Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,9%, khách hàng hưởng lợi

Lê Thúy Thứ ba, ngày 09/04/2019 07:15 AM (GMT+7)
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Hiện tại, không ít ngân hàng đang tích cực phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới gần 9%/năm. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng hưởng lợi mà không có bất cứ tác động hạn chế nào.
Bình luận 0

Cuộc đua quyết liệt giữa các ngân hàng nhằm thu hút vốn dài hạn thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao. Hiện mức lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi cao nhất đã lên mức 8,9%/năm.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,9%/năm.

Không phải là ngân hàng nổ phát súng đầu tiên về phát hành chứng chỉ tiền gửi từ đầu năm 2019 tới nay, song ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang là ngân hàng dẫn đầu về mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi của hệ thống ngân hàng tính tới thời điểm hiện nay.

Theo đó, SHB vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt I dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN) tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc với mức lãi suất hấp dẫn lên đến 8,9%/năm.

Tổng mệnh giá đợt phát hành này của SHB lên tới 10.000 tỷ đồng. Thời gian của chương trình kéo dài đến hết ngày 6.6.2019 hoặc cho đến khi đủ khối lượng phát hành đối với khách hàng cá nhân và tới 30.6 đối với khách hàng doanh nghiệp.

Cụ thể, các khách hàng cá nhân tham gia chương trình với chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.

img

 SHB dẫn đầu thị trường về lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi

Đối với khách hàng DN, SHB triển khai chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao vượt trội lên tới 8,2%/năm. Các khách hàng DN tham gia chương trình với số tiền chỉ từ 500 triệu đồng và lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng.

Với sản phẩm này của SHB, trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống SHB tại Việt Nam với lãi suất cầm cố ưu đãi, bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại SHB và các tổ chức tín dụng khác hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng… theo quy định của SHB và của pháp luật.

Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) mới đây cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi Lộc Bảo Phát liên kết lợi suất đầu tư Trái phiếu chính phủ đầu tiên trên thị trường. Theo đó, lãi suất của chứng chỉ này có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất sản phẩm tiết kiệm thông thường. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 12 hoặc 18 tháng tại MSB tương ứng là 6,8%/năm, 7,3%/năm và 7,7%/năm.

Tại LienVietPostBank, lãi suất huy động từ chứng chỉ tiền gửi cũng hấp dẫn lên đến 8,1%/năm tùy từng kỳ hạn 15 tháng đến 36 tháng; SeABank phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhất 8,6%/năm.

Không chỉ là cuộc đua của những ngân hàng tầm trung và những ngân hàng nhỏ, chứng chỉ tiền gửi cũng được các ông lớn trong nhóm “big four” quan tâm. Đơn cử như tại “ông lớn” BIDV, trong thời gian vừa qua, ông lớn này đã triển khai chương trình “Chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung dài hạn 2019” dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức, với lãi suất lên tới 7,6%/năm.

Hiệu quả kép “an toàn – thanh khoản – sinh lời cao”

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

Nói về chứng chỉ tiền gửi, nhiều chuyên gia cho rằng, đó là công cụ rất thiết thực và hiệu quả đối với những cá nhân và tổ chức có lượng tiền nhàn rồi đủ lớn. “Người dân tham gia những chương trình về chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng sẽ chỉ có lợi”, ông Phạm Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Học viện Ngân hàng khẳng định.

Ông Khánh phân tích, thông thường những sản phẩm có tính sinh lời cao thì sẽ có rủi ro lớn hoặc bị hạn chế bởi tính thanh khoản. Thế nhưng, với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, những yếu tố này đều được đảm bảo cho khách hàng.

img 

Chứng chỉ tiền gửi vừa an toàn, thanh khoản và khả năng sinh lời cao hơn so với nhiều kênh đầu tư khác

Ông Khánh nói, “trên thị trường hiện nay có những ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 9%. Trong khi đó với cùng kỳ hạn, mức lãi suất phổ biến của loại hình tiết kiệm thông thường khó vượt qua con số 8%. Như vậy, đây là kênh đầu tư tối ưu với các khách hàng có nguồn tài chính nhàn rỗi, ổn định, có xu hướng chọn kênh đầu tư an toàn mà vẫn được hưởng lãi suất hấp dẫn.

Đặc biệt, trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức… Đây là yếu tố tạo ra tính thanh khoản, sự linh hoạt cho khách hàng khi sở hữu chứng chỉ tiền gửi do các NHTM phát hành”

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận rằng, lãi suất cao là ưu việt lớn nhất của chứng chỉ tiền gửi. Không chỉ có lợi hơn so với tiết kiệm thông thường mà đây còn là kênh đầu tư có ưu thế hơn so với nhiều kênh đầu tư khác như kim loại quý hay ngoại tệ.

“Lãi suất chứng chỉ tiền gửi là gần 9%, nếu trừ đi mức lạm phát 4% như mục tiêu đề ra của Quốc hội, khách hàng sẽ còn khoảng sinh lời 5%. Cùng số tiền này, nếu mua ngoại tệ, như dư báo, mức biến động tối đa của tỷ giá năm 2019 chỉ vào khoảng 3%. Điều này đồng nghĩa với việc, khả năng sinh lời từ chứng chỉ tiền gửi lớn hơn so với kânh đầu tư ngoại tệ. Như vậy, rõ ràng khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn chứng chỉ tiền gửi” ông Hiếu phân tích.

Còn nếu đứng trên góc độ các NHTM, đại diện 1 ngân hàng hiện đang dẫn đầu về mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cho biết, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi không chỉ tối ưu quyền lợi cho khách hàng mà còn là công cụ cho các NHTM bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn.

“Chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiện tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng. Thông qua đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi SHB triển khai mới đây, SHB muốn bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn đồng thời mong muốn mang đến cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ tiện ích.”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB nhấn mạnh.

img 

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB

Ông Nguyễn Văn Lê cho biết thêm, song song với việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ hiện đại và cạnh tranh, ngân hàng luôn chủ động kiểm soát chặt chẽ quy trình tiền gửi với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Với mong muốn trở thành Ngân hàng bán lẻ đa năng, SHB luôn cam kết đồng hành cùng khách hàng nhằm tối ưu hóa các dịch vụ, đảm bảo lợi ích cao nhất cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

Đặc biệt, trong bối cảnh các NHTM phải đáp ứng yêu cầu của Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước, quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% trước đó về mức 40% kể từ đầu năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với mức lãi suất cao đang là kênh  tốt nhất giúp các NHTM hiện thực hóa những quy định này của Ngân hàng Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem