Người xưa có câu “một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài”, để thấy rằng đây là nơi có điều kiện sống khắc nghiệt và nguy hiểm đến mức nào. Nhưng cũng có người kể lại rằng các “ông lớn” khi vào tù vẫn cứ “sướng như tiên”. Vậy sự thực điều gì đã và đang diễn ra đằng sau những chấn song sắt nhà tù? Loạt bài “Cuộc sống trong tù của những tên tội phạm khét tiếng” sẽ phần nào trả lời câu hỏi này.
|
Mohamedou Ould Slahi được thả tự do sau 14 năm bị giam cầm
Tội ác “trên trời rơi xuống”
Mohamedou Ould Slahi sinh năm 1970 ở Rosso, Mauritania – một quốc gia thuộc Tây Phi và là một tín đồ Hồi giáo. Slahi bị bắt vào năm 2002 vì cáo buộc là một trong những nhân vật chủ chốt tham gia chiêu mộ và huấn luyện các phần tử khủng bố trong sự kiện 11/9. Ngoài ra, các nhà chức trách Mỹ cũng cho rằng Slahi là thành viên của tổ chức cực đoan Al Qaeda sau vụ đánh bom vào sân bay quốc tế Los Angeles tháng 1/2000.
Slahi thừa nhận từng tuyên thệ trung thành với Al Qaeda trong những năm 1990 với mục đích chống lại chính quyền Afghanistan và tham gia vài âm mưu khủng bố riêng lẻ, như vụ đánh bom tháp CNN ở Toronto - chi nhánh mạng truyền hình cáp Mỹ ở Canada Nhưng sau đó, người tù này đã rời khỏi nhóm vào năm 1992.
Tuy vậy, tháng 8/2002, sau các cuộc thẩm vấn ở Mauritania, Jordan và Afghanistan, quân đội Mỹ chuyển Slahi đến nhà tù Guantanamo ở Cuba.
Sống không bằng chết
Nhà tù Guantanamo, nơi diễn ra những màn tra tấn kinh hoàng mà Slahi phải chịu đựng
Kể từ khi bị biệt giam tại Cuba, dư luận cũng quên dần người đàn ông này và không mấy quan tâm đến cuộc sống trong tù của anh. Cho đến khi Slahi ra mắt tự truyện “Nhật ký tù Guantanamo” ghi lại những câu chuyện trong suốt 13 năm bị giam cầm, lúc đó người ta mới biết những điều khủng khiếp, cay đắng mà Slahi từng phải trải qua.
Nhà tù Guantanamo của Mỹ trên đất Cuba khét tiếng bởi hệ thống kiểm soát an ninh nghiêm ngặt và các hình thức tra tấn đáng sợ. Đây là nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố nguy hiểm.
Slahi cho biết tại đây, mình bị đối xử rất tàn bạo, luôn bị ám ảnh bởi những buổi thẩm tra dài hàng giờ đồng hồ và mất ngủ triền miên. Anh bị giam cầm hàng giờ trong phòng lạnh và thường xuyên đánh đập không thương tiếc.
"Tôi thường xuyên phải sống trong sự khiếp sợ. Tôi bị tước đoạt giấc ngủ suốt 70 ngày, bị tra tấn 24 giờ một ngày. Họ trói, bịt mắt và bắt tôi đứng trong thời gian dài”, Slahi viết về thời gian bị tra tấn ở Guantanamo.
Người đàn ông này cũng phải hứng chịu đủ mọi kỹ thuật tra tấn khủng khiếp nhất mà người ta có thể nghĩ ra như: rọi đen vào mắt, bị bầy chó đe dọa, phải sủa và thực hiện những hành động của con chó, thậm chí còn không được uống nước.
Một lần khác, Slahi bị đưa ra biển và buộc phải uống nước muối, ngâm mình trong nước đá. “Lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi những trận tra tấn và lạm dụng”.
Kinh hoàng hơn, người tù nhân này còn bị các nữ thẩm vấn dùng mọi chiêu trò lạm dụng tình dục. Họ nói với Slahi rằng nếu hợp tác, họ sẽ không tra tấn anh này còn không, các hình phạt sẽ ngày một gia tăng.
“Việc lạm dụng tình dục trong nhà tù Guantanamo là một phần trong kỹ thuật thẩm vấn tăng cường nhằm khai thác thông tin từ các tù nhân”, ông Nancy Hollander, luật sư của Slahi, cho biết. “Biện pháp này khiến họ tổn thương tâm lý trầm trọng”.
“Tôi luôn hoảng sợ mỗi khi nghe thấy âm thanh từ những người gác tù. Họ gọi tôi bằng cách hét lớn trước cửa ngục. Tim tôi như muốn vỡ tung vì tưởng tượng đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, Slahi viết về những nỗi khiếp đảm mà anh từng trải qua khi bị giam ở Guantanamo. “Có nhiều khi mặc dù rất đói nhưng tôi không thể nuốt nổi. Sự trầm uất và sợ hãi xâm lấn mọi lúc mọi nơi”.
Năm 2010, sau quá trình đấu tranh không mệt mỏi, thẩm phán Tòa án Liên bang James Robertson tuyên bố thiếu chứng cứ cho thấy Slahi liên quan đến các âm mưu tấn công khủng bố của Al-Qaeda, nhưng anh này vẫn tiếp tục bị giam giữ ở Guantanamo.
Ngày 16/10/2016, Slahi mới chính thức được thả tự do sau 14 năm bị tra tấn nghiêm trọng tại nhà tù khét tiếng tàn bạo Guantanamo và đã trở về quê nhà tại Mauritania, khép lại chuỗi ngày “sống không bằng chết”.
-----------
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo của loạt bài Cuộc sống trong tù của những tên tội phạm khét tiếng vào 4h ngày 15/7/2017.
Có máy chơi game, thậm chí cả giáo viên dạy học, không ít người tin rằng đây là cuộc sống trong tù của một tên sát nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.