Người lính ở Đại đoàn Quân Tiên phong tiếp quản Thủ đô: "Không thể quên được thời khắc hào hùng năm ấy"

Nguyễn Hoà - Tất Định Thứ tư, ngày 09/10/2024 14:29 PM (GMT+7)
Đi giữa hàng vạn nhân dân Thủ đô với cờ, hoa rực rỡ chào đón, Đại đoàn Quân Tiên phong (Đại đoàn 308) tiến vào tiếp quản Hà Nội. Đó là khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bình luận 0

"Chúng tôi - những người nông dân ở nông thôn đã được giác ngộ cách mạng"

Cách đây 70 năm, vào những ngày tháng 10 lịch sử, cả Hà Nội ngập tràn niềm vui giải phóng. Ngày 9/10/1954, sau lễ hạ cờ Pháp, đúng 16 giờ, những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Nội, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, sẵn sàng cho lễ tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

Là một trong những người lính Bộ đội Cụ Hồ có mặt ở thời khắc lịch sử đó, ông Nguyễn Ngọc Ky (SN 1936, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội, thanh niên xung phong chống Pháp từ năm năm 1953) bồi hồi, đến bây giờ ông vẫn không thể quên được cảm giác hạnh phúc, hào hùng và vô cùng thiêng liêng đó.

Tháng 1/1954, ông nhập ngũ vào Đại đoàn 308, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 10/10/1954, ông có trong thành phần Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô do Tướng Vương Thừa Vũ làm Đại đoàn trưởng. Ông Ky sau này làm Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 36, Sư đoàn 308.

"Không thể quên được cảm giác hạnh phúc, hào hùng năm ấy" - Ảnh 1.

Các đơn vị quân đội tiến về Hà Nội, tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu/Nhân dân

Năm nay ông Nguyễn Ngọc Ky 88 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng người lính của Đại đoàn 308 rất mẫn tiệp. Tất cả những ký ức hào hùng về ngày ông cùng Đại đoàn 308 tiếp quản Thủ đô năm 1954 cứ tuần tự, tuần tự trở về trong tâm trí như những thước phim được lưu sẵn.

Người cựu chiến binh năm xưa chia sẻ, năm 1953, ông đi thanh niên xung phong. Khi ấy ông 17 tuổi, ông khát khao được cống hiến, được góp phần sức lực của mình bảo vệ Tổ quốc. Lúc này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Tham gia thanh niên xung phong, ông hành quân lên Việt Bắc rồi từ Việt Bắc, ông cùng đơn vị hành quân đến Tây Bắc để làm đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ.

Thời gian này, ông tham gia Đại đoàn 308, và theo những gì ông Nguyễn Ngọc Ky chia sẻ, ông rất may mắn khi được dẫn dắt bởi các tướng lĩnh tài ba và tất cả mọi người lúc đó, ai ai cũng đồng sức, đồng lòng, cùng chung một niềm tin chiến thắng.

"Không thể quên được cảm giác hạnh phúc, hào hùng năm ấy" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Ky (bên phải) cùng đồng đội của Đại đoàn 308 hành quân về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu

Ở Trung đoàn 36 của mình, ông Ky cho biết, ông Phạm Hồng Sơn (sau là Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, nay là Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) làm Trung đoàn trưởng; ông Phạm Hùng Cư (sau là nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam) là Chính ủy.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ky, dưới sự dẫn dắt tài ba của các vị chỉ huy từ Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng đến các cấp cao hơn, các chiến sỹ một lòng, một dạ tin tưởng và "chúng tôi - những người nông dân ở nông thôn đã được giác ngộ cách mạng, yêu nước".

Nhớ lại thời khắc lịch sử ông cùng đơn vị tiến về tiếp quản Thủ đô, theo ông Ky, dù thời khắc đó đã cách đây 70 năm nhưng ông có thể tái hiện lại từng hành động, từng cử chỉ.

Theo đó, đơn vị ông hành quân bằng đường bộ khi về tiếp quản Thủ đô. Đến ngày 9/10, đoàn quân đó đã tập kết ở Đông Dương học xá. Sáng ngày 10/10 bắt đầu hành quân từ phố Bạch Mai qua Ô Cầu Dền vào Phố Huế, qua Hàng Bài rồi qua hồ Hoàn Kiếm và đi vòng quanh hồ, đi sang phố Quang Trung đến Trần Hưng Đạo, tiến về khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô)".

"Cảm xúc lúc đó thật khó tả. Chúng tôi tiến về Hà Nội trong sự hân hoan chào đón của nhân dân. Hai bên đường hàng vạn bà con đã đứng từ lúc nào với cờ, hoa rực rỡ. Có người kéo đàn Accordion, có người đánh guitar, những người mẹ, các em nhỏ và bà con chạy ôm chầm lấy chúng tôi, tặng bộ đội những bó hoa tươi" – người cựu chiến binh Đại đoàn 308 bồi hồi.

Theo ông Ky, ông được người dân tặng một bó hoa thược dược với đủ màu sắc. Khoảnh khắc người dân ông chầm lấy ông tặng hoa khiến ông đi chậm lại vài bước vì xúc động.

Trong ngày 10/10, sau khi tiến vào Thủ đô, đến 3 giờ chiều, cả đơn vị ông Ky tập trung ở sân vận động Cột cờ Hà Nội để chào cờ. Giây phút lá cờ Quốc kỳ thiêng liêng được kéo lên đỉnh Cột cờ Hà Nội cũng là lời tuyên bố đanh thép với thế giới, rằng Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn được giải phóng.

Sau lễ tiếp quản Thủ đô, đơn vị của ông Ky chia thành nhiều đoàn để giúp đỡ nhân dân; vận động, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong những ngày Hà Nội vừa giải phóng, đồng thời bắt tay cùng xây dựng, dọn dẹp thành phố.

"Không thể quên được cảm giác hạnh phúc, hào hùng năm ấy" - Ảnh 3.

Bức ảnh kỷ niệm giữa ông Nguyễn Ngọc Ky và người bạn cùng Trung đoàn trong ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhớ về một kỷ niệm với người bạn cùng Trung đoàn tên là Hồng Vân, ông Ky nét mặt hơi buồn vì người bạn này đã mất từ lâu. Ông Ky có một bức ảnh chụp chung với ông Hồng Vân đúng vào ngày 10/10/1954, và theo người lính Đại đoàn 308, hoàn cảnh ra đời bức ảnh cũng thật đặc biệt.

Ông được một người quen nhận ra trong đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, sau đó người này đã chụp bức ảnh giữa ông và ông Hồng Vân để kỷ niệm thời khắc lịch sử. Tác giả bức ảnh sau đó đã đi tìm ông Ky để trao đến ông bức ảnh lịch sử, ý nghĩa đó.

"Ông ấy hẹn tôi khi Thủ đô giải phóng sẽ gả em gái ông ấy cho tôi. Lúc đó tôi 18 tuổi, em ông Vân mới 10 tuổi. Rồi sau đó, chúng tôi chuyển nhà ở chỗ khác, có thời gian chẳng liên lạc với nhau vì không có điện thoại như bây giờ" – ông Ky nhớ lại một kỷ niệm với ông Hồng Vân.

Sau ngày 10/10, khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị của ông Ky rút ra khỏi Thủ đô để nhường cho các đơn vị khác làm nhiệm vụ.

Anh thanh niên khai tăng tuổi vì sốt sắng được tham gia cách mạng

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Phú Vỵ (trú tại phường Ngọc Thụy, cán bộ lão thành cách mạng, thương binh 4/4, từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, 395, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 3) năm nay 102 tuổi.

Nghe có người đến thăm, dù tuổi đã cao nhưng vị cán bộ lão thành cách mạng vẫn rất nhanh nhẹn ra đón khách. Vợ chồng đại tá Nguyễn Phú Vỵ hiện đang sống tại một ngôi nhà nhỏ ở quận Long Biên cùng gia đình con gái.

Sinh năm 1924, tuy nhiên vì sốt sắng được tham gia cách mạng nên đại tá Nguyễn Phú Vỵ đã tự khai tăng lên hai tuổi. Trước năm 1944, ông là thanh niên cứu quốc hoạt động Việt Minh tại làng Phúc Xá.

"Không thể quên được cảm giác hạnh phúc, hào hùng năm ấy" - Ảnh 4.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Phú Vỵ (bên phải) chụp ảnh cùng các đồng đội. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tháng 1/1945, ông tham gia đội tự vệ chiến đấu bí mật tại Hà Nội, bị thương trong chiến dịch Hà Nam Ninh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1956 (đợt 1) vì có thành tích chiến đấu trong chiến dịch đường số 5 tỉnh Hải Dương và chiến dịch Hà Nam Ninh, tham gia trận đánh Nhà Dầu - Khâm Thiên, Mặt trận Liên khu I - Hà Nội.

Nhớ lại những ký ức về thời gian hoạt động cách mạng, 15 tuổi, thiếu niên Nguyễn Phú Vỵ đã xin vào làm công nhân ở Nhà máy điện Yên Phụ. Chứng kiến cảnh đồng bào bị ức hiếp, đánh đập, trong lòng người thiếu niên này đã ngầm dậy lên sự phản kháng.

Không lâu sau đó, chàng thanh niên Nguyễn Phú Vỵ với sự nhiệt huyết, lòng yêu nước và tình cảm sâu đậm với cách mạng đã trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc, tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận Việt Minh từ năm 1943.

Trong câu chuyện với chúng tôi, dù đã ít nhiều quên đi một số sự kiện, tuy nhiên với những ký ức, những khoảnh khắc lịch sử hào hùng khi tham gia cách mạng, đại tá Nguyễn Phú Vỵ như "nhớ nằm lòng".

Theo vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân này, ngay từ thời trẻ ông đã tham gia rải truyền đơn, treo áp phích tranh cổ động, tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi lần làm nhiệm vụ trên đường, khi bị dò hỏi, với tài ứng biến, ông vờ như đang đi chơi, đi thăm người thân và dễ dàng vượt qua sự kiểm soát.

Khi cả dân tộc vùng lên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945, anh thanh niên Nguyễn Phú Vỵ cũng đứng trong hàng ngũ những công nhân đi đầu phong trào yêu nước.

"Không thể quên được cảm giác hạnh phúc, hào hùng năm ấy" - Ảnh 5.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Phú Vỵ khi đến thăm ông vào năm 2024. Ảnh: NVCC

Nguyễn Phú Vỵ cùng các anh em công nhân khác đã vùng lên, tiếp quản Nhà máy điện Yên Phụ và trại lính bảo an. Kho giấy của Pháp được giao lại cho chính quyền cách mạng, ông Vỵ được tổ chức giao nhiệm vụ bảo quản kho giấy đó một thời gian dài dưới chân núi Sài Sơn, vùng Quốc Oai (Hà Tây cũ).

Đi theo Mặt trận Việt Minh, lòng yêu nước càng ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm thức của chàng trai Nguyễn Phú Vỵ. Ông còn nhớ ngày xin phép bố mẹ cho nhập ngũ, mẹ không nói gì mà chỉ khóc, cha đồng ý cho đi và dặn dò phải biết xả thân vì đất nước, phải không ngừng cố gắng.

Hà Nội những năm 1946, khắp nơi đều sục sôi không khí cách mạng. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Vỵ nhập ngũ và mải miết với các trận đánh từ Bùi Chu Phát Diệm (Ninh Bình) đến Tiền Hải, Vũ Thư (Thái Bình) rồi lại đánh ngược lên Dốc Cun (Hòa Bình), Sơn La...

Ông đã tham gia 30 trận đánh, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên quyết xung phong tiêu diệt địch, đã cùng trung đội diệt 500 tên địch, thu và phá hủy nhiều xe pháo của kẻ thù (riêng đồng chí đã diệt 60 tên, bắt sống 5 tên, thu 10 súng các loại).

Ở trận Trung Thứ (Hà Nam) năm 1951, ông dẫn đầu trung đội băng qua lửa đạn, diệt ngay sở chỉ huy, bắn chết tên quan ba, bắt sống tên chỉ huy, diệt gọn một trung đội địch.

Ở trận tiến công địch tại thị trấn Phát Diệm năm 1952, ông chỉ huy đơn vị bí mật tiếp cận, vượt rào đánh vào sở chỉ huy và khu điện, đài của địch, nhanh chóng chiếm giữ trận địa, mở rộng bàn đạp cho toàn trung đoàn diệt gọn bảy đại đội địch.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Vỵ được giao nhiệm vụ tuyển và huấn luyện quân để liên tục bổ sung cho chiến trường miền Nam. Khi đơn vị được rút ra Bắc để củng cố, bổ sung quân chuẩn bị chia lửa cho chiến trường Tây Nguyên, ông bị thương.

Ông ra Bắc chữa trị, đây là thời gian ông được tham gia khóa đào tạo về đường lối quân sự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đứng lớp. Sau này ông Vụ được phân công về nhận nhiệm vụ tại Trường Quân chính Quân khu 3…

Đại tá Nguyễn Phú Vỵ đã 3 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba, 17 lần được Trung đoàn và Đại đoàn khen thưởng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/8/1955.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem