Ký ức về "một thời hoa lửa" của các cựu TNXP Sơn La
Ký ức về "một thời hoa lửa" của các cựu TNXP Sơn La
Thuần Việt
Thứ tư, ngày 24/04/2024 06:00 AM (GMT+7)
Suốt mấy chục năm qua, ông Vũ Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La đã dày công gặp gỡ và sưu tầm những câu chuyện về các cựu thanh niên xung phong (TNXP). Mỗi câu chuyện ông Hải gom góp được là một thước phim lịch sử đầy hào hùng.
Thành phố Sơn La vào những ngày đầu hè nóng như đổ lửa. Trong căn phòng nhỏ - cũng là trụ sở của Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La, ông Hải đang tất bật với đống hồ sơ và các tư liệu lịch sử. Năm nay đã bước sang tuổi 74, nhưng nom ông Hải còn khỏe và hoạt bát. Hết nghe điện thoại của đồng đội rồi sắp xếp cho kế hoạch cùng đồng đội lên Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi khi nhắc đến địa danh Điện Biên Phủ, ông Hải lại như được tiếp thêm sức mạnh. "Tôi tham gia TNXP thời chống Mỹ, nhưng mỗi khi gặp được các cựu TNXP thời kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những cụ tham gia bảo vệ ngã ba Cò Nòi đều để lại trong tôi tình cảm sâu nặng", ông Hải nói.
"Một thời hoa lửa" của những cựu thanh niên xung phong
Khi đã yên vị, tôi mới để ý xung quanh căn phòng làm việc của ông Hải treo rất nhiều ảnh. Nội dung của những bức hình vô cùng quý giá này đều là hoạt động của Hội và cả những nhân vật lịch sử lừng lẫy một thời. Trên bàn làm việc, ông để nhiều tập tài liệu dày cộp được sắp xếp gọn gàng. Ông Hải bảo: "Mỗi trang giấy mà tôi viết ra là những câu chuyện cảm động về các cựu TNXP. Hiện giờ ở thành phố Sơn La chỉ còn 2 cụ tham gia TNXP ở ngã ba Cò Nòi còn sống. Năm nay các cụ tuổi đã cao, sức yếu, nên việc đi lại và trí nhớ về những năm tháng hào hùng đã mai một. Rất vui là trước đó nhiều năm, khi tiếp quản "chức" Chủ tịch Hội, tôi đã thường xuyên đi đến thăm nhà các cụ. Nghe các cụ kể lại về một thời máu và hoa đó, nên tôi còn lưu giữ được".
Ông Hải gắn bó với đất Tây Bắc như quê hương thứ hai của mình. Ông từng tham gia TNXP thời chống Mỹ, nay khi đã nghỉ hưu ông lại tham gia làm Chủ tịch Hội nên ông thấy mình thật may mắn. Chưa kịp tan tuần trà, ông đã vội vàng mở tủ và lấy cuốn kỷ yếu được in màu, dày dặn và trình bày đẹp mắt cho chúng tôi xem. Đây là cuốn kỷ yếu về Hội cựu TNXP tỉnh Sơn La do ông là người dày công sưu tầm. Ông Hải bảo: "Mỗi câu chuyện trong cuốn kỷ yếu này là những ngày chiến đấu đầy hào hùng của các TNXP thời chống Pháp".
Lần giở trong ký ức, ông Hải nhớ nhất lần gặp cụ Vương Đình Chí, cựu TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Tổ 8, phường Tô Hiệu. Cụ Chí năm nay đã bước sang tuổi ngoài 90, nhưng khi nhắc lại những ngày đầy hào hùng năm xưa, cụ như khỏe ra. Cụ Chí kể, ngày đó cụ xung phong tham gia làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Tà Vài. Thực dân Pháp cho máy bay ném bom ác liệt, khiến đất đá, cây cối bên đường đổ ập xuống mặt đường. Chúng đánh 2 điểm giao thông trọng yếu của ta là cầu Tà Vài và ngã ba Cò Nòi, hòng cắt đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Cứ mỗi đợt máy bay Pháp trút bom là mặt đất rung chuyển, đường xá, cầu cống bị cày xới tan tác. Khi máy bay vừa rút, cụ Chí cùng các đồng đội sử dụng dao, cuốc, xẻng nhanh chóng san đường để cho xe qua. Người đan rọ nứa, bỏ đá cuội vào trong, sắp rọ đá thành hai bên lề đường rồi đặt bó cây ngang giữa 2 rọ tạo thành đập tràn, đường ngầm cho xe ô tô, xe thồ và bộ đội đi qua an toàn. Kể đến đây cụ Chí bỗng dừng lại và giơ tay lên quả quyết: "Khi đó chúng tôi đều xác định dù khó khăn, nguy hiểm, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm đảm bảo đường xá để cho xe lưu thông được".
Mỗi câu chuyện mà ông Hải sưu tầm được đều thể hiện ý chí sắt đá của thế hệ cha anh đi trước. Trong lần được tiếp chuyện cụ Nguyễn Văn Ký, phường Quyết Tâm, TP. Sơn La, ông Hải đã sưu tầm được những tư liệu quý giá. Cụ Ký cùng đồng đội của mình đã có 180 ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ mạch máu giao thông trên đèo Pha Đin.
Khi đó cụ Ký kể: Cùng với Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin bị địch đưa máy bay đến thả bom cày xới liên tục. Chúng đánh bom từ tờ mờ sáng đến khi mặt trời lặn. Có đợt địch huy động hàng chục máy bay đánh phá liên tục 18 ngày đêm. Máy bay Pháp cày xới khiến đèo Pha Đin chi chít hố bom. Sang đầu tháng 4/1954, những trận mưa đầu mùa làm cho đường sạt lở gây khó khăn cho việc vận tải. Đúng thời điểm này, cấp trên có lệnh gấp cho 10 xe chở đạn vượt đèo Pha Đin vào ban ngày. Địch cho máy bay quần đảo bắn phá khiến xe đầu trúng bom bốc cháy, rồi xe thứ 2, thứ 3. Trước tình thế này, tôi cùng anh em đơn vị bất chấp hiểm nguy, cùng nhau xuống đường dập lửa và bốc hàng trên xe di chuyển vào nơi an toàn. Bất chấp sự bắn phá ác liệt của giặc Pháp, vừa lo xe đạn có thể nổ bất cứ lúc nào. Bằng sự mưu trí dũng cảm, tôi và các đồng đội đã cứu được 7 xe đạn về nơi an toàn.
Trong những ngày cả nước đang háo hức đón chờ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với những người cựu TNXP lại càng thêm phần phấn chấn. Bao ký ức về "một thời hoa lửa" lại ùa về. Ông Hải chia sẻ: "Trong những ngày tôi trở lại ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn có may mắn được nghe chuyện của một cụ già người Thái còn sống. Đó là cụ Lò Văn Pọm ở bản Cò Nòi, xã Cò Nòi là dân quân du kích tham gia bảo vệ tại ngã ba Cò Nòi". Năm nay cụ Pọm đã sắp bước sang tuổi 90, nhưng khi nhắc lại kỷ niệm năm xưa ông vẫn còn nhớ như in: "Tôi nhớ nhất ngày 13/3/1954, địch đánh phá ác liệt nhất, chúng ta mất khá nhiều người. Ngày 14 tôi đi tìm thi hài của TNXP, có người chỉ còn cái chân, cái tay… cũng không biết của ai nữa. Chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt. Chúng rải bom làm tan nát hết cả một khu vực rộng lớn".
Cụ Pọm là người dân tộc Thái gắn bó cả đời với vùng đất đầy chiến tích này. Trong những năm tham gia làm dân quân du kích, ông đã được nhiều lần được nghe cán bộ phổ biến về vị trí chiến lược quan trọng của ngã ba Cò Nòi. Ngồi nghỉ bên ghế đá, ông đưa đôi mắt già nua về phía tượng đài chiến thắng Cò Nòi mà bồi hồi kể tiếp, toàn bộ TNXP lẫn những dân quân địa phương đều được nghe phổ biến, ngã ba Cò Nòi có vị trí hiểm yếu quan trọng. Máy bay giặc Pháp liên tục đánh phá ngã ba Cò Nòi hòng cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường Điện Biên Phủ. Do vậy bằng mọi giá chúng ta phải đảm bảo cho tuyến đường này được thông suốt.
Sự hy sinh của các thanh niên xung phong đã viết nên Ngã ba lịch sử
70 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, Ngã ba Cò Nòi anh hùng năm xưa từng mang trên mình với bao hố bom chi chít, giờ đã được xây dựng thành khu di tích, trở thành địa chỉ đỏ cho du khách hành hương đến thăm và tưởng niệm. Nơi đây bốn mùa cây cối tươi tốt, thông reo vi vu. Nơi này còn có cụm tượng đài chiến thắng cùng văn bia, nhà trưng bày hiện vật. Trong suốt những năm đánh Pháp, đã có 100 chiến sỹ và TNXP đã hy sinh cho sự toàn vẹn của Ngã ba Cò Nòi.
Ông Hải là người rất tâm huyết với khu di tích này. Ông đã dày công sưu tầm tư liệu, rồi gặp gỡ những TNXP của tỉnh Sơn La từng tham gia bảo vệ thông đường ở ngã ba Cò Nòi. "Hầu hết các TPXP tham gia khi xưa đã tuổi cao sức yếu, nhiều cụ đã mất. Điều đọng lại trong tôi trong những cuộc tiếp xúc với họ là tinh thần quyết tử, sẵn sàng hy sinh để đảm bảo con đường huyết mạch được thông suốt. Tinh thần đó đã tiếp sức cho các thế hệ sau này, ghi nhớ công ơn của cha anh để dựng xây đất nước", ông Hải cho biết.
Không dừng lại ở việc sưu tầm tư liệu, ông Hải thay mặt Hội TNXP tỉnh Sơn La cũng thường xuyên gửi ý kiến, đề xuất để cải tạo Khu di tích Ngã ba Cò Nòi thành điểm du lịch về nguồn. "Sự đóng góp và hy sinh của các TNXP tại ngã ba Cò Nòi không gì có thể so sánh được. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, nhưng những gì chúng tôi mong muốn nhất là 100 chiến sỹ và TNXP hy sinh tại ngã ba Cò Nòi sẽ được khắc vào bia đá dựng tại khu di tích này. Chúng tôi đã đề xuất với tỉnh Sơn La, mong rằng nguyện vọng này của chúng tôi sẽ thành hiện thực", ông Hải cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.