Lạ: Nông dân nơi này tăng diện tích trồng bí chỉ vì dịch Covid, doanh nghiệp về mua tận ruộng
Lạ: Nông dân nơi này tăng diện tích trồng bí chỉ vì dịch Covid, doanh nghiệp về mua tận ruộng
Minh Phượng
Thứ sáu, ngày 16/07/2021 09:24 AM (GMT+7)
Người dân được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm… Đây là cách làm từ nhiều năm nay giữa Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát và nông dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) trong mô hình trồng bí lấy hạt.
Đã 7 năm liên tiếp, gia đình bà Vì Thị Nga (thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương) ký hợp đồng với Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát (TP.HCM) triển khai trồng bí lấy hạt. Những năm trước, vì không có nhân lực, gia đình bà chỉ trồng 500m2, nhưng năm nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sẵn nhân lực không đi làm xa được, gia đình chủ động nhận trồng 1.000m2 bí ngô và 800m2 bí đao.
Bà Nga cho biết: "Vụ này năm trước, gia đình thu được gần 50kg hạt bí ngô giống, với giá 400.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về 15 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, số quả thu về nhiều hơn, hạt rất chắc, gia đình ước tính thu được 1 tạ hạt bí ngô và 60kg hạt bí đao. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi có thể thu về trên 50 triệu đồng".
"Mô hình trồng bí lấy hạt tại xã Sơn Lương thể hiện sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Vụ đông xuân năm nay toàn xã trồng bí lấy hạt với tổng diện tích hơn 5ha, dự kiến vụ tới mở rộng thêm 3 - 5ha".
Ông Hà Văn Hưng -
Chủ tịch UBND xã Sơn Lương
Gia đình anh Nguyễn Văn Nối (ở thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương) là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng bí lấy hạt của xã. Bắt đầu trồng bí lấy hạt từ năm 2011, ban đầu gia đình anh chỉ trồng ít theo bà con, sau thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây rau màu khác nên gia đình anh đã đầu tư cải tạo toàn bộ đất vườn của gia đình để trồng bí lấy hạt. Đến nay, gia đình anh trồng hơn 2.500m2, trong đó 1.500m2 trồng bí đỏ và 1.000m2 trồng bí xanh.
Theo anh Nối, trồng bí lấy hạt, ngoài việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì khâu thụ phấn đóng vai trò quan trọng. Công đoạn thụ phấn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ vì phải làm thủ công từng bông và kết thúc trong vòng 1 tuần khi hoa cái còn chưa nở. Người trồng phải đi thụ phấn vào buổi sáng sớm và lấy giấy đậy lại giúp tránh côn trùng cắn phá, nếu có mưa sẽ không bị ảnh hưởng đến khả năng đậu quả. Để tránh nhầm lẫn, phải đánh dấu vào những bông đã thụ phấn để thuận lợi cho quá trình thu hoạch.
Anh Nối cũng cho biết thêm, mô hình trồng bí lấy hạt rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giống cây khỏe, ít sâu bệnh và dễ chăm bón. Ngoài ra, thời gian thu hoạch chỉ mất khoảng 120 ngày kể từ ngày xuống giống. Nếu người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/ha và cao gấp 5 lần so với các loại cây rau màu khác. Mặt khác, công ty chỉ thu mua hạt nên sau khi thu hoạch, phần thịt quả được người dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm đã tiết kiệm được chi phí đầu vào cho chăn nuôi.
Nông dân chỉ việc trồng, công ty lo tất
Là địa phương có truyền thống phát triển nông nghiệp, trước đây, nhân dân xã Sơn Lương chủ yếu độc canh cây lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân đã chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả chưa cao.
Năm 2014, Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát đã về Sơn Lương vận động bà con trồng bí bán hạt giống cho doanh nghiệp, với hình thức nhân dân bỏ đất, bỏ công, doanh nghiệp cung ứng hạt giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Sản phẩm hạt bí được doanh nghiệp thu mua hết với giá từ 400.000 - 600.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ đã chủ động trồng thử nghiệm.
Sau 7 năm triển khai, các mô hình trồng bí ngô đã được nhân rộng và ngoài trồng bí ngô lấy hạt, nay mở rộng trồng bí đao, bầu và mướp đắng lấy hạt. Giá thu mua hạt bí luôn giữ được ổn định trung bình từ 400.000 - 800.000 đồng/kg tùy loại hạt. Từ chỗ chỉ có vài hộ đăng ký thực hiện, đến nay đã có trên 120 hộ ở xã Sơn Lương tham gia.
Vụ đông xuân 2021, Công ty TNHH Tân Lộc Phát tiếp tục triển khai hợp tác trồng bí lấy hạt với nông dân tỉnh Yên Bái trên tổng diện tích 12ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Phù Nham và Sơn Lương của huyện Văn Chấn. Công ty cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật nằm vùng tại địa phương, luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình trong suốt mùa vụ.
Ông Hà Văn Toán - Trưởng nhóm trồng bí lấy hạt ở thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương cho hay: "Mỗi ha trồng bí ngô có thể thu hoạch 800 - 1.000kg hạt, trừ chi phí nông dân có thể thu lãi trên 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhân dân còn tận thu lá, quả làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, việc ký kết hợp đồng với đơn vị bao tiêu sản phẩm rất uy tín và đơn vị luôn cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn sát sao, quá trình sản xuất, nếu gặp bất lợi, thiệt hại do thời tiết đơn vị còn hỗ trợ thêm, cá nhân làm tốt còn được thưởng thêm nên nhân dân rất yên tâm, phấn khởi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.