Theo báo cáo của Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia), trong 6 tháng đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 900.000 tấn gạo thành phẩm sang Việt Nam. Số lượng lúa xuất khẩu này đạt trị giá hơn 336 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ nhập khẩu lúa từ Campuchia, Việt Nam còn nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Trong năm 2021, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn.
Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước), chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630).
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu,...
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng nêu rõ, việc xuất hiện tình trạng nhập khẩu gạo trong bối cảnh giá lương thực tăng cao và gạo Việt Nam xuất khẩu chuyển hướng tập trung sang phân khúc gạo cao cấp hơn là một trong những lý do dẫn đến việc cần thiết phải sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng một vài năm trở lại đây Việt Nam cũng nhập một lượng lớn gạo, thóc từ Ấn Độ, Campuchia. Ảnh: T.L
Theo lý giải của Bộ Công Thương, Việt Nam là nước nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa gạo, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu. Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 – 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu gạo.
Do vậy, khi xây dựng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 107/2018/NĐ-CP bảo đảm phù hợp với thực tế tại thời điểm xây dựng nghị định.
Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, v.v. và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.
Việc xuất khẩu, nhập khẩu gạo trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.
"Việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực", Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương cho rằng, việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với việc tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước như sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh,... tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.
"Do vậy, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ", báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.