Lãi suất giảm, tín dụng có triển vọng tăng trong mùa cao điểm cuối năm?

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ bảy, ngày 25/11/2023 16:09 PM (GMT+7)
Lãi suất đang giảm, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khá yếu khi sức cầu giảm, vì vậy, dư địa cho vay nhiều khả năng vẫn khó tăng trong mùa cao điểm cuối năm.
Bình luận 0
Lãi suất giảm, tín dụng có triển vọng tăng trong mùa "cao điểm" cuối năm? - Ảnh 1.

Các ngân hàng vào cuộc "chạy đua" giảm tiếp lãi suất huy động từ đầu tháng 11 đến nay. Ảnh: HDBank

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất tiền gửi

Từ đầu tháng 11 đến nay, đã có 22 nhà băng tham gia "chạy đua" giảm tiếp lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất được các ngân hàng đưa về dưới 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 6-12 tháng, kể cả ở những nhà băng quy mô vừa và nhỏ.

Hiện chỉ còn một vài ngân hàng áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,7%/năm, là HDBank, DongA Bank.

Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, chỉ một số ít nhà băng duy trì mức lãi suất tiền gửi cao nhất 6-6,2%/năm như VietABank. Tại khối ngân hàng nhóm BIG 4 và ngân hàng tư nhân top đầu, lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ trên dưới 5%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm là do tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu vốn chưa phục hồi, trong khi thanh khoản hệ thống khá dồi dào, buộc các ngân hàng phải giảm thêm lãi suất tiền gửi để giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu của thị trường.

Kết thúc 3 quý đầu năm nay, tín dụng ở các ngân hàng có tăng trưởng, song phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Trong đó, có nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng được giao, song có ngân hàng mới đạt 3-4%.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng thời gian qua cũng chưa thực sự mạnh mẽ. Tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN - chi nhánh TP.HCM, cho biết, mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2023 ở TP chỉ đạt 4,67%, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước (tăng 7,39%).

Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây, song theo ông Lệnh, điều này phù hợp với tình hình kinh tế chung hiện nay.

Lãi suất giảm, tín dụng có triển vọng tăng trong mùa "cao điểm" cuối năm? - Ảnh 3.

Nhu cầu vốn của các DN cũng không cao dịp cuối năm do kinh tế khá èo uột. Ảnh: Quốc Hải

Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng không cao, song theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đặt trong bối cảnh chung hiện nay thì kết quả này có ý nghĩa quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại và làm cơ sở nền tảng tốt cho năm 2024 (năm được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức).

Lãi suất còn dư địa giảm?

Trong bối cảnh các ngân hàng đang tồn kho về vốn, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ còn dư địa giảm thêm.

Theo chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, về mặt bằng lãi suất, có khả năng và xác suất để giảm lãi suất rất cao. Có 3 lý do để ông Phương đưa ra nhận định này.

Thứ nhất, vì lạm phát tương đối ổn định, nằm trong tầm kiểm soát và ở trong mức đã được trình cho Quốc hội, cho nên dư địa để dùng công cụ lãi suất bên thị trường tiền tệ hỗ trợ cho các DN và nền kinh tế vẫn còn.

Tiếp đến, mục tiêu phấn đấu của Chính phủ là cố gắng tiếp tục đẩy mạnh GDP của cả nước cũng như thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển, yếu tố chính hay cũng là một công cụ chính giúp cho nền kinh tế phát triển, tăng trưởng GDP là công cụ lãi suất. Do đó, NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ cố gắng thu xếp để giảm thêm lãi suất, hỗ trợ các DN.

Nguyên nhân cuối cùng đến từ yếu tố nước ngoài, đó là tháng 11 vừa qua, FED không tiếp tục tăng lãi suất. Đặc biệt, quan điểm của FED thông qua các phương tiện truyền thông cho thấy đã bớt tính căng thẳng, bớt cứng nhắc hơn khi các thông điệp của họ có sự mềm dẻo.

Và dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, sắp tới, FED có thể không tăng thêm lãi suất và thậm chí đang thiết lập lộ trình để giảm lãi suất trong tương lai.

"Đây cũng là những tín hiệu, điểm tựa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất khá cao. Có thể, tỷ lệ phần trăm giảm lãi suất không nhiều như trước nhưng cho thấy xu hướng sẽ có hạ lãi suất hoặc chí ít là giữ mức lãi suất như hiện nay chứ không tăng lên", ông Phương nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi còn giảm tiếp. Thực tế, lãi suất tiết kiệm giảm sâu nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng vì họ không dám bỏ vốn vào các kênh đầu tư khác, nhất là khi thị trường bất động sản vẫn gặp khó, thị trường chứng khoán biến động thất thường và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh.

Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nên khả năng mức giảm lãi suất trong thời gian tới rất thấp, vì không còn nhiều dư địa.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm: "Lãi suất đang ở mức thấp trong lịch sử nên khó có thể thấp hơn. Nếu giảm thêm, có thể tạo áp lực lên tỷ giá, thậm chí còn giảm hiệu quả công cụ chính sách tiền tệ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem