“Lá phổi” Hà Nội đang hấp hối

Thứ tư, ngày 24/03/2010 07:56 AM (GMT+7)
NTNN - Cá hồ Trúc Bạch chết trắng; nước Hồ Gươm ngày càng bẩn khiến cụ rùa liên tục nổi lên... Cả trăm hồ nước ở Hà Nội - những lá phổi của Thủ đô đang ô nhiễm nghiêm trọng.
Bình luận 0

img
Hồ nước ô nhiễm, cá chết hàng loạt.

Cá chết hàng tấn

Trong ngày 23-3, Công ty Môi trường Hà Nội đã cử 10 nhân viên đến xử lý số cá chết, nổi  trắng cả mặt hồ Trúc Bạch.  Số cá chết được các nhân viên môi trường vớt chưa kịp thu gom, nên ruồi nhặng bâu kín,  mùi xú uế tràn khắp hồ.

Anh Nguyễn Văn Thắng- Công ty Môi trường Hà Nội cho hay: “Riêng trong buổi chiều 23-3 đã gom được 10 bao tải xác cá, mỗi bao 20kg”. Theo anh Thắng, cá chết ở hồ Trúc Bạch xuất hiện gần 1 tuần nay và số lượng vớt lên đã đến hàng chục tấn. 

Theo quan sát của phóng viên NTNN, mặc dù công nhân môi trường Hà Nội nỗ lực làm việc, nhưng xác cá chết vẫn tụ thành từng mảng lớn cạnh nhà hàng Bánh tôm Hồ Tây và khu vực đền Cẩu Nhi. Phần lớn số đó là cá mè, với trọng lượng trung bình khoảng 0,4kg.

Bà Nguyễn Thị Lan nhà trên phố Trấn Vũ cho biết, xác cá chết nổi lên từ sáng 17 - 3  sau đó xuất hiện ngày càng nhiều. Do lượng cá chết quá lớn, nên nhân viên môi trường vớt không xuể, mùi hôi thối xông lên nồng nặc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Trao đổi với NTNN,  bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc Công ty cổ phần Trúc Bạch, đơn vị được giao nuôi trồng thuỷ sản cải tạo môi trường tại hồ Trúc Bạch, cho biết: “Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy số cá chết đều bị đỏ mang và trên mình có nhiều nốt màu đỏ. Đây là dấu hiệu cho thấy  cá bị nhiễm nấm,  bởi môi trường nước hồ ô nhiễm”.

Cũng theo bà Lý, hồ Trúc Bạch có diện tích 3.700m2. Hiện đang  có hai mương dẫn nước xả thải của làng Ngũ Xã 1 và Ngũ Xã 2- chuyên sản xuất đồ đồng đổ ra. Đây là nguyên nhân làm cho nước trong hồ bị ô nhiễm, làm cá chết hàng loạt. 

Ông Nguyễn Văn Tiến - chủ thầu hồ cá Trúc Bạch cho biết thêm: Việc có quá nhiều nhà hàng xung quanh hồ, xả nước thải, cộng thêm nước sinh hoạt của người dân đổ trực tiếp xuống hồ cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi sinh tại đây.

Cần mạnh tay với doanh nghiệp gây ô nhiễm

Tìm hiểu việc hàng tấn cá chết sẽ đi về đâu, xử lý như thế nào, anh Nguyễn Văn Thắng - Công ty Môi trường Hà Nội cho hay số cá này sẽ được tập kết tại bãi nổi sông Hồng đổ vào bể chứa, đến khi cá phân huỷ sẽ lấy làm nước tưới rau. Riêng khả năng mang cá đi  tiêu thụ, vào bếp ăn là khó vì cá  chết vớt lên đều đã ươn thối, mềm nhũn...

Trao đổi với NTNN chiều 23-3, ông Nguyễn Văn Lưỡng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: Ngoài hồ Trúc Bạch, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có 142 hồ, trong đó khu vực nội thành có 110 hồ. Hầu hết các hồ  hiện đều ô nhiễm với các tỷ lệ khác nhau.

Thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các chất hữu cơ, vô cơ, các hợp chất nitơ, vi sinh vật, chất rắn lơ lửng, dầu mỡ. Một số nơi còn phát hiện kim loại nặng vượt tiêu chuẩn cho phép, nước có màu đen, mùi hôi thối.  

Về nguyên nhân gây ô nhiễm, ông Lưỡng cho biết, phần lớn do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải từ các làng nghề... không qua xử lý đổ thẳng vào sông hồ.

img
Nhân viên Công ty Môi trường Hà Nội  gom xác cá chiều 23- 3.

Trong khi đó, sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chưa đúng mức; chưa thực sự lồng ghép vấn đề môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển; hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm chưa kiên quyết, chế tài chưa đủ mạnh, mức xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ răn đe các cơ sở gây ô nhiễm...

Vẫn theo ông Lưỡng, vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố đã xử lý ô  nhiễm tại 7 hồ nội thành. Bằng nhiều biện pháp xử lý  khác nhau, mức độ ô nhiễm của các hồ này đã giảm đáng kể. Trên cơ sở này,   Chi cục sẽ tiếp tục mở rộng xử lý tiếp 26 hồ khác như hồ công viên Bách Thảo, Trúc Bạch, Thủ Lệ, Giảng Võ, Nghĩa Tân, Thành Công, Bảy Mẫu...

Dự kiến việc xử lý này sẽ hoàn thành vào quý  4- 2010. “Biện pháp trước mắt hạn chế ô nhiễm của các hồ là xây dựng các điểm xử lý nước thải tại các khu vực dân cư ven hồ. Về lâu dài, thành phố cần có các biện pháp mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp và đối tượng gây ô nhiễm. Phải có hình thức phạt nặng, cao nhất có thể đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm, đồng thời quy hoạch lại làng nghề trong thành phố và tiến tới di dời làng nghề ra xa khu vực nội thành” - ông Lưỡng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem