cá ăn tại chỗ, mệt thì nghỉ trên mảng. Có hôm trúng quả, vào đàn cá có thể thu về 15kg cá đục to, bán có thể thu về trên triệu bạc...".
Về bến, xách xô cá, ai cũng vui. Quả thật câu đục có thể cho thu nhập khá nhưng vất vả, cần sức khỏe tốt. Buổi câu này tiếp nối buổi kia không phải ai cũng chịu được. Nên đa phần tay câu là đàn ông.
Theo ông Bùi Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu thì hiện toàn xã Minh Châu có trên chục hộ với 15 - 16 phương tiện, công suất 15 - 20 CV đi câu đục. Đục có thể câu quanh năm sản lượng trung bình của xã khoảng 20 tấn/năm, nhưng chủ yếu tập trung vào vụ câu hè và dịp cuối năm.
Cá đục Minh Châu vốn nổi tiếng ngon, nên trước cá đục bán dễ và rất được giá. Nay do dịch bệnh nhu cầu thu mua cũng giảm, giá rớt thấp. Tuy khó khăn đầu ra, nhưng nhiều ngư dân mang về chế biến, phơi khô thành đục một nắng bán rất được giá hoặc thu gom lại bán cho các cơ sở chế biến sản phẩm OCOP có tiếng. Trong xã, cũng có nhiều hộ thu mua về chế biến, đóng gói bán cho du khách.
Bữa trưa hôm đó, chúng tôi được thưởng thức bữa ăn thịnh soạn đủ món cá đục rán, nấu canh. Đình chọn những con đục to, ngon nhất đãi chúng tôi nhâm nhi với rượu trâm.
Ra về chúng tôi còn được Đình biếu một túi cá đục một nắng - đặc sản làm quà. Trải nghiệm thú vị với nghề câu đục của bà con ngư dân, chúng tôi thêm thấm nỗi vất vả nhọc nhằn của nghề biển, hiểu và quý tình cảm, sự chân thành chân chất của người dân vùng biển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.