Những đôi chân mảnh mai...
Chuyện được các chị nhắc nhiều nhất vẫn là những ngày làm lính nuôi quân phục vụ hàng ngàn học viên. Trường 16 lần chuyển quân, hàng chục lần bị địch càn quét, bao vây, bom đạn tứ bề. Lương thực thực phẩm khô kiệt, bước ra khỏi hầm chữ A là như “thần chết” đến gần. Vậy mà những đôi chân mảnh mai đã dũng cảm lên đường, băng rừng vượt suối, vượt qua cả sự truy kích của địch để xuống đồng bằng cõng gạo, muối.
|
Các học viên Trường Quân sự Quân khu 5 trên thao trường luyện tập. |
Có chị đội gạo ngất nghểu chẳng thấy đầu. Có chị vào rừng lấy rau, trúng chông của giặc, tự xé áo cột vết thương, tiếp tục hái được rau mới về đơn vị. Củ khoai bị chất độc hoá học làm cho thối rữa, chỉ còn một cái lõi cứng ở trong, vậy mà các chị lặng lẽ xuống suối rửa sạch để ăn, nhường cơm cho học viên. Nhiều chị hiện nay đã bị ung thư, di chứng sang cả con, có chị phải xin con nuôi, không còn thiên chức làm mẹ.
Chị Trương Thị Loan ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi kể: “Hồi đó đi lấy gạo, mọi người chỉ chúc “Cố lấy được gạo nghe” chứ không ai dám bảo “đi rồi về”, bởi cái chết luôn cận kề trong gang tấc. Có lần tôi cùng đoàn 7 người vừa hành quân xuống Cầu Dây thì gặp biệt kích, cả đoàn bị thương và hy sinh gần hết. Tôi lăn xuống suối nên thoát nạn, bò vào hang đá trú từ 3 giờ chiều đến 9 giờ sáng hôm sau, khi không còn động tĩnh bên ngoài mới mon men bò ra”.
Ở tỉnh Quảng Ngãi có 19 chị ra Đà Nẵng gặp mặt, còn ở Bình Định con số này là 25. Có nhiều chị ở Đăk Lăk, Vũng Tàu cũng về hội ngộ. Chị Huỳnh Thị Thu Thể đọc vanh vách tên những người bạn chiến trường mà đặc điểm mỗi người đã được ghép thành bài vè: “Ăn ớt chị Thanh. Chị Anh đãi gạo. Nước mắm cô Ngàn. Xì dầu cô Thoa. Ăn vào thắm thịt đỏ da. Đi gần nhớ ít, đi xa nhớ nhiều…”. Những cái tên chị đọc, có người còn, người đã vĩnh viễn nằm xuống nhưng dường như họ vẫn hiển hiện quanh đồng đội trong phút giây sum vầy.
Bản lĩnh nữ quân nhân
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mẫn kể về chuyến đi lấy gạo gặp giặc ở hang đá Hùng Nghĩa (Đức Phổ, Quảng Ngãi) khiến mọi người không khỏi khâm phục bản lĩnh và lòng dũng cảm của nữ quân nhân thời chiến. “Lần đó chúng tôi vừa mới hành quân đến Phổ Phong thì bị hai tiểu đoàn Mỹ bao vây. Cả đoàn trú vào hang đá. Bọn chúng tiếp tục lùng sục. Một thằng Mỹ da đen phát hiện tôi trong ngách hang, mặt giáp mặt, nó hù doạ bằng tiếng Việt: “Không ra, cắt cổ”.
Lợi dụng cái thân hình to cao của nó loay hoay tìm đường vào hang, tôi chạy vụt ra với ý nghĩ thà hy sinh chứ không để bị bắt sống. Vậy mà nhờ chạy theo hình chữ chi tôi không dính đạn dù chúng bắn như mưa”.
Do đau yếu, bệnh tật nên chỉ có 59/77 chị có mặt. Đơn vị đã liên lạc, hợp đồng xe với Bộ CHQS các tỉnh để đưa đón các chị chu đáo, tặng mỗi suất quà một tấm chăn đắp, chiếc áo và 500.000 đồng; riêng 11 chị khó khăn nhất được tặng 1 triệu đồng.
Thượng tá CN Phan Thị Lý - Chủ tịch Hội Phụ nữ Trường Quân sự Quân khu 5Chị Nguyễn Thị Minh Công, tâm sự với giọng chân chất và hân hoan: “Chỉ với củ sắn thôi mà chúng tôi chế biến thành nhiều món: Sắn luộc, sắn nạo để hấp, sắn mài- lọc để tráng bánh, còn có cả bánh ngồi, bánh đứng, bánh nằm nữa. Đặc biệt, món bánh chưng sắn hấp dẫn chẳng khác gì bánh nếp. Nhờ thế mà trong điều kiện ác liệt, chúng tôi vẫn thực hiện được mục tiêu “Đảm bảo ăn ngon, đảm bảo tiêu chuẩn”.
Thiếu tướng Nguyễn Hải - nguyên Chính uỷ nhà trường có mặt trong đêm giao lưu trùng giọng: “Mình đàn ông còn thấy chiến trường quá khốc liệt, huống chi mấy em thủa ấy mới mười tám đôi mươi. Vậy mà chính các em dẻo dai hơn chúng tôi. Họ đã đi qua chiến tranh bằng sức mạnh tiềm tàng của phụ nữ”.
Trong tiếng cười hạnh phúc hôm nay có cả những giọt nước mắt bùi ngùi khi nhớ lại những chuyện cũ, những đồng đội vĩnh viễn không trở về. Nhưng với các chị, họ chưa bao giờ bị lãng quên.
Lê Thị Hồng Vân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.