Lãi suất cho vay ngắn hạn tăng lên mức 7%/năm

Nguyễn Ngân Thứ hai, ngày 04/12/2017 10:33 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp lớn phản ánh lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng đã được điều chỉnh tăng lên mức sàn là 7%/năm, thay vì mức 5,6%/năm trước đó.
Bình luận 0

Theo nguồn tin của Dân Việt, việc điều chỉnh lãi suất cho vay kỳ ngắn hạn được diễn ra khá đồng đều ở nhiều ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, MB...

Nguyên nhân được cho là các ngân hàng đã tiêu gần hết “quota” tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho hồi đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã phải xin thêm và cũng sắp hết. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, điều này đã tác động tới giá vốn nên buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay.

Hãm đà tăng trưởng tín dụng

Khá bất ngờ với thông tin Vietcombank điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, vì ngân hàng này dường như “một mình một đường” trong việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động, còn nhiều ngân hàng khác đồng loạt điều chỉnh tăng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết mặc dù chúng tôi giảm lãi suất huy động ở mức thấp nhất thị trường hiện nay nhưng nguồn vốn chảy vào Vietcombank quá lớn. Hiện Vietcombank chỉ huy động cao nhất là 6,5%/năm thấp hơn các ngân hàng khác là 6,7%/năm trở lên.

img

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt hơn 15%, trong khi chỉ tiêu NHNN giao là 16% trong năm 2017. (Ảnh: I.T)

Ông Thành cho biết năm nay, Vietcombank dự kiến tín dụng tăng cao hơn 2% so với nguồn vốn huy động, vì hệ số sử dụng vốn chỉ trên 7%, tức là cứ 100 đồng vốn huy động thì chỉ cho vay 70 đồng.

“Ví dụ Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt 16% thì huy động chỉ 14%, nhưng năm nay tăng trưởng tín dụng mới trên 15% mà huy động đã trên 18%, trong khi nguồn vốn chỉ nên 13% thôi”, ông Thành giải thích.

Vậy tại sao Vietcombank lại điều chỉnh tăng lãi suất? Nguyên do có lẽ Vietcombank muốn kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt hơn 15%, trong khi chỉ tiêu NHNN giao là 16% trong năm 2017. Nếu theo chỉ tiêu kế hoạch thì Vietcombank gần như không được tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Vietcombank trong năm nay lên 18%.

Nhưng với mức tăng trưởng này là phải kiểm soát vì những tháng cuối năm tín dụng bao giờ cũng tăng khoảng 23%. Đây là tăng trưởng mang tính mùa vụ.

“Nhưng mức tăng này đã phải kiểm soát rồi, bởi không thì sẽ tăng quá chỉ tiêu NHNN giao. Thứ 2 là năm sau có cho tăng trưởng cao cũng không tăng, vì do hệ số an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR). Tăng trưởng tín dụng 18% thì tỷ lệ tăng vốn cấp 1 không bao giờ đủ cả, cho nên năm sau Vietcombank chỉ tăng 14 – 15%, cho lên 18% cũng không nhận”, ông Thành phân tích.

Ông Thành cho biết thêm, Vietcombank đang chuyển hướng mạnh mẽ sang bán lẻ vì tỷ lệ NIM (chênh lệch lãi suất giữa huy động và đầu tư tín dụng) rất cao và rủi ro rất thấp. Nợ xấu thấp và nếu có nợ xấu thì cũng còn tài sản đảm bảo, xử lý xong ngân hàng không mất đồng nào.

“9 tháng đầu năm, tăng trưởng bán lẻ của Vietcomank đạt 38% và đóng góp vào doanh thu là 51%. Sắp tới tiến đến mức tăng trưởng 50% thì mức đóng góp vào doanh thu sẽ đạt khoảng 60 – 65%. Việc đẩy mạnh bán lẻ tạo hệ số NIM tốt như vậy thì không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng quá cao vẫn mang lại hiệu quả lợi nhuận”, ông Thành cho biết.

Như vậy, khi kế hoạch tăng vốn của Vietcombank thông qua thương vụ bán 7,73% cổ phần cho quỹ đầu tư GIC của Singapore đang gặp khó khăn về giá bán (giá cổ phiếu VCB tăng mạnh trong thời gian qua, lên gần 50.000 đồng/cổ phiếu), Vietcombank đang phải tính bài toán tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận. Nên có thể việc điều chỉnh tăng lãi suất cho vay của Vietcombank cũng là một dạng phản ứng với nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và xã hội.

Tăng giá vốn đầu vào

Một nguyên nhân được cho là tác động đến quyết định nâng lãi suất cho vay của nhiều ông lớn ngân hàng, đó là lãi suất đầu vào đã được điều chỉnh. Sau động thái tăng thêm lãi suất huy động 0,5%/năm của BIDV, VietinBank, Sacombank... cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới với xu hướng tăng 0,1 - 0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Với quyết định này, lãi suất tiền gửi VND của Vietinbank kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Nguyên nhân là do thời gian qua, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cao hơn tăng trưởng huy động, lần lượt là 75,7% và 71,2%. Ngoài ra, Vietinbank cũng là ngân hàng được hưởng lợi từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Vietinbank cho thấy, 9 tháng đầu năm Kho bạc Nhà nước gửi tại ngân hàng này là 26.431 tỷ đồng. Giới tài chính dự báo, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở Vietinbank sẽ sụt giảm trong những tháng cuối năm 2017 khi Chính phủ thực hiện thanh quyết toán vốn/nợ.

Tăng trưởng tín dụng cũng được ngân hàng này tiêu hết trong 9 tháng đầu năm là 16%. Ngân hàng này cũng vừa được NHNN cấp thêm quota tăng trưởng tín dụng trong năm nay nhưng vẫn phải kiểm soát.

Thực tế, thời gian qua nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay do đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động và sử dụng hết hoặc gần hết qouta tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đang đi ngược với chỉ đạo tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ do Thủ tướng ban hành về việc giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% từ nay đến cuối năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã ban hành quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tính từ ngày 10.7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem