Tối 4/12, ông Siu Kiêm (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết gia đình đã an táng cho voi Yă Tao (50 tuổi), con voi cuối cùng ở khu vực bắc Tây Nguyên.
Voi Yă Tao được ông Ksor Chăm (bố vợ ông Siu Kiêm) mua trong một phiên chợ voi ở Đắk Lắk năm 1990. Sau khi ông Chăm qua đời, ông Siu Kiêm thay bố chăm sóc Yă Tao. Yă Tao sống một mình trong Chư Tol (cách trung tâm xã hơn 10 km).
Xem voi như người thân
Theo ông Siu Kiêm, chiều 3/12, ông đưa voi Yă Tao ra bờ sông Ia Tul uống nước. Sau đó, con voi nằm vật bên bờ suối một lúc thì chết.
"Trước khi chết, voi có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi. Gia đình đã tìm mọi cách để chữa trị nhưng không có kết quả. Yă Tao được mai táng tại bờ suối Ia Tul, nơi nó ra đi", ông Siu Kiêm nói.
Voi Yă Tao đã gắn bó với gia đình ông Siu Kiêm hơn 30 năm. Do đó, cả nhà ông xem voi như người thân, thành viên trong gia đình. Yă Tao mất, ai cũng buồn.
Ông Siu Kiêm cho biết đã gắn bó với Yă Tao hơn 10 năm từ khi về ở rể. "Thời gian đầu tôi mới chăm chưa quen nên Yă Tao rất hung dữ. Sau đó, tôi đi theo mấy anh em trong nhà làm quen, cho ăn cho uống nên Yă Tao dần thân thiện. Từ khi bố vợ mất, ngày nào tôi cũng vào rừng chăm sóc Yă Tao”, người này nhớ lại.
Tương tự, bà Ploanh (chị vợ ông Siu Kiêm) cho biết voi mất khiến cả gia đình đều buồn, nhất là mẹ. Vì Yă Tao là kỷ niệm gắn bó với bố mẹ hàng chục năm.
“Sau khi bố tôi mất, nhiều tổ chức muốn mua lại voi nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ muốn nuôi Yă Tao làm kỷ niệm nên gia đình cố gắng nuôi đến khi nó mất”, bà Ploanh chia sẻ.
Số lượng voi nhà giảm 90%
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết Yă Tao là con cuối cùng tại Gia Lai cũng như khu vực bắc Tây Nguyên.
Theo ông Luân, trước đây voi Yă Tao sống cùng một con đực. Tuy nhiên, voi đực đã chết cách đây hơn 10 năm.
Trung tâm đã nhiều lần thuyết phục gia đình Siu Kiêm đưa Pă Tao sang Đắk Lắk sống chung với những voi nhà khác nhưng gia đình không đồng ý. Gia đình nói đây là kỷ niệm nên muốn nuôi đến khi voi chết.
Theo ông Luân, Đắk Lắk được xem là địa phương có số voi nhà nhiều nhất cả nước nhưng cũng đang giảm mạnh. Theo đó, năm 1980 tỉnh Đắk Lắk có 500 con voi nhà nhưng đến nay chỉ còn 45 cá thể, giảm khoảng 90%.
“10 năm trở lại đây, trung tâm đã cố gắng để bảo tồn số lượng voi nhà. Địa phương đã có nhiều chính sách ưu đã đối với việc chăm sóc, bảo tồn voi. Tuy nhiên số lượng voi ngày càng già, khó sinh sản trong thời gian tới voi nhà có nguy cơ tuyệt chủng", ông Luân phân tích.
Vị Giám đốc nói thêm qua kiểm tra, 7 voi cái ở Đắk Lắk có thể sinh sản. Từ 2017 đến nay, địa phương có 3 voi cái mang thai. Tuy nhiên các con voi này già (trên 38 tuổi), đường sinh sản hẹp nên voi con được sinh ra bị ngạt thở chết.
"Vì voi nhà đã già nên chúng tôi đang tiếp tục sử dụng công nghệ để thụ tinh. Sau những lần đầu chúng tôi hy vọng voi nhà tại Đắk Lắk sẽ sinh sản được", ông Luân kỳ vọng.
Tại Gia Lai, làng Nhơn Hòa, thuộc xã Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) và làng Chư Mố (huyện Ia Pa) nổi tiếng với nghề thuần dưỡng voi.
Năm 1975, voi Nhơn Hòa có khoảng 30 con. Năm 1992, số lượng voi giảm còn 14 con. Đến đầu năm 2014, Yă Tao là con voi cuối cùng ở Gia Lai. Nguyên nhân số lượng đàn voi sụt giảm là bệnh tật, nguồn thức ăn cạn kiệt, không gian sinh tồn của voi bị thu hẹp hoặc bán sang Đắk Lắk, phục vụ du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.