Kỳ vọng ngành giáo dục năm 2024: Lương giáo viên cải thiện, không tạo "cú sốc" cho học sinh

Tào Nga Thứ hai, ngày 01/01/2024 06:21 AM (GMT+7)
Chính thức bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia kỳ vọng ngành giáo dục và đào tạo trong năm mới sẽ có nhiều thành tựu, đồng thời những vụ bê bối không còn tái diễn.
Bình luận 0

3 kỳ vọng lớn vào ngành giáo dục năm 2024

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về những mong muốn, kỳ vọng vào ngành giáo dục năm 2024, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ: "Kỳ vọng đầu tiên của tôi là Bộ GDĐT tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội về Luật Nhà giáo. Hiện nay, Luật Nhà giáo đã xây dựng dự thảo và đang xin ý kiến các ngành, cơ quan liên quan. Trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội cũng có xem xét Luật Nhà giáo.

Tôi mong muốn Luật Nhà giáo sẽ được xây dựng đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng trình Quốc hội. Bởi vì đây là lần đầu tiên chúng ta có Luật Nhà giáo. Tôi cũng kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc, trở ngại nổi cộm của ngành giáo dục trong thời điểm hiện tại, khi ban hành luật sẽ được điều chỉnh, tháo gỡ.

Kỳ vọng ngành giáo dục năm 2024: Lương giáo viên cải thiện, không tạo "cú sốc" cho học sinh - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH

Thứ hai, Bộ GDĐT đã lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT cho chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tôi hy vọng chúng ta sẽ chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón kỳ thi đầu tiên sau khi đổi mới chương trình sách giáo khoa. Năm 2024 sẽ là năm chuẩn bị quan trọng. Chúng ta có chuẩn bị kỹ lưỡng thì kỳ thi mới diễn ra một cách hiệu quả. Kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất tổ chức thi lẫn công tác ra đề thi, không tạo cú sốc của học sinh chương trình cũ sang chương trình mới. Khi chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiệu quả thì mới chứng minh được việc đổi mới chương trình sách giáo khoa có hiệu quả toàn diện, còn bây giờ mới chỉ là phê duyệt sách và tổ chức giảng dạy.

Thứ ba là việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Năm 2024-2025 là lứa sinh viên sư phạm đầu tiên được đào tạo theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ ra trường. Đội ngũ sinh viên ra trường sẽ tạo nguồn nhân lực lớn cho ngành giáo dục và cũng khẳng định thành công chương trình giáo dục năm 2018.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho giáo viên sẽ thay đổi đáng kể khi chúng ta thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Như Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói trước Quốc hội, lương giáo viên sẽ được xét vào thang bảng lương cao nhất. Tôi hy vọng rằng, với sự động viên khuyến khích đó giáo viên sẽ bớt khó khăn về vật chất từ đó sẽ bớt giáo viên phải bỏ nghề vì áp lực cuộc sống do thu nhập thấp.

Tôi cũng mong chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình sách giáo khoa mới có hiệu quả hơn, có nề nếp hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn trong toàn xã hội. Năm nay cũng không còn những câu chuyện giật gân một cách đáng buồn trong ngành giáo dục như bạo hành giữa học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; Những chuyện bê bối ăn chặn, ăn bớt chế độ của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng cao sẽ không còn tái diễn trong năm 2024 và những năm tiếp theo...".

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao thành tựu của giáo dục trong năm 2023 và đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2024: "Trong 10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2023, tôi đánh giá cao những nội dung liên quan đến việc triển khai chương trình sách giáo khoa, phương án thi tốt nghiệp THPT và chính sách chăm lo cho đời sống giáo viên. 

Kỳ vọng ngành giáo dục năm 2024: Lương giáo viên cải thiện, không tạo "cú sốc" cho học sinh - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục. Ảnh: NVCC

Chất lượng của hệ thống giáo dục luôn bị ảnh hưởng và quy định bởi chất lượng của đội ngũ giáo viên. Được Bộ GDĐT cũng như các cấp, các ngành chăm lo giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm dồn tâm huyết, công sức của mình nâng cao năng lực chuyên môn cũng như thực hiện các nhiệm vụ cao cả trong dạy học và giáo dục học sinh. Ví dụ như cải cách tiền lương, sửa đổi một số điều để tuyển dụng và quản lý viên chức hay là ban hành Luật Nhà giáo. 

Thứ hai, chương trình sách giáo khoa đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới chương trình GDPT theo Nghị quyết 29. Năm 2024-2025, sẽ là năm cuối thực hiện thay đổi sách giáo khoa ở lớp 5, 9 và 12. Những năm qua cho thấy, chúng ta triển khai rất nghiêm túc và chất lượng giáo dục đã cải thiện rõ rệt chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Học sinh được học sách đẹp, tích hợp kênh hình… 

Thứ ba, việc Bộ GDĐT lựa chọn hình thức thi tốt nghiệp THPT đã thể hiện rõ dấu ấn của đổi mới. Đây là phương án thi được nghiên cứu kỹ càng, phù hợp với tình hình điều kiện kinh tế của Việt Nam. Hai môn cơ bản Toán, Văn và 2 môn lựa chọn giúp thí sinh có cơ hội thêm tổ hợp phù hợp với năng lực của mình cũng như các trường có được thí sinh phù hợp. Các tổ hợp gói gọn môn cơ bản hơn".

Bức tranh giáo dục năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc

Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn thi vào 10" chia sẻ: "Năm 2024 sẽ khép lại chương trình học và thi theo chương trình cũ với học sinh thi vào 10. Thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ có sự điều chỉnh, riêng các trường đại học sẽ có hình thức xét tuyển phù hợp, trong đó điểm thi tốt nghiệp và học bạ chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Trong những năm gần đây, dù còn nhiều vướng mắc, nhưng ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới cả về chất và lượng. Nhiều ngôi trường được xây mới khang trang và hiện đại không kém những trường quốc tế, đội ngũ giáo viên có nhiều sáng tạo trong dạy học. 

Cá nhân tôi luôn kỳ vọng ngành giáo dục giảm tải chương trình một cách hợp lý cho cả 3 cấp học. Ngoài ra luôn kiên trì phương châm học thật thi thật để tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh".

Kỳ vọng ngành giáo dục năm 2024: Lương giáo viên cải thiện, không tạo "cú sốc" cho học sinh - Ảnh 3.

Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn thi vào 10". Ảnh: NVCC

Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TP.HCM bày tỏ: "Năm 2024 tôi mong muốn việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn và trong sạch hơn nữa. Thi để đánh giá học sinh mà đánh giá thì phải thực chất hơn chứ không phải đánh giá ảo như bây giờ (học sinh toàn bộ là khá, giỏi nhưng lại ú ớ thi gặp thực tế). Ngoài ra, tôi cũng mong các trường, lớp cũng nên đưa vào sử dụng ChatGPT; chính sách cho các thầy cô phải thay đổi để thu hút nhân lực...".

Kỳ vọng ngành giáo dục năm 2024: Lương giáo viên cải thiện, không tạo "cú sốc" cho học sinh - Ảnh 4.

Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TP.HCM. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Hiệp, đồng Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô; đồng Trưởng nhóm khoa học giáo dục và chính sách, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có dự đoán nhất định về bức tranh giáo dục đại học Việt Nam năm 2024. 

Bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT tổ chức, các trường đại học tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng. Cùng với đó, các trường sẽ triển khai thêm nhiều phương thức tuyển sinh, theo hướng đưa ra tổ hợp mới, kết hợp các tiêu chí mới. Chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng có xu hướng giảm.

Kỳ vọng ngành giáo dục năm 2024: Lương giáo viên cải thiện, không tạo "cú sốc" cho học sinh - Ảnh 5.

Tiến sĩ Phạm Hiệp, đồng Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Thanh Hùng

Học phí đại học chắc chắn sẽ tăng. Hiện các trường tự chủ đang bị cắt ngân sách chi thường xuyên, chưa có nguồn nào thay thế. Vì vậy, buộc các trường phải tăng học phí để có đủ chi phí trang trải cho hoạt động đào tạo.

Chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tăng. Sau 5 năm tăng trưởng nhanh (2016-2020), giai đoạn gần đây, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ và dự báo sẽ tiếp diễn ở năm 2024. Tuy nhiên, chất lượng nghiên cứu sẽ có phần khởi sắc, khi các trường đang tập trung hơn về chất hơn là về lượng.

Năm 2024 dự kiến có bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng mới. Số lượng kiểm định viên được cấp phép và trung tâm kiểm định tăng. Điều chúng ta kỳ vọng là tính độc lập của các trung tâm kiểm định sẽ được thực thi và hoạt động kiểm định thực chất hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem