Lãi hơn 40% từ lúa chất lượng cao

Thứ tư, ngày 19/01/2011 17:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Báo cáo của Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, hiện hơn 80% diện tích sản xuất lúa của toàn thành phố đã chuyển dần sang trồng các nhóm giống lúa thơm, lúa đặc sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bình luận 0

Trồng lúa để xuất khẩu...

img
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở TP. Cần Thơ.

Trong năm 2010 vừa qua, cơ cấu giống lúa đã được nông dân sử dụng có thiên hướng chuyển hẳn sang nhóm Jasmine 85, với tỉ lệ xuống giống chiếm gần 44% diện tích gieo trồng.

Nhóm Jasmine 85 này có ưu thế hạt dài, không bạc bụng, chất lượng gạo thơm ngon. Tuy năng suất thấp hơn các nhóm giống lúa cao sản truyền thống, nhưng giá thành luôn cao hơn từ 30 - 40% nên được đông đảo nông dân tại các quận, huyện như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt, Nông trường Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu... ưu chuộng.

Hiện nay, chỉ riêng vụ đông xuân đang làm, diện tích gieo sạ Jasmine 85 của bà con nông dân huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Nông trường Cờ Đỏ đã tăng hơn 30% so với những năm trước. Theo Sở NN&PTNT thành phố, nguyên nhân là do nhu cầu thu mua lúa Jasmine 85 của các doanh nghiệp đang tăng lên nhanh chóng trong 2 năm trở lại đây.

Đây là hướng đi tích cực và có thể đưa Cần Thơ trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiến gần hơn đến nền nông nghiệp "chất lượng cao".

Ngoài ra, các nhóm giống OM, lúa hạt dài, nguyên liệu chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao (loại 5% tấm) cũng đang gia tăng diện tích, lấn át dần các giống lúa thường.

Điển hình như giống OM 2517 đang chiếm hơn 11,3% diện tích, tập trung chủ yếu tại huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt; giống OM 4218: chiếm 8,9% tập trung chủ yếu tại huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và nông trường Sông Hậu. Các giống hạt dài khác cũng đang được trồng phổ biến như: OM 7347, OM 5451, OM 1490, OM 6162, VD 20, OM 4900, OM 5472...

Trong khi đó, theo khảo sát mới đây của Trung tâm Khuyến nông thành phố, hiện giống lúa IR 50404 (phẩm chất thấp) chỉ còn chiếm tỉ lệ 19,7% diện tích gieo trồng.

Nông dân sẽ lãi hơn 40%

Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại; chuyển giao khoa học kỹ thuật và giống tốt cho nông dân. Mục tiêu hướng tới là sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, gắn với gia tăng chất lượng và giảm chi phí - giá thành… Vì vậy, trong năm qua, nông dân làm lúa của thành phố đều đạt mức lợi nhuận hơn 40%!".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến mức lợi nhuận cao của nông dân Cần Thơ còn do sức thu mua của các DN lương thực đóng trên địa bàn mạnh và đồng loạt, đặc biệt là các chương trình thu mua tạm trữ… Bà con nông dân hầu hết bán được lúa mà không bị tồn đọng lâu ngày. Chỉ riêng điều này đã giúp nông dân giảm áp lực lãi suất vay, thu hồi vốn nhanh để đầu tư vụ mới…

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Minh Mạnh, một nông dân làm 3ha lúa ở huyện Thới Lai, cho biết: "Làm lúa chất lượng cao dù năng suất thấp hơn lúa thường, nhưng dễ tiêu thụ và luôn bán được giá hơn… Vì vậy, từ khi chuyển sang làm lúa xuất khẩu, chúng tôi rất an tâm về khâu tiêu thụ và giá cả, lợi nhuận!".

Mục tiêu của thành phố là hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao - chất lượng cao và gắn với nâng cao thu nhập cho nông dân. Sắp tới chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản nói chung và cây lúa đặc sản nói riêng, để tiến tới liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem