Lá chè bị rầy chích hút dần chuyển sang màu vàng, xoăn lại, tiết ra chất khiến chè có mùi hương lạ như trái cây chín.
Rầy xanh thường xuất hiện theo bầy vào đầu mùa hè, vốn bị coi là dịch hại nhà nông. Song ở Phja Đén (đọc là Phia Đén), xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, chúng lại góp phần tạo ra loại chè "Đông phương Mỹ nhân" có giá cao gấp 13 lần chè Ô-long thường. Xưa kia, có thời điểm 15kg chè trị giá bằng cả căn nhà.
Theo người trồng, có tới hơn 10 chủng rầy hại khác nhau, nhưng chỉ có vài loại rầy xanh tạo ra được chè Đông phương Mỹ nhân. Chúng thường chỉ xuất hiện ở những vùng trồng hữu cơ hoặc không hóa chất.
Lá chè bị rầy chích hút dần chuyển sang màu vàng, xoăn lại, tiết ra chất khiến chè có mùi hương lạ như trái cây chín.
Khi hái, bắt buộc phải lựa thủ công từng búp chè một tôm hai lá đã bị rầy tấn công và chuyển sang màu vàng. Sau khi chế biến, vết cắn biến mất, lá chè dậy lên mùi mật ong, xoài chín hoặc hương trái cây rừng.
Búp chè Đông phương Mỹ nhân được ví như vũ nữ đang nhảy múa.
Giới thưởng trà vẫn lưu truyền câu chuyện về loại chè Ô-long đặc biệt. Cách đây khoảng trăm năm tại Đài Loan (Trung Quốc), có người nông dân vì quá bận rộn mà bỏ bê vườn tược, khiến lá chè Ô-long không may bị rầy xanh cắn. Anh nông dân tiếc của, lại thấy vườn tỏa hương lạ, bèn chế biến thành loại chè mới có mùi thơm đặc biệt.
Chè sau đó được thương lái bán sang châu Âu, bất ngờ được nữ hoàng Anh yêu thích. Nữ hoàng thấy cánh chè như vũ nữ nhảy múa, nước chè thơm dịu tựa vẻ đẹp của thiếu nữ phương Đông, nên đặt tên là "Đông phương Mỹ nhân" (Oriental Beauty).
Theo một truyền thuyết khác, "Đông phương Mỹ nhân" là loại chè mỹ vị mà thần tiên thượng cẩn an bài cho nhân gian. Hàng năm, người ta chỉ hái chè trước và sau tiết Đoan Ngọ. Cây sinh trưởng ở vùng tránh gió ẩm, đủ nắng, trong lành, không ô nhiễm. Lá ngon nhất là “nhất tâm nhị diệp” có vết cắn của “tiểu lục hiệp thiền”, tức một loại rầy xanh.
Ngoài Đông phương Mỹ nhân, chè còn có tên gọi khác như Bái Hảo, Bạch Hào hay Bạch hạc Ô-long, do thành phẩm vẫn còn giữ được lớp lông tơ trắng bao quanh búp non.
Nước chè màu hổ phách, thoang thoảng hương trái cây chín.
Vùng núi cao Phja Đén nằm phía Đông Nam tỉnh Cao Bằng. Đỉnh Phja Đén quanh năm chỉ có mây, núi và sương mờ bao quanh. Con đường duy nhất nối liền với phố thị là đoạn đèo nhỏ dẫn từ đỉnh núi ra quốc lộ 212. Vị trí cô lập tạo ra vùng chè Kolia trên đỉnh Phja Đén tách biệt với các yếu tố xâm hại đến chất lượng cây trồng.
Vùng chè 20ha ôm lấy sườn núi từ độ cao 1.300m đến 1.900m. Buổi sáng, mặt trời lên tỏ, lá chè vừa mới tắm đẫm nắng. 15h, sương xuống nhanh, khiến nhiệt độ giảm xuống hơn 10 độ C. Nhiệt độ ban đêm nơi đây chưa bằng một nửa so với ban ngày; mùa đông, có khi xuống gần 0 độ C. Mức chênh lệch lớn khiến lá chè dày, xanh thẫm hơn các vùng chè thấp.
Với điều kiện khí hậu như vậy, quá trình chuyển hóa dưỡng chất của cây cũng diễn ra đặc biệt hơn. Nhiều chất được hình thành, tích tụ lại, ví dụ như acid amin theanin. Khi lá chè nhận đủ nắng, theanin sẽ biến đổi thành catechin và polyphenol. Tuy nhiên ở núi cao, nơi bị luân chuyển liên tục bởi ngày - đêm, sương - nắng, quá trình sinh học này thường xuyên gián đoạn, khiến hàm lượng theanin trong lá chè ở đây cao hơn các vùng khác.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, người trồng chè tại Phja Đén phải mất nhiều năm nghiên cứu giống chè núi cao thích hợp để trồng ở Kolia. Giống cây không chỉ đáp ứng được thị hiếu người thưởng trà, sản lượng, hương vị; mà còn phải trồng sao cho không uổng phí tấc đất nào ở miền đất này.
Hiện, 20ha tại trang trại Kolia đã đạt chuẩn vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn IFOAM (Liên đoàn Quốc tế Phong trào Canh tác Nông nghiệp Hữu cơ). Bốn giống chè chính trồng nơi đây là Ô Long Thanh Tâm, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên và PH8 đều được chuyển giao từ trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật miền núi phía Bắc.
Trồng chè trên Phja Đén hầu như quanh năm không cần tưới nước bởi độ ẩm cao, mưa nhiều. Nước lẫn trong sương, đọng trên cỏ, thảm che phủ dưới chân dầy. Tháng nắng hạn mới dùng thêm nước tưới từ suối dẫn vào.
Để có nguồn phân bón cho cây chè, trang trại Kolia nuôi 500 đôi thỏ, 30 con bò, 20 còn lợn rừng, dê, ngỗng và ủ cả rượu từ men lá. Bã rượu cho lợn ăn. Trang trại trồng thêm rau xanh, cải, cà rốt và hơn chục loại hoa. Phân động vật, cỏ, trấu… được đem ủ thành phân bón. Mỗi hố phân phục vụ cho khoảng 3-4ha chè, năm bón làm 2 lần.
Cỏ không nhổ mà cắt 2 tuần mỗi lần, xác cỏ được gom lại, kết hợp với phân ủ. Lá và gốc chè bị đốn xuống khi cây ngủ đông cũng đem ủ cùng. Mọi hoạt động chăm bón ở đây đều được làm thủ công. Công nhân phải tự tay nhặt từng chiếc lá sâu, rải vôi diệt sâu bệnh, nấm.
Nhờ tạo được hệ sinh thái cân bằng nên các loại sâu hại như rầy, bọ trĩ... bị thiên địch tự nhiên kiểm soát. Khi lượng rầy vượt quá ngưỡng, công nhân sẽ phải ngắt bỏ các lá bệnh bằng tay, đem đi nơi khác để chôn hoặc tiêu hủy.
Hương Giang (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.