Lạ lẫm đàn cừu tung tăng gặm cỏ giữa Thủ đô

Thứ năm, ngày 13/08/2015 15:14 PM (GMT+7)
Chứng kiến cảnh hơn 40 chú cừu được chăn thả ở bãi cỏ ven sông Hồng (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, tưởng mình đi vào vùng quê nào đó chứ không phải là ngay ven nội thành Hà Nội.
Bình luận 0

Đàn cừu hơn 40 con này thuộc sở hữu của ông Dương Quý Sửu (một người dân sống ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy). Hàng ngày, cứ khoảng 3h chiều, ông Sửu lại lùa đàn cừu ra bãi bồi ven sông Hồng chăn thả. Nói về việc chăn nuôi của mình, ông Sửu cho biết, khoảng 5 tháng trước, ông mạnh dạn đầu tư một khoản vốn khá lớn, mua 60 chú cừu từ Ninh Thuận về nuôi với giá 80.000 đồng/kg giống.

Theo ông Sửu, ý tưởng đưa cừu "Bắc tiến" không phải do bản thân ông nghĩ ra mà là học hỏi kinh nghiệm qua sách báo và tìm hiểu từ những người quen biết ở miền Bắc từng nuôi cừu thành công. "Cừu là loài vật không ưa ẩm ướt, thích hợp nuôi ở vùng Ninh Thuận vì ở đó nhiều gió, khí hậu khô ráo. Tuy nhiên, một vài năm trước cũng đã có người dân đưa cừu về Vĩnh Phúc, Lào Cai nuôi thành công nên tôi nghĩ, nếu mình nuôi cừu ở Hà Nội thì cũng sẽ có kết quả tương tự".

img

img

Bầy cừu khoảng 40 con của gia đình ông Sửu hằng ngày được chăn thả ở khu vực chân cầu Vĩnh Tuy.

Sẵn có địa bàn bãi bồi ven sông cộng thêm vốn kiến thức về cách chăm sóc cừu tích lũy qua sách báo, sau một thời gian bỏ công chăm sóc, đến nay, ông Sửu đã có trong tay đàn cừu sinh trưởng, phát triển rất tốt. Sau một thời gian nuôi dưỡng, mới đây, ông Sửu vừa bán lại cho thương lái khoảng 20 chú cừu với giá 155.000 đồng/kg. Một con cừu trưởng thành thường nặng từ 25 đến 30kg. Với mức giá này, sau khi "xuất chuồng", 20 chú cừu này đã đem về doanh thu gần trăm triệu đồng.

Chia sẻ về bí kíp chăn nuôi của mình, ông Sửu cho biết, cừu là loài vật ăn rất nhiều cỏ nhưng ở vùng ngoại ô không có đủ điều kiện đáp ứng nên ông thường phải cho chúng ăn phụ thêm tinh bột như ngô, khoai, sắn hoặc cám gạo.

"Giống này ăn cỏ rất khỏe, thậm chí chúng có thể ăn cả cỏ khô. Khi thả ra ngoài bãi, chúng gặm cỏ rất sâu xuống tận sát gốc rễ của cây cỏ. Vì thế, chỗ nào có cừu đi qua thì cỏ rất lâu lên. Biết vậy nên có hôm tôi cũng không lùa cừu ra bãi thả mà nhốt ở nhà cho chúng ăn phụ thêm cám, ngô", ông Sửu nói.

Bên cạnh đó, theo ông Sửu, nuôi cừu điều cốt yếu là phải cho chúng uống nước sạch và đảm bảo môi trường vệ sinh, nếu không chúng sẽ rất dễ sinh bệnh.

img

Những ngày nắng ráo, ông Sửu thường lùa đàn cừu ra bãi bồi ven sông chăn thả. Ban đầu, đàn cừu của ông Sửu lên tới 60 con nhưng hiện nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn 40. 

img

Khí hậu miền Bắc ẩm ướt với mùa mưa ngâu, mưa phùn kéo dài vốn được xem là không thích hợp cho việc chăn thả cừu. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn cừu của ông Sửu hiện rất khỏe mạnh.

img

Một con cừu trưởng thành thường có cân nặng từ 25 đến 30kg.

img

Cừu đặc biệt thích ăn cỏ và lá cây. Chúng tiêu thụ cỏ rất tốt và khi ăn, thường gặm rất sâu.

img

Những vùng đất có cừu đi qua, cỏ thưởng rất lâu mọc lại. Thậm chí, nhiều người còn ví chúng giống như một loại thuốc diệt cỏ đặc hiệu. Bù lại, cừu là loài động vật rất hiền lành và có khả năng thích nghi cao.

img

Những chú cừu nuôi ở vùng lạnh thường dùng để lấy lông. Khi nuôi ở Việt Nam, do thời tiết nóng ẩm nên hầu như các thương lái mua cừu nhằm mục đích lấy thịt và da.

img

Những ngày cạn cỏ, ông Sửu nhốt bầy cừu ở nhà và cho chúng ăn thêm nhiều tinh bột, ngũ cốc.

img

img

Những chú cừu có vẻ ngoài khá dễ thương.

img

Nếu không nhìn thấy khu đô thị cao tầng ở gần bên, chắc hẳn nhiều người sẽ ngỡ mình đi lạc về một vùng nông thôn nào đó chứ không phải mảnh đất Hà Nội hiện đại, ồn ào, nhộn nhịp.

Thu Hường-Doãn Tuấn (Tri Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem