Ở nước ta, sen vốn là loại cây phổ biến, được trồng ở khắp các vùng miền trên từ Bắc vào Nam. Thậm chí còn có những vùng trồng sen nổi tiếng như: Sen Tây Hồ, sen Huế, sen Đồng Tháp Mười… Theo đó, vào mùa loại cây này không chỉ cho bông hoa đẹp để ướp trà, cắm trang trí, hạt sen và củ sen được khai thác để làm nguyên liệu chế biến thành các món ăn hấp dẫn.
Đáng chú ý, ở loài cây này, lá của chúng cũng được tận dụng làm rất nhiều việc khác nhau. Ngoài để gói xôi, gói cốm… lá sen tươi, sen khô còn được sử dụng để làm trà uống hàng ngày. Được các chị em đặc biệt ưa chuộng.
Trên thị trường, 1kg lá sen tươi đã cắt nhỏ có giá lên tới 70.000 đồng, lá sen khô giá từ 110.000-200.000 đồng/kg. Thậm chí, có cửa hàng thực phẩm hữu cơ còn bán lá sen khô với mức giá lên tới 400.000 đồng/kg.
Lá sen có rất nhiều ở Việt Nam vì là cây trồng phổ biến ở các vùng miền
Theo các chủ cửa hàng, sở dĩ lá sen có giá khá cao, được các chị em chuộng mua về dùng là bởi chúng có nhiều tác dụng trong việc làm đẹp, đặc biệt là giảm cân.
Chị Đào Thị Mai Anh – chủ một cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP HCM) cho biết, trà lá sen chị bán được làm hoàn toàn bằng lá sen sấy khô. Loại trà này còn đắt hơn các loại trà xanh (trà mạn) thông thường ngoài thị trường. Chị thường chia gói 500gram và bán với giá 200.000 đồng/gói.
“Là lá thôi nhưng lại đắt hơn hoa, hơn hạt sen và củ sen rất nhiều”. Chị nói và cho biết, dù có giá khá cao nhưng các chị em phụ nữ lại rất ưu chuộng. Bởi, trà thơm, dễ uống, uống thay nước hàng ngày mà lại có thể giảm cân, giữ dáng đẹp.
Chị Anh cũng tiết lộ, loại trà này không khó kiếm, được bán tràn ngập trên thị trường nhưng rất hút khách. Trung bình mỗi tuần chị bán được khoảng 50-60kg trà lá sen.
Tương tự, chị Lê Thanh Hà ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, dịp này đang mùa sen nên chị còn bán cả lá sen cắt nhỏ với giá 70.000 đồng/kg. Còn lá sen phơi một nắng chị bán giá 150.000 đồng/kg.
Loại lá này đem cắt nhỏ rồi sấy khô bán làm trà với giá khá cao, được thị trường ưa chuộng
Việc sử dụng lá sen khô tương đối đơn giản. Khi dùng chỉ cần thả một lượng lá sen sấy khô vừa đủ vào bình nước sôi và để khoảng từ 10-15 phút là đã có thể thưởng thức. Nếu sử dụng lá sen sấy khô để giảm cân thì chỉ nên pha loãng và uống từ 4-5 cốc trà mỗi ngày. Bên cạnh đó bạn có thể kết hợp lá sen với các loại thảo dược khác để điều trị bệnh.
Theo Đông y, lá sen có vị đắng chat, tính bình. Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Do đó, hiện nay lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị béo phì, phòng trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, theo dược lý học hiện đại, lá sen có chứa các chất như Roemerine, Nuciferine, Nornuciferine, D- N-Methylcoclaurine, Anonaine, Liriodenine, isoquercitrin, Gluconic axit... Trên mô hình thực nghiệm chuột gây tăng cholesterol máu bằng chế độ ăn, nước sắc lá sen có tác dụng làm giảm cholesterol rõ rệt.
"Kinh nghiệm dùng lá sen để hãm uống thay trà hoặc uống tro lá sen để phòng chống béo phì được người xưa biết đến từ lâu, thậm chí ghi lại trong các y thư cổ như Bản thảo bị yếu, Trấn nam bản thảo…". BS Toàn khẳng định hoàn toàn có thể sử dụng lá sen để giảm cân.
Theo BS Toàn, uống nước lá sen kết hợp tập thể dục đúng cách sẽ giúp giữ dáng thon, giảm béo hiệu quả và an toàn, không gây mất sức. Tuy nhiên, không dùng nước lá sen thay nước khi đang dùng song song với thực phẩm giảm cân khác. Nên uống nước lá sen trước bữa ăn ít nhất 30 phút hoặc sau bữa ăn khoảng 1h để không gây ảnh hưởng quá trình tiêu hóa.
Với trường hợp muốn sử dụng lá sen để chữa mất ngủ, trước khi sử phải đi khám để xem cơ thể mình thuộc thể gì. Nếu là thể hàn thì không nên dùng lá sen, bởi về lâu dài sẽ gặp các tác dụng phụ như mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, hay hồi hộp, tim đập nhanh bất thường và có nguy cơ giảm chức năng sinh lý.
Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, đang trong chu kỳ kinh nguyệt đều không nên dùng lá sen vì có thể gây suy giảm sức khỏe.
Lưu Minh (VietnamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.