Gia tăng sản lượng nông nghiệp
Hàng năm, người dân vẫn chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán, ảnh hưởng đời sống và thu nhập của người dân. Trước tình hình đó Ban Quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi (CPO) đã báo cáo Bộ NNPTNT trình Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ODA của ADB đầu tư cho hợp phần 2 dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã (NCSMRIS).
Hồ Cửa Đạt có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa. Ảnh: P.V
Dự án nhằm mục đích cung cấp cho nông dân các dịch vụ tưới tiêu đáng tin cậy bằng cách nâng cấp và phát triển các công trình thủy lợi trên diện tích khoảng 31.084ha trong khu vực tưới Bắc sông Chu và Nam sông Mã nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Điều này sẽ giúp tăng diện tích đất canh tác, tăng năng suất, đặc biệt ổ định tưới giúp người dân thay đổi được cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ nghèo ở nông thôn.
|
Hệ thống thủy lợi hồ Cửa Đạt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi tại Văn bản số 1359/CP-NN ngày 14/11/1998 và phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 348 /QĐ-TTg ngày 7/4/2004.
Công trình đầu đã được khởi công xây dựng vào ngày 12/2/2004, đưa vào vận hành khai thác và sử dụng từ tháng 11/2010 với tổng kinh phí là 4.509,45 tỷ đồng; nhiệm vụ chính của hồ Cửa Đạt tưới cho 86.862ha đất canh tác.
Trong 86.862ha của hồ chứa nước Cửa Đạt có 31.084 ha thuộc khu vực Bắc sông Chu - Nam Sông Mã. Do địa hình vùng này là vùng trung du, các thửa ruộng phân bổ theo nhiều địa hình khác nhau, mặt khác do nguồn nước không chủ động, có trên 6.200ha chỉ được tưới bằng mưa và trên 11.000 chủ yếu được tưới bằng các trạm bơm nhỏ nhiều cấp và một số hồ đập tại địa phương hàng năm có trên 60% diện tích bị hạn hán.
Mục tiêu của dự án NCSMRIS nhằm giúp gia tăng sản lượng nông nghiệp và tiết kiệm chi phí quản lý vận hành do dỡ bỏ/giảm diện tích phục vụ của các trạm bơm trong vùng dự án, góp phần cải thiện an ninh lương thực.
Dự án được Bộ NNPTNT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26/10/2011 và phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1222/QĐ-BNN-XD ngày 06/4/2018.
Ban CPO được Bộ giao làm chủ dự án, điều phối và quản lý chung toàn dự án. Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 là chủ đầu tư thành phần, trực tiếp quản lý, thực hiện các hạng mục thuộc kênh chính Bắc và kênh nhánh thuộc kênh chính Bắc.
Sở NNPTNT Thanh Hóa là chủ đầu tư thành phần, trực tiếp quản lý, thực hiện các hạng mục thuộc kênh chính Nam và kênh nhánh thuộc kênh chính Nam, hợp phần hỗ trợ phát triển nông thôn phục vụ cho các nhóm người sử dụng nước hoặc hội người dùng nước, công tác khuyến nông và hợp phần bồi thường, tái định cư.
Chương trình đầu tư tổng thể sẽ xây dựng một hệ thống kênh chính và kênh nhánh mới, cải tạo các công trình tưới tiêu hiện có, nâng cao năng lực thể chế cho việc quản lý nước, và tăng cường vận hành và bảo trì.
Chống lại tác động của biến đổi khí hậu
Dự án kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ chống lại các tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sản xuất và giá thực phẩm trong tương lai. Dự án cũng tìm cách phát triển việc sử dụng và các lợi ích của việc đầu tư đã được thực hiện trên hồ chứa đa mục tiêu Cửa Đạt. Mục tiêu dự án được xem xét trong quá trình thiết kế tập trung vào một số vấn đề mang tính chất lý luận ở cấp quốc gia và các vấn đề thực tiễn ở cấp độ địa phương.
Tối ưu hóa các lợi ích từ Hồ chứa đa mục tiêu Cửa Đạt, bao gồm đẩy lùi xâm nhập mặn trong khi giảm thiểu ô nhiễm từ phân bón và thuốc trừ sâu. Sử dụng nước hiệu quả khi đối mặt với nhu cầu cạnh tranh. Đạt được tài chính bền vững và cải tạo các công trình thủy lợi.
Theo báo cảo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các hợp phần dự án đều đảm bảo đúng tiến độ, đó là cải thiện quản lý thủy lợi, cung cấp các dịch vụ thủy lợi, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thủy lợi đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Hợp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đợt 1 tháng 7/2017 và đợt 2 tháng 4/2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.