LẠ MÀ HAY: Nuôi chơi chơi con “phì phì” mà thành làng tỷ phú

Ngô Hùng Thứ năm, ngày 11/01/2018 06:30 AM (GMT+7)
Ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho đến nay không thiếu hộ nông dân tỷ phú. Theo người dân nơi đây, sở dĩ bà con có điều kiện kinh tế tốt như vậy là do nghề nuôi rắn hổ mang (người dân nơi đây gọi tắt là con phì phì) đem lại…
Bình luận 0

img

Ở Tứ Xã hiện có hàng chục, hàng trăm tỷ phú nhờ nghề nuôi và kinh doanh rắn hổ mang phì. (Ảnh Ngô Hùng)

Đến Tứ Xã bây giờ, mọi người sẽ thấy một làng quê có kinh tế phát triển với con đường làng được trải nhựa, đổ bê tông phẳng lỳ, 2 bên là những ngôi nhà kiểu biệt thự phố kiên cố hiện đại, bên trong chứa nhiều đồ vật đắt tiền và những phương tiện giao thông đời mới.

Ngỡ ngàng trước một vùng quê giàu có, nổi bật với các địa phương bên cạnh đã khiến chúng tôi không khỏi tò mò và muốn được tìm hiểu. Theo người dân nơi đây, khoảng hơn chục năm trước, Tứ Xã cũng chỉ có nghề nông thuần túy, kinh tế bấp bênh, nghèo khổ như những vùng nông thôn khác. Đời sống người dân chỉ thay đổi từ khi mọi người đua nhau nuôi rắn hổ mang phì.

img

Từ hộ gia đình làm nghề nông, kinh tế khó khăn, gia đình bà Loan đã có của ăn của để, khi từ năm 2000 đến nay nuôi rắn hổ mang phì. (Ảnh Ngô Hùng)

“Gia đình tôi có được cơ ngơi và điều kiện kinh tế như thế này cũng nhờ nuôi con “phì phì” mà có. Khoảng năm 2000, thấy nhiều người ở xã nuôi rắn hổ mang phì đem lại thu nhập cao, gia đình tôi cũng mạnh dạn đầu tư vốn vào nghề này. Được cái rắn hổ mang phì nuôi không tốn công sức nhiều, nhưng lại đem về thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với làm trồng cây, nuôi con khác”, bà Nguyễn Thị Loan, trú tại khu 1, xã Tứ Xã vui vẻ chia sẻ.

img

Theo bà Loan, nuôi rắn hổ mang phì đầu tư cũng không cao như nhiều người nghĩ nhưng đem lại thu nhập cao. (Ảnh Ngô Hùng)

Cũng theo bà Loan, khi bắt đầu nuôi rắn hổ mang phì, gia đình bà chỉ phải bỏ vài chục triệu đồng làm chuồng trại và rắn giống. Thức ăn cho rắn cũng đơn giản với các loại như cóc, trong khi đó, với thời kỳ sinh trưởng thì 4 ngày mới phải cho ăn 1 lần, 3 tháng mùa đông thì rắn “ngủ đông” nên không phải cho ăn.

“Thời gian đầu, vợ chồng tôi cứ đi quanh vùng bắt cóc, sau cần nhiều mới phải mua thức ăn cho đàn rắn, ngay năm đầu gia đình đã có lãi cả trăm triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, từ 200 con lên 500 con, thu nhập từ đó cũng nâng lên. Ngay cả những năm từ 2013 – 2015, do thị trường Trung Quốc đóng cửa, nhưng mỗi năm gia đình chỉ bán trứng và một ít rắn thịt cũng vẫn có lãi khoảng 100 triệu đồng. Năm 2016 và 2017, giá rắn thịt tăng cao nên thu nhập được nhiều hơn”, bà Loan cho biết thêm.

img

Không chỉ thịt, trứng mà da rắn cũng có thể bán cho thương lái thu mua về làm thuốc bắc. (Ảnh Ngô Hùng)

Theo tìm hiểu của Dân Việt, ở Tứ Xã, nuôi rắn đã được coi là nghề chính, đem về thu nhập lớn cho hàng trăm hộ dân ở nơi đây. Cũng nhờ nghề này, Tứ Xã được mệnh danh là “xã tỷ phú” với sự chuyển mình “thần kỳ” về kinh tế.

“Đang là một vùng quê nghèo đói, người dân quanh năm chỉ quanh quẩn bên ruộng nương, bữa đói bữa no, ai ngờ chỉ một thời gian ngắn, hàng trăm ngôi nhà kiên cố cao tầng được xây dựng, xe máy, ô tô hiện đại đi lại nhộn nhịp, đồ đạc đắt tiền được người dân mua từ khắp nơi chuyển về. Đúng là một sự thay đổi quá sức tưởng tượng, quá “thần kỳ” mà không phải vùng quê nào cũng có được”, ông Khổng Văn Toan, trú tại khu 2, xã Tứ Xã tự hào kể.

img

Hiện tại rắn đang ngủ đông nên người dân cũng không cần phải cho ăn. (Ảnh Ngô Hùng)

Ở Tứ Xã, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, khu 12 được xem là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư nuôi rắn hổ mang phì nhiều nhất và cũng thu lại lợi nhuận kinh tế lớn từ nghề này. Gia đình ông Xuân trước đây cũng chỉ làm ruộng và buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế vì thế cũng không khá giả là mấy. Năm 1997, sau khi tìm hiểu được nghề nuôi rắn hổ mang ở Vĩnh Phúc, ông đã ngay lập tức “bén duyên” và đầu tư vào nghề này luôn.

img

Nhờ nghề nuôi rắn hổ mang, nhiều hộ dân xã Tứ Xã đã trở thành tỷ phú ngay trên quê hương của mình. (Ảnh Ngô Hùng)

“Ngày ấy, nuôi rắn hổ mang với người dân nơi đây còn hết sức mới mẻ và chưa ai tưởng tượng được, nhưng một lần tôi cùng người bạn xuống Vĩnh Phúc chơi, vô tình vào một làng nuôi rắn, thấy kinh tế địa phương khấm khá nên ngay lập tức tôi nảy sinh ý tưởng “học mót” nghề này. Sau thời gian nghiên cứu, tôi quyết định xây chuồng để nuôi rắn hổ mang phì này. Chỉ ngay năm đầu tôi đã có lãi với số tiền lớn, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng, đến nay trong chuồng nhà tôi luôn có từ 1.500 – 2.000 con rắn hổ mang", ông Xuân chia sẻ với Danviet.

img

Hiện tại gia đình ông Xuân luôn có từ 1.500 - 2.000 con rắn hổ mang phì. Ai "nhát vía" trông thấy cơ man nào là rắn độc hổ mang, nhưng với những người trong nghề nuôi rắn như ông Xuân thì việc bắt, "thăm khám" sức khỏe cho đàn mãng xà này là quá đỗi bình thường. (Ảnh Ngô Hùng)

“Đầu tư ít, lãi lớn, với số lượng như vậy, vừa làm vừa chơi, mỗi năm tôi cũng kiếm được vài trăm triệu từ nghề này. Kể cả rắn hổ mang có bán chậm, giá rẻ như từ năm 2013 – 2015, tính toán lại gia đình vẫn có lãi, số tiền cao hơn nhiều so với nghề cửu vạn lại nhàn hạ, không tốn công và còn có thời gian để buôn bán, làm nghề khác kiếm thêm thu nhập”, ông Xuân chia sẻ.

Cũng theo ông Xuân, nhờ nghề nuôi rắn hổ mang phì, gia đình đang từ hộ khó khăn, nhưng nay đã có khối tài sản nhiều tỷ đồng, mấy người con ông đều được ăn học tới nơi tới chốn, được thoát ly và có công việc ổn định thủ đô dưới Hà Nội.

img

Ngoài ngôi nhà khang trang, ông Xuân còn mua thêm được đất, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

(Ảnh Ngô Hùng)

“Tôi dù có mơ cũng không thể ngờ được mình có được ngày như hôm nay. Điều mừng là, nhờ nghề nuôi, kinh doanh rắn hổ mang phì, ở Tứ Xã đã có quá nửa những gia đình trở thành triệu phú, tỷ phú, thế hệ con cháu cũng vì thế mà có điều được theo học đại học rồi thoát ly, phát triển một cách bền vững”, ông Xuân cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem