Lúa thảo dược phải gieo sạ thưa (6kg/1 công) nhằm hạn chế sâu bệnh, giúp cây sinh trưởng tốt.
Từ 1kg giống, lúa tím đồng
Được người dân chỉ đường, chúng tôi đi trên con đường nhựa phẳng lỳ thuộc ấp Kinh (xã Trung Ngãi) để đến nhà bà Lê Thị Nga.
Đang phơi lúa thảo dược trên khoảnh sân nhà, bà Nga dừng tay, mời chúng tôi vào bàn trà và câu chuyện trồng lúa thảo dược rôm rả từ đây. Bà nhớ lại: "Trước đây, gia đình có 2,5ha trồng lúa nhưng bấp bênh lắm. Hễ được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa. Vả lại, lợi nhuận không cao trong khi làm ra hạt lúa rất vất vả".
Không bằng lòng với thực trạng này, gia đình bà nghiên cứu, tìm kiếm nhiều loại lúa giống có giá trị kinh tế cao. Năm 2011, bà tìm hiểu trên mạng và thấy có giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa ở Nghệ An nên đã đặt mua 1kg về nhân giống trồng. Song song đó, bà cũng mua rất nhiều giống lúa khác để trồng nhân giống, làm cơ sở so sánh.
Bà Nga vừa chỉ tay vào đống lúa phơi trước nhà, hồ hởi nói: "Trong nhiều loại giống, cuối cùng tui chọn được giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu cũng như kháng bệnh mạnh, năng suất cao,…Đặc biệt là nó có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Đó là giống lúa thảo dược này". Theo bà Nga, cây lúa thảo dược khi trưởng thành cao khoảng 80cm, thân chắc khỏe có màu tím nhạt, còn hạt lúa màu tím nâu từ ruột ra tới vỏ, nhìn rất bắt mắt.
Khi bắt đầu trồng lúa thảo dược theo hướng hữu cơ, bà cũng gặp không ít khó khăn, do không biết đặc tính của giống lúa thảo dược này như thế nào nên cứ trồng theo kinh nghiệm hiện có. Do kỹ thuật canh tác chưa cao, không tìm được thuốc sinh học đặc trị sâu rầy nên năng suất rất thấp.
Tuy nhiên, bà và gia đình không nản chí, không ngừng tìm tòi học hỏi, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều vụ trồng và sự hỗ trợ của kỹ sư nông nghiệp các cấp. Dần dần, bà đã nắm được kỹ thuật canh tác lúa thảo dược an toàn theo hướng sinh học. Chính vì thế mà năng suất mỗi vụ từ 2 tấn tăng lên 4,5 tấn/ha và diện tích cũng tăng từ là 5.000m2 (năm 2012) lên 1,5ha như hiện nay.
Theo bà Nga, muốn trồng được lúa thảo dược chất lượng cao phải mất từ 2 năm trở lên, để cải tạo đất nhằm loại bỏ tạp chất, rồi quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng hết sức nghiêm ngặt như tuân thủ biện pháp canh tác "3 giảm, 3 tăng".
Theo bà, lượng giống gieo sạ chỉ 6 kg/công để cây lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh tấn công. Khác với trồng lúa thường, với lúa thảo dược thì không được dùng phân, thuốc hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học được chiết xuất để bồi dưỡng cho cây.
Ngoài ra, người trồng còn sử dụng các chế phẩm sinh học khác được chiết xuất từ các loại thảo dược như nấm, la hán quả, gừng, tỏi, ớt,... để phòng ngừa sâu bệnh cho lúa.
Theo bà Nga, phải rất kỹ lưỡng trong tất cả các khâu mới cho ra hạt lúa, hạt gạo thảo dược chất lượng cao.
Từ ế "gạo nhuộm màu" đến không đủ bán
Tuy nắm vững kỹ thuật trồng lúa, sản lượng gạo thảo dược bán ra thị trường khá nhiều nhưng bà Nga lại tiếp tục gặp những khó khăn khác, đó là đầu ra sản phẩm.
Ông Đoàn Văn Tài- chồng bà Nga- chia sẻ khó khăn ban đầu: "Mấy vụ đầu tiên, tui đầu tư tiền bạc, công sức nhiều lắm nhưng khi sản phẩm làm ra lại không tiêu thụ được. Đem tặng thì có người e dè không dám nhận vì cho là gạo nhuộm màu". Ông Tài cho biết thêm, khi biết rõ là gạo thảo dược thì họ cũng không dám thử, cứ nói "ăn vào không biết có sao không" hoặc "không quen ăn gạo lức",… Một phần còn vì không biết cách chế biến nên sản phẩm rất khó tiêu thụ.
"Quảng bá sản phẩm không đâu tốt bằng chính quê nhà", "vàng thiệt không sợ lửa", với tâm niệm ấy, gia đình bà Nga đã hướng dẫn chế biến và sử dụng sản phẩm lúa thảo dược. Song song đó, gia đình bà mang sản phẩm kiểm tra chất lượng gạo và hàm lượng dinh dưỡng.
Ông Tài cho biết: Do sản xuất lúa này theo hướng hữu cơ nên chất lượng hạt gạo đảm bảo an toàn. Gạo thảo dược có thể dùng nấu cơm để ăn, rang vàng xay ra làm trà uống, xay thành bột làm sữa gạo có tác dụng hỗ trợ tim mạch, huyết áp, khớp rất tốt,… đặc biệt tốt cho người thừa cân nữa.
Nhờ thế mà cứ 1 người mua về dùng thử thấy hiệu quả đã truyền tai nhau cho nhiều người khác dùng. Nhờ vậy, nhiều người đã biết đến gạo thảo dược của gia đình bà Nga. Ngoài ra, gia đình bà còn chào hàng ở hội chợ các tỉnh nên dần dần nhiều người biết đến và đặt hàng.
Cô Nguyễn Thị Bình Minh- giáo viên Trường THCS, THPT Hồng Đức (TP Hồ Chí Minh)- là khách hàng thường xuyên mua gạo thảo dược của bà Nga.
Cô chia sẻ: "Sau khi sinh 2 đứa con, cơ thể tôi phát phì liên tục, cao chỉ có 1,51m nhưng nặng 65kg. Do là giáo viên nên đứng lớp thường xuyên, chân tôi đi lại khó khăn. Tôi đã thử nhiều cách giảm cân nhưng không giảm được, may có người thân làm việc ở Vũng Liêm giới thiệu gạo thảo dược này.
Tôi dùng thử bằng nhiều cách khác nhau như làm trà, làm sữa,… kết quả uống khoảng vài tuần thấy ngủ ngon và khỏe khoắn. Tôi dùng thêm khoảng 2 tháng giảm được 1kg, dùng thêm 5 tháng nữa tôi giảm tới 10kg. Bây giờ, tôi không những giới thiệu cho đồng nghiệp và người xung quanh dùng mà còn làm đại lý để tiêu thụ sản phẩm gạo thảo dược của bà Nga".
Hiện lúa thảo dược được bà Nga xay thành gạo lức, đóng gói từ 2- 5kg cung cấp cho người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Bà Nga bộc bạch: "Làm giống lúa thảo dược này năng suất không cao, chi phí nhiều, nhưng bán được giá. Một năm tui làm 3 vụ, bình quân 1ha thu được 4,5 tấn/vụ.
Nếu chà gạo lức thì được 3 tấn, bán ra giá là 40.000 đ/kg. Một hecta cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí hết khoảng 25 triệu thì lợi nhuận 90- 100 triệu đồng. Như vậy, gia đình tui lời khoảng 300 triệu đồng/ha/năm".
Nhờ có nhiều vi chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe và sản xuất theo hướng hữu cơ mà giá trị hạt gạo thảo dược tăng lên gấp 3- 4 lần lúa thường.
Hiện nay, gạo thảo dược của bà Nga không đủ cung ứng ra thị trường. Bà đã mở rộng diện tích gieo sạ theo dạng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng lúa thảo dược này nhưng không thành công, bởi nông dân không chịu canh tác theo quy trình, kỹ thuật của gia đình bà; bởi phải tốn tới 2 năm để cải tạo đất sạch, trồng theo hướng hữu cơ mà năng suất thấp hơn lúa thường rất nhiều.
"Để đảm bảo chất lượng hạt gạo, tui tiếp tục mở rộng trên diện tích đất sẵn có từ 1,5ha lên 2ha nhằm cung cấp gạo thảo dược cho thị trường trong thời gian tới"- bà Nga tâm huyết cho biết thêm.
Có thể nói mô hình trồng lúa thảo dược theo phương thức hữu cơ của gia đình bà Lê Thị Nga cho ra sản phẩm chất lượng cao đã góp phần quan trọng cải thiện sức khỏe cho cộng đồng và gia tăng giá trị hạt gạo. Bên cạnh đó, phương thức canh tác hữu cơ còn giúp bồi dưỡng đất, bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân nông thôn.
Từ 1kg lúa giống thảo dược, gia đình bà Nga đã làm được nhiều điều!
Tấn Tân (Vĩnh Long Online)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.