Lá chuổi tưởng bỏ đi, nay dân xã này ở Tuyên Quang dóc đem bán người ta mua hết sạch
Loại lá tưởng bỏ đi, nay dân xã này ở Tuyên Quang cắt, dóc đem bán cũng kiếm thêm khá tiền
Thứ hai, ngày 20/03/2023 15:07 PM (GMT+7)
Tưởng chừng như bỏ đi hay dùng để làm thức ăn chăn nuôi, thì nay, người dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) lại có nguồn thu nhập ổn định từ việc thu hoạch lá chuối, xuất bán lá chuối cho các thương lái mang đi tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) có khoảng 1.000 ha chuối, tập trung ở các xã Kim Bình, Linh Phú, Tri Phú, chủ yếu là giống chuối tây.
Thời gian qua, do nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những người dân trồng chuối ngoài bán quả cũng đã tận dụng khai thác thêm lá chuối để tăng thu nhập.
Tri Phú là địa phương có diện tích chuối lớn của huyện Chiêm Hóa với trên 300 ha, theo kinh nghiệm của những người dân trồng chuối nơi đây.
Nếu quả chuối chỉ được thu hoạch theo mùa thì lá chuối lại đang được nhiều hộ dân thu hái và xuất bán quanh năm, phục vụ cho việc gói bánh, gói giò, chả, nem, bọc rau xanh… tại thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa.
Thu hoạch lá chuối giúp người dân xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa,, tỉnh Tuyên Quang) có thu nhập ổn định.
Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Nghiệp, thôn Bản Sao, xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa) đã chuẩn bị lên đường thu hái lá chuối. Với những người làm nghề chuyên nghiệp như chị Nghiệp thì ở đâu trồng chuối, có chuối, chị đều thuộc như lòng bàn tay.
Dụng cụ mang theo cũng đơn giản, chỉ là một cái câu liềm và bao tải to để đựng lá. Trong bộ quần áo lấm lem nhựa chuối, chị Nghiệp róc từng mảnh lá chuối nhanh thoăn thoắt. Mỗi ngày, chị Nghiệp có thể lấy được từ 80 kg đến 1 tạ lá chuối.
Mỗi kg lá chuối được thương lái thu mua từ 5,5 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/kg, nhờ đó chị có thể kiếm được từ 400 đến 500 nghìn đồng/ngày.
Tưởng chừng như việc thu hái lá chuối là đơn giản nhưng thực chất lại đòi hỏi kỹ thuật, trong đó, yếu tố đầu tiên là phải hái chọn lựa những tàu lá to bản, dày, có chiều ngang từ 25 cm đến 30 cm, màu xanh mướt và dùng dao dọc lá cẩn thận sao cho không bị rách, gãy vụn để bảo đảm sử dụng hiệu quả.
Anh Đinh Văn Chương, thôn Kim Quang, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa) cho biết: “Gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ trồng chuối, bên cạnh đó, tôi có thêm nghề thu hái lá chuối tây. Nếu chịu khó dậy sớm thì trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu hái được 50 - 70 kg lá, cho thu nhập 300 - 350 nghìn đồng. Trong xã không chỉ có gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác cũng đang làm thêm nghề này”.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, nhận thấy hiệu quả từ thu lá chuối, nhiều người có diện tích chuối lớn còn dành một phần chuyên thu hái lá.
Việc thu hái lá chuối ngày càng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng mà còn trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp mang lại thêm nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.