Lạc lối giữa rừng hoang: Sát thủ của rừng

Thứ tư, ngày 05/09/2012 07:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều ý kiến cho rằng rừng ở Đăk Lăk bị cạo trọc hàng năm có sự “góp sức” rất lớn của dân di cư tự do (DDCTD).
Bình luận 0

Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng nhận định trên thiếu căn cứ. Song, thực tế là hàng vạn DDCTD đang sống giữa rừng và trên đất rừng...

Cái sảy nảy cái ung

Hôm dẫn chúng tôi vào bản Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư MGar), ông Phạm Đình Tường- Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm - đơn vị quản lý khu rừng này kể: Cách đây 15 năm, giữa khu rừng âm u này xuất hiện 12 hộ đồng bào Mông từ phía Bắc vào. Họ lén lút phá rừng, tỉa bắp. Đơn vị can ngăn, báo cáo về huyện. Huyện cho lực lượng phá lều trại, mang ô tô chở số người này về quê cũ.

img
Mặc dù được bố trí nơi ở mới tốt hơn nhưng dân bản Mông vẫn thích sống trong rừng.

Việc đã bị một vị lãnh đạo trách quở, rằng không nên xua đuổi, phá lều lán của dân. Vậy là từ đó, huyện, tỉnh không dám “mạnh tay” nữa, dù dân chui vào giữa rừng sinh sống nhưng chính quyền cũng vận động là chính; giao cho đơn vị giữ rừng canh chừng không cho dân tiếp tục phá rừng. Nhưng núi rừng bao la, người giữ rừng thì ít. Dân vào rừng không có đất sống bằng gì? Rừng mất vì thế!

Bản Mông từ 12 hộ (năm 1997) giờ đã có gần ngàn người, sinh sống ngay trên các tiểu khu 540, 544, 547 của lâm trường. Ban đầu diện tích rừng bị phá chỉ vài chục ha, giờ ít nhất đã có 350ha bị cạo trọc. Khi rừng đã ngã xuống, ngô sắn, nhà cửa đã mọc lên thì việc xử lý càng không hề dễ. Chính vì điều này mà huyện bàn với tỉnh làm thủ tục cấp luôn diện tích này cho dân. Việc này chẳng phải tiền lệ bởi trước đó, nhiều thôn, làng của DDCTD được công nhận đều nằm trên đất rừng.

Thôn Bình Lợi, xã Chư MLanh (huyện Ea Súp) ngày xưa cũng là tiểu khu 265 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư MLanh. Bà Bàn Diệu An Kỳ - Trưởng thôn Bình Lợi cho biết, thôn bà giờ phải lên đến 150 hộ rồi. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, thôn chỉ có chừng hơn 10 hộ. Lúc ấy, bà Kỳ từ Đồng Nai lên cứ chui lủi vào rừng phát rẫy, rồi định cư sinh sống đến giờ. Mấy năm nay, bà Kỳ cứ cắt đất bán để nuôi con đi học ngoài phố thị. Dù vậy đất của bà cũng còn đến hơn 10ha. Nếu tính chung, đất của cả thôn phải đến 300ha, tất cả đều là đất của Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Cư MLanh. Giờ dân thôn bà không phá rừng nữa vì… chẳng còn rừng để phá.

Nếu bên trong là thôn Bình Lợi thì phía ngoài (hướng thị trấn Ea Sup), tiểu khu 265 là một rừng… mì. Không đâu xa, ngay xung quanh trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư MLanh mà đường quang, cây rừng cháy đen, đổ ngổn ngang. Người ta ậm ờ về việc rừng mất một cách rất dễ dàng, nhưng chắc hẳn họ biết rừng đó là do ai phá. Bởi ở đó không chỉ có rẫy mì mà có cả nhà cửa, hàng quán mọc lên. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư MLanh có 915,9ha rừng, đến cuối năm 2011 những cây rừng cuối cùng của đơn vị này quản lý đã bị hạ nốt. Phần đa diện tích bị phá này giờ là nhà, rẫy của dân DDCTD. Cũng từ cái sảy nảy ra cái ung, từ những vụ việc nhỏ không được xử lý kiên quyết, triệt để dẫn đến hàng trăm, hàng ngàn ha rừng biến thành bình địa.

Đe dọa rừng từng giờ

Người ta thống kê, chỉ trong chưa đầy 4 năm, cả tỉnh Đăk Lăk đã có đến hơn 9.000ha rừng bị lấn chiếm. Dĩ nhiên không phải tất cả diện tích này do DDCTD phá, nhưng những người này góp phần không nhỏ làm nên “thành tích” ấy. Tại Lâm trường Buôn Ja Wầm, ông Phạm Đình Tường kể: Từ năm 1997 đến nay, xung đột luôn xảy ra giữa cán bộ quản lý bảo vệ rừng và DDCTD. Nếu trước đây, DDCTD còn e dè thì nay họ ngày càng trở nên manh động.

Ngành chức năng của Đăk Lăk vẫn chưa thể thống kê được đã có bao nhiêu diện tích rừng giờ thuộc sở hữu của DDCTD. Dù có thống kê được thì chỉ là tạm thời, bởi vẫn còn hơn 3.500 DDCTD chưa có đất. Họ có thể không phá rừng nhưng sẽ mua lại rẫy do người khác phá rừng.

Đơn cử như năm trước, chỉ vì đơn vị phát hiện bắt giữ Lý Văn Tằng về hành vi phá rừng mà người bản Mông đã “xử” cấp dưới của ông Tường bằng gậy gộc, dao rựa và cả súng tự chế. Họ không chỉ bắt giữ, đánh nhân viên của lâm trường mà còn đòi mang về bản Mông “xử tội”. “Trận chiến” hôm ấy khiến 3 người của lâm trường phải nhập viện với thương tích đầy người. Trước đó, cũng chỉ vì quyết giữ rừng, anh Nguyễn Kim Miêu - cán bộ lâm trường- đã bị bắn vào ngực, viên đạn giờ vẫn còn nằm trong phổi…

Câu chuyện của ông Tường dường như cũng là thực trạng chung ở hầu hết các công ty lâm nghiệp tại Đăk Lăk. Đồng lương quản lý bảo vệ rừng ít ỏi nhưng tính mạng luôn bị đe dọa khiến không ít cán bộ quản lý bảo vệ rừng phải “suy nghĩ”. Một nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư MLanh bộc bạch: “Sợ thì chẳng phải, nhưng làm không nổi. Cán bộ quản lý bảo vệ rừng chẳng có lấy một công cụ nào để tự vệ, trong khi người dân thì ngày càng bạo”.

Kỳ cuối: Không ngày bình yên

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem