Sau hơn 1 tháng triển khai, mô hình trồng dưa chuột Nhật được xuất khẩu tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình được triển khai theo hình thức liên kết “4 nhà”, 100% sản phẩm làm ra được công ty của Nhật ký hợp đồng bao tiêu.
Tháng 6 trời nắng nóng nhưng ngày nào gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp – Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn cũng có mặt tại ruộng để chăm sóc và thu hoạch dưa chuột Nhật đúng kích cỡ, đảm bảo tiêu chuẩn xuất bán.
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Bắc Ninh và phía đối tác Nhật Bản thăm mô hình trồng dưa chuột Nhật ghép trên gốc bí đỏ tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
“Giống dưa chuột Nhật này lớn rất nhanh nên ngày nào tôi cũng thu hái. Giống dưa này dễ trồng, dễ chăm sóc; đặc biệt áp dụng kỹ thuật ghép dưa chuột Nhật trên gốc bí đỏ, dưa chuột cho quả sai-to-đẹp-dài nên năng suất đạt rất cao. Nhà tôi trồng thử nghiệm 1 sào dưa mới thu hoạch 30% thời vụ đã đạt 6 tạ, từ nay đến cuối vụ thu hoạch tiếp, chắc chắn sẽ đạt trên 2 tấn/sào”, ông Hiệp phấn khởi nói.
Có 1 sào tham gia mô hình trồng dưa Nhật ghép trên gốc bí đỏ, ông Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn cho biết áp dụng kỹ thuật ghép dưa chuột Nhật trên gốc bí đỏ, tỷ lệ sống của cây ghép rất cao, cây sinh trưởng phát triển tốt, dưa chuột cho quả sai-to-đẹp-dài, nên năng suất đạt rất cao.
Chia sẻ về kỹ thuật ghép dưa chuột Nhật trên gốc bí đỏ, ông Hiệp cho biết, phía đối tác Nhật Bản hỗ trợ toàn bộ giống dưa chuột, bí đỏ và chuyển giao kỹ thuật ghép của Nhật cho nông dân Việt Nam. Cụ thể: Các hộ tham gia mô hình thực hiện gieo đồng thời hạt giống dưa chuột và bí đỏ. Sau 5 ngày cây bí đỏ và dưa chuột cao khoảng 5-7cm thì trồng chung 2 giống cây vào 1 bầu và bắt đầu thực hiện kỹ thuật ghép.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân kỹ thuật ghép cấy dưa chuột Nhật trên gốc bí đỏ. Ảnh Tư liệu.
Về kỹ thuật ghép ông Hiệp cho biết, đối với cây dưa chuột Nhật dùng dao sắc cắt ở giữa thân cây, vết cắt khoảng 2/3 chu vi cây, vết cắt vát lên. Cây bí đỏ cũng làm tương tự nhưng vết cắt vát xuống. Sau đó dùng ghép gốc bí đỏ với phần ngọn của của dưa chuột và dùng băng vải cố định vết ghép. Sau 2 ngày ghép tiến hành bóp dập gốc dưa chuột để ngọn dưa chuột lấy dinh dưỡng trên gốc bí. Sau 2 ngày tiếp theo khi ngọn dưa chuột đã phát triển tốt trên gốc bí đỏ thì cắt bỏ hoàn toàn gốc dưa chuột và mang ra ruộng trồng trên luống.
“Đây là phương pháp lai ghép mới được tiến hành thử nghiệm nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cho cây dưa chuột Nhật. Qua thực tế triển khai tôi thấy áp dụng kỹ thuật ghép dưa chuột Nhật trên gốc bí đỏ, tỷ lệ sống của cây ghép rất cao, cây sinh trưởng phát triển tốt, dưa chuột cho quả sai-to-đẹp-dài, nên năng suất đạt rất cao”, ông Hiệp khẳng định.
Theo các hộ trồng dưa Nhật ở xã Việt Đoàn, sau đúng 35 ngày kể từ khi thực hiện kỹ thuật ghép, dưa chuột Nhật bắt đầu cho thu hoạch và thời vụ thu hoạch dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Tham gia trồng 1 sào dưa Nhật, gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp mới thu hoạch 30% thời vụ đã đạt 6 tạ, năng suất dự kiến đạt đạt trên 2 tấn/ sào.
Cùng cảm nhận với Hiệp, các hộ tham gia mô hình đều phấn khởi, vui mừng khi công sức bỏ ra đã mang lại thành quả. Đặc biệt, khi tham gia mô hình, các hộ đã được hỗ trợ nhiều mặt như: Giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và ghép dưa chuột theo công nghệ của Nhật.
Điểm mấu chốt là 100% sản phẩm làm ra được công ty của Nhật ký hợp đồng bao tiêu. “Với giá bán dưa chuột Nhật loại 1 là 15.000đồng/kg, loại 2 bán với giá 13.000đ/kg, đến thời điểm hiện tại tôi đã thu được hơn 7 triệu đồng, dự kiến mỗi sào dưa thu hoạch hết sẽ được 20-30 triệu đồng/sào. Trồng dưa chuột Nhật cho hiệu quả kinh tế gấp 6-7 lần so với trồng dưa chuột ta”, ông Hiệp phấn khởi khoe.
Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thì sản phẩm cần đạt yêu cầu: Quả có kích thước đều, đường kính các phần trên quả tương đương nhau từ 1,2-1,5 cm, chiều dài trung bình 20cm, vỏ ngoài tươi, có màu xanh thẫm, không bị hư hại...
Tuy nhiên, do đây là mô hình mới, quy trình canh tác khác nhiều so với trồng dưa chuột ta, nên đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn. Dù vậy, các hộ vẫn mong muốn tiếp tục được tham gia các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Anh Lê Đắc Long ở thôn Liên Ấp có 1 sào dưa chuột Nhật chia sẻ: Lần đầu tham gia mô hình, tôi gặp nhiều bỡ ngỡ do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc và kỹ thuật thu hoạch, nên mấy lứa đầu để quả phát triển to quá, bán không được giá. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, việc phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng các chế phẩm sinh học và thảo mộc từ tỏi, ớt, sả… Tuy vất vả, mất nhiều công chăm sóc, nhưng mô hình trồng dưa chuột Nhật này lại cho thu nhập khá cao.
“Tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ, để chúng tôi được tham gia các mô hình trình diễn, nhất là được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, để thực hiện các mô hình tiếp theo đạt kết quả cao hơn.
Được biết vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai mô hình thí điểm trồng dưa chuột Nhật ghép trên gốc bí đỏ tại chi Hội Nông dân thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Theo đó, mô hình được triển khai trên diện tích 1.100 m2 với 700 cây giống dưa chuột được trồng. Các hộ dân tham gia được Hội ND và phía đối tác Nhật hỗ trợ 1,5 triệu đồng/sào tiền chi phí giống, vật tư và tập huấn chuyển giao KHKT của Nhật.
Ông Trần Đăng Sâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Qua triển khai thí điểm đối với loại dưa này, hiện có thị trường tiêu thụ rất triển vọng; ngoài thị trường trong nước thì đại diện bên phía đối tác Nhật Bản trực tiếp có mặt tại mô hình cam kết: Thông qua tổ chức Hội Nông dân, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng và an toàn thực phẩm để xuất khẩu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.