Trao đổi với chúng tôi tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ Đình Thôn, ông Vũ Hiền (nguyên cán bộ Xưởng in 15) hồi tưởng lại không khí sôi nổi của những ngày tháng tham gia hoạt động lao động xã hội chủ nghĩa gần 40 năm về trước.
Ông Hiền kể: Từ Cổ Nhuế, gia đình tôi chuyển về khu tập thể Xí nghiệp in 15 (hay còn gọi là X15), trong khu Thành Công từ năm 1980. Sau đó mấy năm, khoảng từ năm 1982 đến 1983, lứa chúng tôi tham gia các hoạt động lao động công ích xã hội chủ nghĩa vô cùng hào hứng, nhiệt tình, trong đó có việc tham gia đào các hồ, sông ở Thủ đô.
"Đã là công ích thì đương nhiên chẳng có công xá gì, thậm chí phải tự túc cả phương tiện lao động thủ công như cuốc, thuổng, mai, quang gánh xúc đất... Nhưng ai cũng vui như đi hội" – ông Hiền bồi hồi nhớ lại.
Ông Vũ Hiền đang trầm ngâm nhớ lại một thời sôi nổi gắn liền với những ngày lao động công ích đào hồ Thành Công gần 40 năm trước. (Ảnh: Nguyễn Cảnh)
"Vậy mà buồn cười đáo để. Việc đào hồ có đủ các đối tượng tham gia, đủ các đơn vị, ban ngành khác nhau. Khu vực nào được giao cho đơn vị, cơ quan đông đàn ông thì hồ chỗ đó sâu hoắm. Ngược lại, có chỗ chỉ nông chưa đầy một mét vì cơ quan được giao khu vực đó toàn chị em", người đàn ông 76 tuổi không giấu được niềm vui khi một góc ký ức thời trẻ lại ùa về.
Tiếp tục dòng hồi tưởng, ông Hiền nhớ lại hồ Thành Công còn là nơi lưu giữ kỷ niệm gắn liền với con trai ông. "Hồi đó, sau mỗi buổi lao động đào hồ, tôi lại lấy đất sét dưới lòng hồ về để nặn đủ loại con vật cho hai con, lúc đó còn bé tí, bị nhốt ở nhà. Khi hồ hoàn thành, đây lại là nơi tôi dẫn con trai ra tập bơi. Lòng hồ Thành Công lúc đó nhiều chỗ nông sâu khác nhau, khá nguy hiểm với những người mới tập bơi. Nhưng vì là người trực tiếp đào hồ nên tôi biết chỗ nào an toàn. Đoạn giáp nhà hát Âu Cơ là sâu nhất, nguy hiểm nhất..." – ông Hiền chia sẻ.
Gần 40 năm sống gắn bó với khu tập thể Thành Công, sáng sáng đi bộ tập thể dục 2 vòng quanh hồ Thành Công, ông Hiền như thuộc từng góc cây, viên sỏi nơi đây. Chuyển về nơi ở mới từ năm 2007, nhưng vợ chồng ông vẫn thường xuyên về lại khu tập thể cũ ở Thành Công để gặp gỡ, trò chuyện với những người hàng xóm cũng là những đồng nghiệp cũ. Nhưng trên hết, vợ chồng ông được đắm mình vào không gian trong lành, thoáng đãng của hồ.
"Nhiều người bạn tôi đều tấm tắc khen Hồ Thành Công là một trong những hồ đẹp và xanh nhất còn lại của Thủ đô. Vì họ thấy, chẳng nơi đâu có quang cảnh đẹp, cây xanh mặt nước đủ đầy như ở hồ Thành Công. Lại thêm việc quy hoạch khép kín công viên - hồ nước, tách biệt hẳn với nhịp sống hối hả bên ngoài nên người dân sống quanh hồ Thành Công là những người được hưởng lợi nhiều nhất", ông Hiền chia sẻ.
Rồi ông lại trầm ngâm suy tư: Suy nghĩ của những người trẻ chúng tôi năm xưa khác lắm. Chúng tôi đi đào hồ, xây mương với bầu nhiệt huyết vô tư nhất. Đồng thời, ẩn sâu trong mỗi nhát cuốc, gánh đất múc lên là khát vọng cống hiến cho cuộc sống, để lại cho mai sau những công trình tươi đẹp, những giá trị bền vững gắn liền với Thủ đô.
"Còn giờ, nghe tin họ muốn lấp một phần hồ để xây nhà tái định cư cho người dân ở đấy, đập các khu nhà cũ để xây chung cư mới, tôi thấy cũng rất lo lắng cho số phận hồ Thành Công. Chưa biết họ sẽ cải tạo lại hồ thế nào, lấp đi xây mới ra sao nhưng tôi thấy riêng việc phá vỡ khung cảnh hoàn chỉnh như hiện tại là điều không nên. Ai cũng thấy mặt nước, cây xanh cho người dân Thủ đô giờ ngày càng hiếm. Nay, cạnh hồ lại mọc lên những khu nhà ở cao 20-30 tầng thì cái hồ lúc đó khác gì cái ao. Mới nghĩ thôi đã thấy tổn thương cho những gì chúng tôi cống hiến năm xưa", ông thở dài.
Với những người như ông Hiền, ông Nga, những người mà tuổi trẻ từng đóng góp nhiều ngày công để đào hồ Thành Công và nhiều công trình phúc lợi khác, hồ Thành Công có ý nghĩa nhiều hơn một cái hồ. Đó là kỷ niệm thời tuổi trẻ của họ. (Ảnh: Zing)
Tương tự ông Vũ Hiền, ông Lê Huy Nga – cán bộ ngành địa chất sống tại tầng 1 khu tập thể X15, Thành Công cũng như được sống lại một quãng đời tuổi trẻ sôi nổi khi nhớ về giai đoạn tham gia cải tạo hồ Thành Công gần 40 năm trước.
Ông Nga bảo: Hồi xưa chúng tớ đi đào hồ khác bây giờ lắm. Buổi trưa, chỉ được phát cho cái bánh mì "không người lái". Nước uống tự túc. Những năm 80 của thế kỷ trước, lớp lớp thanh niên Thủ đô đều xung phong tham gia đào hồ Thành Công. Rồi tiếp đó lài sông Tô Lịch. Mỗi người làm một tuần.
"Khi trước, tinh thần tham gia lao động công ích của mọi người không "toan tính" như hiện nay. Tất cả đều là công ích. Chính vì thế, vừa rồi xem qua báo đài, thấy Công ty Việt Hưng có đề xuất lấp 1 phần hồ để tính chuyện xây nhà tái định cư cho người dân Thành Công, tôi thấy có phần nào cảm thấy buồn lòng" – ông Nga tâm tư.
Gia đình tôi ở đây từ năm 1980 tới nay. Đó là thời điểm hồ Thành Công chưa thành hình như ngày nay, và vẫn chưa được kè lối đi bộ phía trên. Hồ nước, công viên, rồi cơ sở hạ tầng nơi đây đã gắn bó, trở thành một phần máu thịt của tất cả những ai đã tham gia cải tạo hồ từ gần 4 thập kỷ trước.
"Mọi người ở đây đều quen nhau. Sáng đi bộ gặp nhau ở hồ, chiều ngồi chơi ven hồ nghỉ mát đánh cờ. Các bà, các chị đi chợ về cũng ngồi bàn luận vui vẻ trong không gian thoáng mát, trong lành của hồ Thành Công. Đây là lúc chúng tôi được thừa hưởng thành quả lao động công ích năm xưa của mình. Nhưng với đề xuất mới đây của của Công ty Việt Hưng, chúng tôi bỗng thấy chạnh lòng lắm. Hy vọng Thành phố sẽ xem xét, cân nhắc lợi ích và giá trị đích thực của hồ trước đề xuất "táo bạo" của doanh nghiệp", ông Nga nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.